Ngày mười tám tháng năm, hoàng đế Chính Đức thân chinh lên Thừa An Môn (tức Thiên An Môn) hạ chiếu thông báo khắp thiên hạ: tân đế lên ngôi.
Hoàng đế đặt chiếu chỉ tuyên bố nắm giữ triều chính vào miệng một con phượng hoàng ánh vàng rực rỡ, tự tay thắt dây lụa vàng vào lưng kim phượng. Chính tay thái giám thủ lĩnh Lễ Giám ty dòng kim phượng từ đầu thành xuống, những quan chức bộ Lễ quì trên mặt đất trước cổng thành, hai tay nâng quá đầu một chiếc khay vàng có trang trí đám mây tiếp chỉ. Sau đó các quan viên phóng ngựa đưa đến bộ Lễ sao chép rồi đóng dấu, bố cáo khắp thiên hạ. Chính Đức chính thức trở thành thiên tử Đại Minh. Thủ tục ban chiếu đó gọi là "Kim phượng ban chiếu".
Sau đó hoàng đế Chính Đức được bá quan vây quanh trở về điện Kim Loan, ngồi lên ngai vàng để các quan bái lạy. Lúc này hạ sử (sứ giả đến chúc mừng) và hạ nghi (lễ vật) của các Phiên Vương cùng bốn nước chư hầu vẫn còn trên đường đi.
Chính Đức vừa lên ngôi nắm triều chính, lập tức tuyên bố ba đạo thánh chỉ. Các bộ, các địa phương phải lập tức chấp hành tuyệt đối.
Đạo thánh chỉ thứ nhất đã được chuẩn bị từ trước bởi Vương Quỳnh, thượng thư bộ Lễ, tổng chỉ huy nghi thức tang lễ, người mà vua cũ mới mất một ngày đã bị giam vào đại lao: "Đạt thiên minh đạo thuần thành trung chính thánh văn thần vũ chí nhân đại đức kính hoàng đế (nghĩa là vị hoàng đế đại nhân đại đức, thánh văn thần võ, thuần thành trung chính sáng rõ như trời) Hiếu Tông đã về trời, tổ chức quốc tang trên cả nước."
Toàn thể thần dân phải để tang, mũ viền vải trắng. Sau khi dự đại lễ tân đế lên ngôi, các quan vẫn phải để tang, không được đi ủng mà phải đi giầy rơm, bỏ hai cái cánh chuồn ở mũ sa để treo hai dải băng trắng rủ xuống.
Các chùa chiền to nhỏ cùng đánh vạn tiếng chuông, ngày đêm không dứt. Trong vòng ba ngày, các quan viên từ tứ phẩm trở lên phải từng nhóm một tiến về Càn Thanh Cung cử hành việc đưa linh, ai ai cũng phải khóc than mười lăm lần, do viên ngoại lang bộ Lễ chỉ huy. Cùng một lúc tất cả người tham gia phải than lạy nhịp nhàng theo lệnh, khóc cùng khóc, dừng cùng dừng, khiến cho Càn Thanh Cung trở nên như đang diễn tấu nhạc giao hưởng.
Đạo thánh chỉ thứ hai là do hoàng đế Chính Đức và ba vị đại học sĩ cùng Cửu Khanh của sáu Bộ trao đổi mặc cả khá lâu, cuối cùng trong tình huống không chống nổi sự uy hiếp của Hoàng đế mới thông qua. Chiếu chỉ hạ lệnh cho tả thị lang bộ Lễ Lý Kiệt, giám phó của Khâm Thiên Giám là Nghê Khiêm, thái giám của Lễ Giám ty là Đái Nghĩa, tả thị lang bộ Công Lý Đạc, tham tướng Tả Tiêu quân của Thần Cơ doanh Dương Lăng cùng đôn đốc giám sát xây dựng Thái Lăng cho hoàng đế Hoằng Trị.
Mặc dù bị hoàng đế Chính Đức ép nên đám nội các đại học sĩ phải đưa Dương Lăng vào nhóm các quan viên phụ trách đôn đốc xây Đế Lăng, nhưng bọn họ lại cố ý nhét y vào cuối danh sách. Ngược lại, vốn chẳng có chí khí gì lớn (thật sự rất có lỗi với rất nhiều khổ tâm thu vén cho y của hoàng đế Chính Đức), Dương Lăng hoàn toàn chẳng để tâm đến việc này.
Đối với người khác thì việc đôn đốc xây Đế Lăng chẳng những là một công việc vô cùng quang vinh mà còn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho con đường làm quan sau này. Nhưng Dương Lăng lại chỉ ước gì mình được chỉ huy chút đỉnh gì đó, chỉ cần chạy loanh quanh dãn chân, dãn cẳng là tốt nhất. Muốn y mỗi ngày phải chủ trì đại lễ, phải bôn ba trong nghĩa trang, không nói y không có năng lực làm việc này, mà chính từ đáy lòng y cũng chẳng hứng thú gì.
Đám Đại học sĩ muốn làm khó dễ y nhưng lại thành ra giúp đỡ y. Bây giờ Dương Lăng chỉ chịu trách nhiệm chỉ huy trên vạn quan binh cung dịch từ tam đại doanh trong Ngũ Quân Đô Đốc Phủ điều tới. Khi đám nhân viên này vừa đến, bộ Lễ, bộ Công, Khâm Thiên Giám đã bắt đầu vung tay múa chân, Dương Lăng gần như thành người thừa. Người ta không muốn gặp y, y cũng không cần phải có mặt mỗi ngày, thành ra lại tiêu diêu tự tại vô cùng vui vẻ.
Đạo chiếu chỉ thứ ba của hoàng đế Chính Đức là vung đao giết người. Hắn mang hết toàn bộ uất ức với đám quan văn giáng xuống một đám quỉ xui xẻo. Vì hoàng đế Hiếu Tông vừa uống thuốc xong lại đột nhiên chảy máu không ngừng rồi thăng luôn, những người hầu hạ hoàng đế Hiếu Tông uống thuốc là thái giám Trương Du, Viện phán của Thái Y viện Lưu Văn Thái, ngự y Cao Đình Hòa đều bị xử trảm. Cách chức Thái Y viện của Sứ Thi Khâm, còn thiếu khanh Thái Thường Tự là Lý Tông Chu và các quan chức liên quan đều bị biếm ra quan ngoại.
Một việc khiến quần thần không hiểu ra sao cả chính là việc phó tham tướng Thần Cơ doanh Bào Tận Thẩm, quan đô ty Lưu Sĩ Dung, Thải Bạn quan (quan thu mua) Bào Tận Trung và trên mười tên võ tướng lớn nhỏ liên quan cũng bị lôi ra trước chợ chém đầu. Bào tham tướng và Lưu đô ty bị áp giải từ thiên lao, còn Bào Tận Trung thì lại được người của Cẩm Y Vệ đưa tới. Khi Giám Trảm quan kiểm tra, chứng thực nhân thân của hắn thì lão vô cùng kinh hãi.
Quả thực Tiền Ninh rất quan tâm tới Bào Tận Trung nên gã không dùng những hình phạt như kéo ruột, tôi luyện, huyền tích (treo xương sống lên), oan tất (đục vỡ đầu gối), xoát tẩy (cọ rửa) với hắn, nhưng hắn cũng đã bị đánh đập thê thảm tới mức không còn nhân dạng, ngay cả đường huynh Bào tham tướng cũng không nhận ra được hắn.
Đến lúc chém, những phạm nhân trên pháp trường ai nấy đều mặt cắt không còn chút máu, chỉ có Bào thải bạn thì lại vô cùng khẳng khái nhanh chóng đưa cổ chờ đao, lập tức được dân chúng vây xem ồ lên ủng hộ.
Miêu Quỳ phụng mật chỉ của tiên đế bí mật tra tìm những kẻ mua súng ống cùng đạn dược, xem rốt cuộc đó là vị Phiên Vương nào. Việc này quan hệ trọng đại, hoàng đế Hoằng Trị dặn lão nếu chưa điều tra được rõ ràng thì đừng vội thông báo với Chu Hậu Chiếu, do đó Chính Đức hoàn toàn không biết gì về việc này.
Đến khi Miêu Quỳ nghe thấy chiếu chỉ của hoàng đế Chính Đức được ban bố một cách đột ngột thì lập tức phi ngựa tới pháp trường muốn hô to "Đao hạ lưu nhân". Đáng tiếc khi lão tới nơi thì chỉ kịp nhìn thấy thân quyến của những người chết đang khâm liệm thi thể, chuẩn bị đem đi mai táng rồi.
********
Vua mới lên ngôi, quốc sự nặng nề, ba vị đại học sĩ bận tới mức không thể giải quyết hết việc. Họ cũng không hề quên đồng liêu đang bị giam ở thiên lao, nhưng dù họ nhiều lần cầu khẩn hoàng đế Chính Đức đặc xá tội bất kính cho Vương Quỳnh, nhưng Chính Đức lại hoàn toàn không thèm để ý.
Có chư vị đại nhân Lục Bộ Cửu Khanh chiếu cố, Vương lão thượng thư không hề chịu khổ sở gì trong ngục tối, nhưng một vị cựu thần mà bị giam trong ngục hơn mười ngày như vậy, khó tránh khỏi việc đám triều thần cũng nhao nhao bàn luận. Họ không dám phỉ báng hoàng đế nhưng không khỏi giận chó đánh mèo, căm ghét Dương Lăng ra mặt. Phần lớn đám quan văn gặp Dương Lăng đều lạnh mặt làm ngơ, khiến cho Dương Lăng cảm thấy rất xấu hổ.
Thật ra Dương Lăng cũng có nói giúp cho Vương Quỳnh nhiều lần. Chỉ là Chính Đức vừa nghĩ tới việc lão gia hỏa đó hung hăng trước mặt mình, phun cả nước bọt vào mặt mình, điệu bộ cực kỳ kiêu ngạo làm cho hắn cực kỳ căm hận, nên hắn rắp tâm muốn dạy cho lão một bài học. Vì vậy, cho dù Dương Lăng cầu xin cũng không được hắn xem xét.
Lúc này, Ngự Mã Giám vừa mới phụng chỉ tiếp quản hoàng cung, Dương Lăng cùng Miêu Quỳ bàn giao cung cấm. Sau khi để năm trăm thân vệ tạm ở lại hoàng cung, những quan binh khác lập tức được cử tới Thái Lăng đôn đốc việc xây dựng hoàng lăng. Tất cả mọi việc xử lý xong xuôi, Dương Lăng chạy về Càn Thanh Cung. Vừa mới đi đến cửa điện, y đã thấy hai vị đại nhân Vương Ngao, Dương Phương từ trong cung mặt mũi nặng chích đi tới.
Dương Lăng thấy vậy vội dừng chân chắp tay thi lễ. Hai người thấy Dương Lăng làm vậy cũng không thèm để ý tới, chỉ cười lạnh một tiếng rồi phẩy tay áo bỏ đi. Dương Lăng biết những người đối xử với mình như vậy đều là những đại thần thẳng thắn trung trinh, do ma xui quỷ khiến thế nào mà họ lại cho mình là kẻ gian nịnh. Y chỉ có thể lắc đầu cười khổ, bước vào đại điện.
Tiểu hoàng đế đang lẩm bẩm đọc, phê các bản sớ, duyệt xong là tiện tay vứt sang một bên. Lưu Cẩn cắp phất trần đứng hầu bên cạnh. Lão vừa nhìn thấy Dương Lăng liền khẽ cười, đưa tay lên muốn chào hỏi.
Mấy ngày nay ở gần với nhau đã quen, Dương Lăng cũng biết tiểu hoàng đế cực kỳ hiền hoà, bởi vậy y ra hiệu cho Lưu Cẩn im lặng, rồi lặng lẽ đi tới bên người Chính Đức.
Trong những bản tấu đã được phê đang được đặt ở trên bàn, Dương Lăng thấy một bản phê rằng:
- Tiền khuyến học cũng cần thiết. Thế nhưng muốn sao chép mọi thứ từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế tới nay à? Nếu e thừa quá nhiều giấy mực, cứ đưa bớt cho trẫm.
Một bản khác thì viết:
- Những việc nhỏ như thế này thì quan viên địa phương có thể làm. Nếu cái gì cũng cần trẫm phê duyệt, vậy các ngươi để làm gì?
Dương Lăng nhìn bản tấu chương này thấy đầy những chữ cực nhỏ dày đặc. Y đã biết cho dù là tấu chương của ai viết đi nữa, những dòng đầu cũng đều chỉ nói vài lời vấn an ca ngợi khách sáo, gần như có thể bỏ qua không cần xem nên y vội liếc xuống phía dưới. Trong bản tấu chương viết đại ý là ở khu Bách Việt, có dân chúng lấy lúa nước của An Nam lai tạo với lúa của ta, sản xuất ra một loại gạo mới, có thể chịu hạn, chống côn trùng tốt hơn, sản lượng cũng tăng lên, xin Hoàng Thượng cho nhân giống, phát triển.
Dương Lăng đọc xong tấu chương đó, vội hỏi:
- Hoàng Thượng! Dân lấy ăn mặc là quan trọng, nếu giống gạo mới có thể tăng sản lượng, dù chỉ là một mẫu tăng mười cân, thì phần tăng thêm trên đồng ruộng cả nước đâu chỉ là ức vạn? Hoàng Thượng không nên xem thường.
Chính Đức vừa quay đầu lại, nhìn thấy là y bèn vui vẻ nói:
- Ngươi trở lại rồi à! Trẫm đang muốn bảo người đi tìm ngươi. Trẫm muốn lưu Tả Tiêu quân của ngươi ở kinh sư, đám đại học sĩ không chịu. Lưu Cẩn đưa ra một ý rất hay: xung quanh kinh sư qui hoạch một ngự trang bảy tòa, nhân mã của ngươi nhậm chức thị vệ thân quân cho trẫm, đóng quân trong ngự trang. Ha ha, sau đó họ không dám nói gì nữa.
Dương Lăng nghe xong không khỏi cả kinh. Chẳng phải làm như vậy thì mình sẽ càng trở thành mục tiêu công kích sao? Quy hoạch ngự trang, dân chúng trong ngự trang sẽ nộp thuế ruộng cao hơn dân chúng bình thường vài phần. Dân chúng khổ không nói ra được, phần tội lỗi này cũng sẽ đổ lên đầu mình rồi.
Y không khỏi tức giận liếc mắt nhìn Lưu Cẩn. Lưu Cẩn đứng bên cạnh Chính Đức với vẻ mặt vô cùng đắc ý, còn cảm thấy mình đã làm một việc rất tốt cho Dương Lăng. Lão vui vẻ xem cái liếc mắt của Dương Lăng là cái nhìn cảm ơn của Uy Vũ Bá.
Dương Lăng không khỏi thở dài, bỏ qua không nói về việc này nữa, y quay sang bản tấu chương:
- Hoàng Thượng! Hẳn là nên giao bản tấu chương này cho ba vị đại học sĩ bàn bạc một chút. Gạo đã kháng côn trùng, chống hạn tốt lại có thể tăng sản lượng, thật rất có lợi cho dân chúng Đại Minh. Bệ hạ nên giao cho một địa phương nào đó trồng thí nghiệm, nếu thật sự hiệu quả như vậy, sẽ nhân rộng ra. Dân chúng nhận được ơn huệ, ai mà không cảm động ân đức của Hoàng Thượng chứ?
Y thấy Chính Đức nghe mà không để tâm lắm, không khỏi linh cơ máy động, nói luôn:
- Nếu gạo này thật sự hiệu quả, vậy là tuệ nhãn của Hoàng Thượng rất cao. Lúc đó thần xin dùng niên hiệu của Hoàng Thượng mà đặt tên, gọi là "gạo Chính Đức", như thế sẽ thiên thu muôn đời ai ai cũng đều nhớ tới Hoàng Thượng.
Y vừa nói như vậy, quả nhiên khiến Chính Đức cao hứng. Hắn vui vẻ phán:
- Dương khanh nói có lý. Cứ như vậy đi! Những quan lại địa phương tự mình thí nghiệm loại này. Mỗi nhà không được ít hơn hai mẫu. Khi có kết quả khả quan sẽ nhân rộng ra.
Hắn vội vàng lấy lại bản tấu chương đó, viết lại ý kiến phúc đáp lên, rồi bảo tên tiểu thái giám bên cạnh:
- Lập tức đưa cho đại học sĩ duyệt rồi làm việc.
Chuyện này đã gợi lại chuyện vẫn trĩu nặng trong lòng Dương Lăng. Y nhớ lúc mình còn ở Kê Minh dịch, Hàn Lâm từng có mấy củ khoai lạ, người phương bắc đều rất quí trọng nó. Bây giờ đã là tháng năm rồi, rốt cuộc hiệu quả của giống lúa mới như thế nào, e rằng phải qua năm sau mới biết được. Trong khi đó mình biết mấy thứ khoai lạ nhất định sẽ cho sản lượng lớn. Lưu Cẩn khuyên hoàng đế mở ngự trang tuy là một chuyện xấu, nhưng nếu ta có thể thuyết phục Hoàng đế đồng ý nhân giống loại cây đó bên trong ngự trang thì khi mọi người đều biết chỗ tốt của nó, đương nhiên dân chúng sẽ tích cực ủng hộ. Kinh sư là căn bản của thiên hạ, dân chúng nơi đây đã trồng loại lương thực này thì chẳng bao lâu loại cây này sẽ được phổ biến khắp cả thiên hạ.
Dương Lăng càng nghĩ càng cao hứng, nhưng tính toán mãi mà chưa biết làm sao mở lời. Lưu Cẩn cười nói:
- Dương đại nhân! Đội quân của ngài cư trú ở kinh thành, chúng ta có thể thường xuyên gặp nhau trước mặt bệ hạ rồi. Ha ha, vừa rồi hai người Dương Phương, Vương Ngao cầm tấu chương về việc Tín Dương lũ lụt tới gặp Hoàng Thượng, nghe nói Hoàng Thượng muốn qui hoạch một ngự trang để cho ngài đóng ở kinh thành, cả hai còn đưa lời gièm pha ngăn cản nữa.
Dương Lăng biết đây là Lưu Cẩn muốn tốt cho mình, nhưng vừa nghe chuyện Tín Dương lũ lụt, còn có người dâng lên tấu chương, y không khỏi giật mình. Đã bao nhiêu ngày qua rồi mà triều đình vẫn còn chưa xử lý, nếu có người chết đói thật, chẳng phải dồn ép dân chúng tạo phản sao? Y vội vàng truy vấn:
- Sao vẫn còn chưa phát chẩn lương thực cứu trợ nạn nhân ở Tín Dương thế?
Chính Đức trả lời:
- Lưu đại học sĩ đã hạ lệnh phân phối thuế ruộng để cứu tế rồi, nhưng bọn hắn lòng tham không đáy, còn muốn trẫm miễn thêm cho Tín Dương ba năm thuế ruộng. Lũ lụt thôi, là đại nạn nhất thời thôi, lũ lui thì đâu có sao, cũng chẳng có gì to tát, cần gì phải miễn ba năm thuế ruộng chứ? Ta vừa rồi suýt nữa bị đám đó khóc lóc nỉ non lừa bịp, may mà có Lưu Cẩn nhắc nhở, mới không mắc bẫy họ.
Dương Lăng cảm thấy hơi không ổn, vội tâu:
- Hoàng Thượng! Hà Nam lắm tai nhiều nạn, dân chúng phần lớn không còn lương thực dư thừa, việc cứu tế chỉ giải quyết việc đói lạnh nhất thời cho họ mà thôi. Huống hồ sau lũ tất có ôn dịch, dân chúng đã túng lại nghèo, rất vất vả mới qua khỏi. Nếu có thể giảm miễn một vài thứ thuế ruộng để dân chúng còn tia hi vọng, nghỉ ngơi lấy lại sức, với nước với dân đều là chuyện tốt mà.
Mặt Lưu Cẩn hơi lộ vẻ bực bội, lão đáp:
- Dương đại nhân có lòng nhân hậu, thương cho dân chúng. Nhưng những quan chức làm tổn hại triều đình, lấy lòng địa phương thật sự không ít đâu. Một khi đã làm một lần, sau này chẳng biết sẽ có bao nhiêu quan chức nhân dịp thiên tai tới xin Hoàng Thượng miễn này miễn kia, như vậy triều đình chẳng còn thuế má gì cả à?
Chính Đức vừa nghe xong gật đầu nói ngay:
- Đúng rồi, đúng rồi! Lưu Cẩn nói có lý. Ta thấy bọn hắn báo cáo rất quá đáng, một lần lũ lụt là lũ lụt cả ngàn dặm được sao? Không thể dung túng cho bọn họ.
Lưu Cẩn lại nói tiếp:
- Trước giờ vẫn không có một quy chế nào về việc triều đình kiểm tra thuế ruộng tại địa phương, việc điều tra cũng không cẩn thận. Trong kho của phủ họ có tiền có lương thực, họ cũng vẫn cứ lên triều đình khóc than. Hoàng Thượng tuổi nhỏ, không thể nào để đám bầy tôi đó che mắt. Lão nô đề nghị Hoàng Thượng thiết lập quy định, hàng năm đều phải phái người tuần tra việc thu thuế ruộng các nơi, tự mình phải có tính toán mới không bị các quan lừa.
Dương Lăng kinh ngạc liếc nhìn lão, y không nghĩ tới tên Lưu Cẩn dốt nát, chỉ biết hại người này còn có cả những ý kiến sâu sắc như thế. Đời nay thông tin phát triển, quy định kiện toàn mà còn phải có những cơ quan kiểm toán hàng năm đi thẩm tra các nơi. Đại Minh lúc này giao thông không tiện, tin tức tắc nghẽn, nếu không tăng cường quản lý tài chính các nơi thì rất bất lợi cho triều đình.
Nhưng chuyện tốt này nếu chỉ cắt cử bọn thái giám nội quan đi chấp hành, chỉ sợ bọn họ ngoài mặt lấy lòng hoàng đế, bên trong thì trung gian kiếm lời bỏ phần lớn vào túi riêng. Lúc đó lại xuất hiện một đám chuyên lột da, vơ vét, chuyện tốt cũng thành chuyện xấu. Dương Lăng vội bổ sung:
- Chủ ý này rất tốt, phải tăng cường việc khống chế của triều đình với địa phương mới có lợi. Hoàng Thượng nên bảo bộ Hộ định ra quy tắc, để họ hàng năm phái người đi chấp hành.
Lưu Cẩn thấy y đồng ý với mình, lập tức mặt đỏ lên. Lúc này lão còn chưa nghĩ tới việc mưu tìm lợi lộc gì, chỉ muốn đứng trước mặt hoàng thượng khoe khoang bản lĩnh một chút. Dương Lăng là cận thần thiên tử, là Uy Vũ Bá, thi thư giỏi hơn lão vốn chỉ vò vè vài chữ không biết bao nhiêu lần. Thấy Dương Lăng tán thành quan điểm của mình, Lưu Cẩn chợt phát hiện mình không phải chỉ là người hầu hạ kẻ khác, hóa ra mình cũng có bản lĩnh thực sự.
Lão nhất thời cao hứng, lập tức đĩnh đạc tâu:
- Nô tài còn nghĩ rằng Dương Phương, Vương Ngao tỏ vẻ tận tâm cho Tín Dương như thế, là bởi vì bọn họ là quan chức gốc Tín Dương nên thiên vị quê nhà. Quan chức trong triều mà còn như thế, chắc chắn quan viên địa phương còn quá đáng hơn nhiều. Để phòng ngừa quan hệ ràng buộc, hoà hiếu kết giao rồi nhận hối lộ, quan viên địa phương cả nước không được nhậm chức ở tỉnh của mình. Cũng cùng lý do như thế, Ngự sử thủy vận không thể để cho người Giang Nam đảm nhiệm.
Dương Lăng nhướng mày, thầm nghĩ: "Lưu Cẩn không phải là người tốt, lão dùng tâm tiểu nhân để đo lòng quân tử, xem mọi người đều nghĩ như lão. Đâu phải các người làm quan đều là một lũ mưu lợi riêng làm rối kỉ cương chứ?" Nhưng y nghĩ lại, loại phương pháp này thật sự có thể phòng ngừa việc tư thông ở một mức độ nhất định.
Dương Lăng bèn tâu:
- Lưu công công tâu rất có lý. Nhưng phần lớn người có học trong thiên hạ đều tập trung ở vài nơi. Nếu khi cử quan chức mà không cho phép nhậm chức tại tỉnh của mình, sẽ có nhiều quan chức không thể phân bổ được. Không bằng quy định để tránh hiềm nghi, quan chức tỉnh giàu có không được nhậm chức tại tỉnh của mình, như vậy mới có thể còn rộng đường lựa chọn cắt cử hơn.
Sau khi lên ngôi, Chính Đức chưa nghĩ được cao kiến gì để có thể tuyên bố chiếu thư hiển thị bản lĩnh của tân đế. Vừa nghe Lưu Cẩn đề ra hai điều mà Dương Lăng đều đồng ý cả, còn bổ sung cho hoàn thiện, hắn liền cảm thấy hứng thú. Hắn nhấc bút lên chăm chú ghi lại, đem nó trở thành hai chính sách mới được ban bố ngay khi mình vừa nắm triều chính.
***************
Chính Đức vừa làm hoàng đế nên còn khá là chăm chỉ, nhưng những bản sớ ấy viết vừa xấu lại vừa dài, nội dung lại cực kỳ khô khan vô vị. Hắn phê một lát thì cảm thấy bực mình, bảo Lưu Cẩn cùng hắn đi chơi.
Dương Lăng một mình đi ra khỏi Càn Thanh Cung, dừng chân chốc lát dưới mái đình trước cửa cung. Bây giờ, nhân mã tứ vệ Ngự Mã Giám đã hồi cung, y không cần phải ở lại trong cung nữa. Nhưng mới vừa rồi Hoàng Thượng chưa có ý cho y rời đi, mà y cũng chưa tìm được cơ hội mở lời.
Ngẫm lại từ khi y lãnh binh vào núi cho tới lúc vào đóng quân trong hoàng cung, nay đã hơn một tháng rồi. Y và Ấu Nương có thể nói là gần nhau trong gang tấc mà cách mặt cả biển trời. Cùng ở trong thành Bắc Kinh, đường đi cũng chẳng bao xa, nhưng lại không được gặp lại nhau, thật sự trong lòng y rất nhớ nhung.
Hôm nay không tiện đi, đợi vài ngày nữa là có thể về nhà rồi. Tiểu nha đầu đó có nhớ ta không, có gầy đi không? Dương Lăng nghĩ đến bé con yêu kiều đáng yêu, thân thể không khỏi nóng lên, hận không thể lập tức bay về, ôm lấy Tiểu nương tử yêu dấu đầy xinh xắn, đầy hiểu biết vào lòng hôn hít một phen.
Đầy tình ý phấp phới, y ngẩn người nhìn vào viện. Một vị quan văn đang đi vào cung, bắt gặp y đứng đờ người trước cửa cung vội băn khoăn bước tới. Người nọ liếc nhìn y, gương mặt dày như vỏ quít mang theo nụ cười khiêm tốn, chắp tay thi lễ:
- Vị này có phải là Uy Vũ bá Dương đại nhân không? Hà hà, quả nhiên là Dương đại nhân!
Dương Lăng đang ngơ ngẩn, quay đầu lại thấy đó là một vị quan văn hơi quen mặt. Tuổi người này sợ cũng phải bảy mươi rồi, trên quan phục có thêu một con gà, xem ra là quan nhị phẩm. Dương Lăng vội chắp tay chào:
- Hạ quan thất lễ, đại nhân là...
Lão đại nhân cười khà khà:
- Lão phu là Tiêu Phương, thị lang bộ Lại.
Dương Lăng vội đáp:
- Thì ra là Tiêu đại nhân! Tiêu đại nhân... muốn vào gặp Hoàng Thượng à?