Có tên lính chạy tới bẩm báo với Tiết Thiều, y vội vàng đi lên đầu thành hỏi:
- Các ngươi từ đâu tới?
- Chúng ta phụng lệnh Lý Tổng quản. Lý Tổng quản có quân lệnh giao cho Tiết Tướng quân.
Tiết Thiều nghe thấy chúng là người do Lý Tĩnh phái tới, vội vàng sai người mở cổng thành cho bọn họ vào. Một lát sau, một tên lính dẫn tên thám báo lúc nãy lên thành. Thám báo lấy ra một phong thư, quỳ một gối trình lên:
- Đây là thủ lệnh của Lý Tổng quản, mời Tướng quân tiếp nhận!
Tiết Thiều mở thủ lệnh ra đọc một lần, ánh mắt lập tức lộ ra vẻ kinh ngạc, sau đó trở nên hưng phấn. Y cất thủ lệnh đi, sau đó quay đầu lại lớn tiếng quát:
- Lệnh cho toàn quân xếp thành hàng, chuẩn bị xuất kích.
Lộ trình từ Tử Hà Bảo đến sơn khẩu Võ Chu ước chừng khoảnh hai trăm sáu mươi dặm. Kỵ binh Đột Quyết cũng phải trải qua một ngày một đêm chạy gấp mới đuổi đến Tử Hà Bảo, nhưng khi trở về, tốc độ của bọn chúng chậm đi rất nhiều, chủ yếu là do chiến mã mỏi mệt, hơn nữa bọn chúng cũng không còn áp lực của nhiệm vụ.
Thống lĩnh hai mươi ngàn quân Đột Quyết này là Vạn phu trưởng tên là Cáp Cát, đã hai mươi mấy tuổi, làn da ngăm đen thô ráp khiến cho vẻ ngoài của y giống với một người đã ba mươi tuổi. Y cao sáu thước, nặng hơn hai trăm cân, cường tráng như một con gấu chó bình thường. Y là dũng sĩ nổi danh của Đột Quyết, có thể dùng tay không đấu với hổ báo. Mặc dù tứ chi của y phát triển, nhưng đầu óc cũng không hề đơn giản, thậm chí còn rất cẩn thận.
Y suất quân truy kích đến cuối cùng, dần dần bắt kịp bộ lạc Ô Đồ, lại phát hiện đúng là là thiếu người. Rõ ràng là có hơn chục ngàn người chạy trốn, cuối cùng thế nào mà chỉ còn có hai ba ngàn người, hơn nữa toàn bộ đều là binh sĩ cường tráng. A Nỗ Lệ ở đâu? Phụ nữ và trẻ nhỏ ở chỗ nào?
Trong lòng y hiểu được, nhất định là mình đã trúng kế dụ binh của địch. A Nỗ Lệ và hơn ngàn phụ nữ, trẻ nhỏ chạy được nửa đường đã chuyển sang một con đường khác chạy thoát rồi. Chỉ có điều là bọn họ trốn bằng một con đường khác từ chỗ nào? Y nghĩ đi nghĩ lại đến cả trăm lần mà vẫn không có đáp án. Đối với địa hình của khu vực này, Cáp Cát cũng chưa quen thuộc lắm.
Nhưng lúc này y cũng rất lo lắng là trở về phải trình báo thế nào? Khả Hãn lệnh cho y dẫn hai mươi ngàn kỵ binh đuổi giết A Nỗ Lệ chạy trốn, cần phải chém tận diệt tuyệt bộ lạc Ô Đồ, tránh để lại hậu hoạn, không ngờ là y đến một người cũng không đuổi kịp, thậm chí còn không bắt được dù là một đứa trẻ.
Nếu như tay không trở về, không nói đến vấn đề bị nhạo báng, mà mấu chốt là y làm thế nào mà báo cáo với Khả Hãn? Chẳng lẽ nói hai mươi ngàn kỵ binh lại không chạy nhanh bằng mấy ngàn phụ nữ và trẻ con sao?
Trong lòng Cáp Cát vô cùng âu lo. Lúc này, một gã Thiên phu trưởng lớn tuổi tiến lên phía trước nói:
- Tướng quân, có thể Công chúa A Nỗ Lễ dẫn theo đám người chạy trốn vào hang u ám rồi.
- Thung lũng U Ám?
Cáp Cát sửng sốt:
- Nó ở chỗ nào?
- Chính là lòng chảo của sông Tử Hà xuyên qua núi lớn. người triều Tùy gọi nó là Tử Hà Cốc, cách chúng ta sáu mươi dặm về phía trước. Ta từng theo Khả Hãn Khải Dân đi qua, xuyên qua thung lũng chính phúc địa triều Tùy, có không ít thôn trang.
Trong lòng Cáp Cát vừa động, vội vang hỏi:
- Có thể lách qua Tử Hà Bảo sao?
- Đương nhiên có thể!
Trong lòng Cáp Cát nóng lên. Mấy ngàn bại binh của bộ lạc Ô Đồ bị bọn họ truy kích, sau khi tiến vào Tử Hà Bảo tất nhiên là sẽ dừng lại một lúc, sau khi nghỉ ngơi một chút sẽ tiếp tục xuôi nam hội họp với A Nỗ Lệ.
Nói không chừng A Nỗ Lệ thống lĩnh phụ nữ và trẻ em còn có thể dừng lại giữa đường đợi bọn chúng. Mình đi trước một bước, giết xuống phía nam, cho dù là không bắt được A Nỗ Lễ những cũng có thể ngăn cản mấy ngàn binh lính bộ lạc Ô Đồ, giết hết bọn chúng, mình cũng có thể dùng đầu người mà báo cáo với Khả Hãn rồi.
Nghĩ vậy, Cáp Cát lập tức ra lệnh cho Thiên phu trưởng:
- Do ngươi dẫn đường, đại quân lập tức xuyên qua thung lũng đến phía nam.
Cáp Cát ra lệnh một tiếng, hai mươi ngàn kỵ binh Đột Quyết gia tăng tốc độ, dọc theo sông Tử Hà, chạy về hướng thung lũng.
Buổi chiều, hai mươi ngàn kỵ binh Đột Quyết đã chạy đến chỗ chuyển biến của thung lũng. Bọn họ nhằm hướng nam, men theo chỗ sâu nhất trong đồi núi mà đi, rất nhanh liền phát hiện thấy chút manh mối. Trên bùn đất có dấu vó ngựa dày đặc, biểu hiện rằng có một đội người ngựa rất lớn từng đi qua đây, còn phát hiện một vài miếng da dê rơi rớt.
Cáp Cát càng thêm hưng phấn, thống lĩnh hai mươi ngàn kỵ binh nhằm chỗ sâu nhất trong thung lũng mà chạy đi, rất nhanh đã tiến nhập vào Sơn cốc U Ám trong truyền thuyết của người Đột Quyết.
Ngay sau khi đại quân Đột Quyết tiến vào trong sơn cốc khoảng nửa canh giờ, Tiết Thiều thống lĩnh bốn ngàn kỵ binh quân Tùy đã đuổi đến cửa sơn cốc. Lúc này đã có hơn hai chục thám báo quân Tùy đứng chờ ở cửa sơn cốc, bọn họ là người của Lý Tĩnh, đứng ở đây để tiếp ứng cho đại quân.
Một gã Giáo úy giục ngựa tiến đến thi lễ nói:
- Khởi bẩm Tiết Tướng quân, không ngoài dự liệu của Lý Tổng quản, đại quân Đột Quyết đã tiến vào thung lũng, đã vào được nửa canh giờ.
Tiết Thiều gật gật đầu, quay đầu ra lệnh:
- Một nửa quân lên núi, một nửa còn lại theo ta vào trong.
Quân Tùy chia quân làm hai đường, một đường theo Tiết Thiều vào trong thung lũng, còn một đường khác thì khiêng hơn ngàn thùng dầu hỏa lên núi, dọc theo khe núi bên cạnh nhằm hướng đỉnh núi tiến đến.
Thung lũng kéo dài khoảng chừng ba mươi dặm. Bởi vì nước sông đóng thành băng cho nên đường trong sơn cốc có thể nói là khá bằng phẳng, chỉ cần một lúc là có thể ra khỏi sơn cốc. Hai mươi ngàn quân Đột Quyết xếp thành hàng di chuyển trong sơn cốc, kéo dài đến vài dặm. Bên trong thung lũng vô cùng u ám, trên đỉnh đầu là một dải trời hẹp. Sau khi ra khỏi sơn cốc ước chừng mười dặm, binh lính ở tiền phương bỗng nhiên lớn tiếng quát lên, một mảnh ồn ào xuất hiện.
- Đã xảy ra chuyện gì?
Cáp Cát giục ngựa tiến lên phía trước hỏi.
- Tướng quân, đường đi phía trước bị tảng băng lớn chắn hết rồi. Chúng ta không thể đi tiếp được!
Cáp Cát sửng sốt, giục ngựa chạy về phía trước. Đúng là ở lối đi hẹp phía trước bị hơn chục khối đá lớn chặn lại, mỗi khối đá đều nặng đến mấy ngàn, thậm chí là hơn chục ngàn cân, cao chừng một trượng, khiến cho con đường bị bịt kín một cách chặt chẽ. Người thì có thể nghĩ cách để leo qua, nhưng chiến mã thì chắc chắn không thể qua được.
Trong lòng Cáp Cát bỗng dâng lên một cảm giác cực kỳ xấu, y như ý thức được cái gì đó, lập tức ra lệnh:
- Nhanh chóng lùi về, mau quay lại!
Y vừa dứt lời, ở trên đỉnh đầu bỗng nhiên truyền đến hàng loạt tiếng nổ ầm ầm. Bọn họ ngẩng đầu lên xem, chỉ thấy bốn phía dày đặc đá tảng đang rơi xuống, rơi thẳng xuống đỉnh đầu của bọn họ!
Trong binh thư thường viết một câu rất đơn giản là "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Những lời này tuy nói ra rất đơn giản nhưng lại bao hàm một đạo lý vô cùng sâu sắc.
Chính là muốn nói phải tự biết mình, biết sức lực của mình, không nên đi trêu chọc cường địch. Nhưng có rất nhiều người lại thường không tự biết mình, hoặc là vì muốn giữ chút thể diện, hoặc là do thói quen cho phép mà gây ra.
Tự biết mình đã khó, biết người lại càng khó. Biết người cũng phải có trình tự, biết đối phương có bao nhiêu quân lương, bao nhiêu binh lực, trang bị như thế nào. Nhưng những điều này cũng chỉ là hiểu biết sơ cấp, rất sơ sài, chỉ cần phái ra thám báo là có thể biết được.
Mà hiểu về bối cảnh chủ tướng của đối phương, kinh nghiệm từng trải qua, thói quen tác chiến, thích đánh lén hay thích cướp lương, đây chính là hiểu biết trung cấp. Làm được điều này cần có thời gian, cần phái nhân viên tình báo đi trước điều tra, có chút khó khăn.
Mà hiểu rõ về hoàn cảnh của đối phương, hiểu được tâm tư của đối phương, căn cứ vào tình cảnh và tâm tư để phán đoán ra quyết sách mà đối phương định áp dụng, đây chính là hiểu biết cao cấp. Đương nhiên, loại hiểu biết này mang tính phiêu lưu rất lớn, cần phải là người có tài năng, tính quyết đoán mới có thể có được, tuy phiêu lưu nhưng tiền lời thu được cũng rất cao.
Lần tập kích này của Lý Tĩnh, không thể nghi ngờ chính là biết người biết ta ở mức độ cao cấp. Y biết thực lực của mình, chỉ dẫn theo có tám ngàn kỵ binh, cộng thêm quân của Tử Hà Bảo là mười ba ngàn người, mà đối phương lại có đến hai mươi ngàn người. Tuy rằng áo giáp của quân Tùy mạnh hơn bì giáp của đối phương, nhưng so kỹ thuật cưỡi ngựa thì lại kém đối phương một bậc. Kỹ năng sử dụng cung tiễn, trường mâu của hai bên cũng không khác biệt lắm.
Hơn nữa đối phương đến từ thảo nguyên ở bờ bắc sông Tử Hà, không có chỗ để ẩn thân mai phục, không có tường thành để cố thủ, không thể lợi dụng địa hình hoặc bờ sông, chỉ có thể hỗn chiến với đối phương. Cho dù là trận pháp của quân Tùy tiên tiến, cuối cùng cũng có thể lấy yếu thắng mạnh, đánh bại đối phương.
Nhưng giết địch ba ngàn, tự tổn tám trăm. Muốn chiến thắng, quân Tùy cũng phải trả giá ít nhất là bốn năm ngàn mạng sống của binh lính. Thế nên, ngay từ lúc bắt đầu, Lý Tĩnh đã không có ý định hỗn chiến với quân địch.
Dưới tình huống biết mình, y lại bắt được một nhược điểm lớn nhất của đối phương. Người Đột Quyết truy kích bộ lạc Ô Đồ thất bại, chủ tướng của bọn họ trở về không thể báo cáo kết quả của hành động.
Dưới tình huống như vậy, tất nhiên là chủ tướng sẽ nghĩ biện pháp, tìm kiếm cơ hội chiến đấu. Cứ như vậy, y sẽ phát hiện ra phụ nữ và trẻ em của bộ lạc Ô Đồ bí mật trốn vào trong Tử Hà Cốc. Vậy thì y sẽ không nghĩ ngợi gì, chắc chắn là sẽ xuyên qua Tử Hà Cốc, tiến xuống phía nam chặn đám chiến sĩ của bộ lạc Ô Đồ rút lui.
Không thể nghi ngờ là Lý Tĩnh đã mạo hiểm đặt xuống một số tiền cược khá lớn. Bởi vì trong Tử Hà Cốc ẩn chứa một cơ hội, y đánh cuộc là chủ tướng của đối phương sẽ nắm lấy cơ hội này. Vì thế, Lý Tĩnh liền dứt khoát hạ lệnh, bày ra thiên la địa võng ở Tử Hà Cốc, chờ cho quân Đột Quyết chui vào rọ.
Trên đỉnh đầu, vô số đá tảng rơi xuống, khí thế như muốn che trời phủ đất khiến cho đội hình của quân Đột Quyết trở nên rối loạn. Binh lính bị đá rơi trúng lập tức lâm vào cảnh đầu rơi máu chảy, chiến mã điên cuồng hí vang, không ngừng ngã lăn trên mặt đất. Tiếng kêu thảm thiết liên tiếp vang lên, binh lính vội vàng giơ tấm chắn phòng ngự lên, một số thì chạy vội sang hai bên vách núi dựng đứng, nép người vào đó mà tránh trận mưa đá.
Vốn là trên đỉnh núi cũng không có nhiều đá tảng như vậy. Chỉ dựa vào đá tảng thì không có cách nào tiêu diệt được hai mươi ngàn quân Đột Quyết. Nhưng tâm lý trúng mai phục, lọt vào ổ phục kích của quân Tùy khiến cho sĩ khí của quân Đột Quyết giảm mạnh, đội hình vô cùng rối loạn.
Hai mươi ngàn kỵ binh Đột Quyết quay đầu ngựa lại, vội vàng chạy trốn về phía bắc. Đây là bản năng của con người, trong thời khắc nguy nan, con người luôn có bản năng chạy trốn về nhà của mình.
Nhưng con đường hẹp trong sơn cốc không cho phép một lượng lớn người ngựa như vậy chạy nhanh. Khủng hoảng và bản năng cầu sống khiến cho kỵ binh Đột Quyết tranh nhau nhằm phía bắc mà chạy trối chết. Bọn họ dẫm lên nhau, dẫm lên thân thể đồng bạn và chiến mã. Tiếng kêu la, khóc lóc vang lên thảm thiết, vọng khắp thung lũng.
Chủ tướng Cáp Cát đầu tàu gương mẫu, dẫn theo hơn mười ngàn kỵ binh Đột Quyết hướng miệng cốc ở phía bắc mà chạy trốn. Khi còn cách cửa cốc vài dặm, y bỗng nhiên hoảng sợ ghìm chặt dây cương. Y phát hiện phía trên mặt đất tối như mực phủ đầy vệt mỡ, trong không khí có một mùi hắc hắc khó chịu.
Phát hiện này khiến cho y hồn bay phách lạc, mãnh liệt thúc giục chiến mã nhằm cửa cốc chạy trối chết. Đúng lúc này, trên đỉnh đầu y bỗng xuất hiện mười mấy quả cầu lửa khổng lồ, lao thẳng xuống đám đông người ngựa.
Bọn lính hoảng sợ vạn phần, kêu gào ầm ỹ, liều mạng tránh né hỏa cầu đang lao xuống. Nhưng hỏa cầu chỉ là cái chìa khóa mở ra cánh cửa xuống Địa ngục. Chỉ một thoáng sau, trong thung lũng bùng lên một ngọn lửa vô cùng lớn.
Ngọn lửa mãnh liệt nuốt sống binh lính Đột Quyết. Tiếng kêu rên vang dội khắp thung lũng. Trên đỉnh đầu lại có vô số thùng dầu hỏa được ném xuống. Dầu mỏ đen thui chảy khắp nơi, nơi nào có dầu hỏa, nơi đó có ngọn lửa bốc lên, giống hệt như Hỏa Ma lè lưỡi hút đi sinh mạng, khói độc gay mũi ngày càng đặc hơn, tràn ngập khắp sơn cốc.
Chủ tướng Cáp Cát dẫn theo hơn hai ngàn quân liều chết chạy về hướng cửa cốc. Con đường trong sơn cốc càng ngày càng rộng, chiều rộng đã tới trăm bước, vậy là sắp đến cửa cốc rồi. Bọn họ đã có thể nhìn thấy ánh sáng của cửa cốc từ nơi xa, cảm nhận được làn gió mát lạnh.
Nhưng đúng vào lúc này, một tiếng mõ vang lên, một trận mưa tên dày đặc như bão táp phong ba phóng tới. Cáp Cát không có phòng bị, chỉ một thoáng thôi, y lập tức trở thành con nhím, bị vô số loạn tiễn bắn trúng, cũng không kịp kêu lên một tiếng, cả người và ngựa cứ thế đổ rạp xuống đất.
Phía trước có mưa tên của quân Tùy, sau lưng là liệt hỏa ngập trời, khói độc tràn ngập. Hơn hai ngàn kỵ binh Đột Quyết không có lựa chọn, chỉ có thể giơ tấm chắn lên, liều mạng lao về phía miệng cốc.
Từng đám từng đám kỵ binh Đột Quyết chết thảm dưới mưa tên, nhưng dục vọng cầu sinh mãnh liệt vẫn khiến cho mấy trăm kỵ binh thành công lao ra khỏi cửa cốc, chạy thục mạng về phía thảo nguyên ở phương xa.
Hơn một canh giờ sau, thế lửa dần dần bị nước sông dập tắt, khói đặc cũng dần tản ra, toàn hộ Tử Hà Cốc gần như trở thành Tu La Địa Ngục. Hơn hai mươi ngàn kỵ binh Đột Quyết, ngoài trừ hơn bốn trăm người thành công thoát ra ngoài, tránh được một hồi đại nạn, số kỵ binh còn lại gần như chết thảm trong Tử Hà Cốc.
Đá tảng rơi trúng, dẫm đạp lên nhau, bị ngọn lửa mãnh liệt đốt cháy, bị khói độc thiêu đốt, bị mưa tên bao phủ. Các loại thủ đoạn tàn khốc ở trên còn chưa đủ, quân Tùy còn cho binh lính tiến vào trong cốc, tay cầm đao sắc, tìm kiếm binh lính Đột Quyết còn chưa chết, toàn bộ một đao giết chết, không để lại hậu hoạn.
Từ đó về sau, Tử Hà Cốc bị dân bản xứ gọi là "Quỷ cốc". Ban đêm, gió thổi qua Quỷ Cốc tạo ra tiếng huýt gió sắc nhọn, phảng phất như tiếng oan hồn kêu đau. Mãi cho đến tận vài năm sau vẫn không có người nào dám đi qua Tử Hà Cốc vào ban đêm.
Sáng sớm ngày hôm sau, Khả Hãn Hiệt Lợi suất lĩnh hai trăm ngàn đại quân hoàn toàn chiếm đóng huyện Vân Nội thì nhận được tin tức hai mươi ngàn quân Đột Quyết bị tiêu diệt hoàn toàn ở Tử Hà Cốc. Tin này làm cho y vô cùng khiếp sợ, cũng khiến cho y ý thức được quân Tùy bắt đầu phản kích. Bởi vì không nắm được nhân số của quân Tùy cho nên y không dám khinh thường, hạ lệnh cho đại quân đình chỉ việc xuôi nam, trú đóng ở huyện Vân Nội, nơi mà quân dân triều Tùy đã sớm rút lui toàn bộ.
Ba ngày sau, vào trung tuần tháng mười một, Dương Nguyên Khánh suất lĩnh tám mươi ngàn quân chủ lực của triều Tùy đã tới quận trị của quận Mã Ấp là huyện Thiện Dương. Lúc này, huyện Thiện Dương đã trở thành đại bản doanh đối kháng với Đột Quyết ở phía bắc. Vì trước đó đã có sự chuẩn bị nên hiện tại bên trong thành đã tích trữ một lượng lớn vật tư quân sự, lương thực, cỏ khô, quân giới, dầu hỏa, lều trại, trống trận, nỏ sang, máy bắn đá, phích lịch pháo... Cùng với hơn một ngàn loại vũ khí phòng ngự hạng nặng.
Mà mấy chục ngàn dân cư của huyện Thiện Dương cũng đã được đưa di tản toàn bộ, bên trong thành chỉ còn khoảng mười ngàn dân phu chiêu mộ từ khắp nơi phụ trách khuân vác vật tư. Quân nha chỉ huy của Dương Nguyên Khánh chính là quận nha của quận Mã Ấp. Sau khi cung điện của Lưu Vũ Chu xây dựng bị dỡ bỏ, quận nha này chính là công sở lớn nhất bên trong thành.
Buổi sáng hôm nay, phía ngoài thành Thiện Dương có một đội kỵ binh chạy như bay tới, Đại tướng cầm đầu chính là Tổng quản Đại Châu Lý Tĩnh. Quân đội của y đã rút về phía nam, lúc này y được lệnh của Dương Nguyên Khánh đến thành Thiện Dương báo cáo công việc.
Kỵ binh chạy như bay đến dưới chân thành, một gã kỵ binh tiến lên hô to:
- Lý Tổng quản phụng lệnh Sở Vương Điện hạ tới báo cáo công việc. Trên thành mau mở cửa!
Quan quân thủ thành lập tức nhận ra Lý Tĩnh, lập tức ra lệnh mở cổng thành. Đội kỵ binh thúc giục chiến mã, hướng phía trong thành chạy đi.
Công đường nghị sự của quận nha, Dương Nguyên Khánh một thân một mình đứng trước sa bàn thật lớn trầm tư suy nghĩ về chiến dịch lần này. Hắn có kinh nghiệm rất phong phú về việc tác chiến với Đột Quyết. Hắn biết người Đột Quyết đánh trận rất đơn giản, không giống với việc tiến công Lý Đường thì cần phải phân tích các loại tình báo chiến thuật, cũng không cần phải tranh đoạt thành trì, chỉ cần lựa chọn một thời cơ thích hợp, phát động một cuộc đại chiến là có thể quyết định việc thắng bại của hai bên.
Nhưng cho dù là phát động một cuộc đại chiến cũng cần phải chú ý đến nhiều chuyện. Và chiến dịch đối kháng quân Đột Quyết vẫn cần phải suy xét các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thiên thời chính là thời tiết. Lúc này đã là trung tuần tháng mười một, sắp đến ngày đông chí, thời tiết lạnh nhất trong năm, khả năng là tuyết rơi càng lúc càng lớn. Một khi tuyết rơi chính là một đả kích chí mạng vào khí thế của người Đột Quyết.
Địa lợi chính là địa hình tác chiến. Trên thảo nguyên bằng phẳng, người Đột Quyết nắm giữ ưu thế. Nhưng tiến vào địa hình phức tạp, vùng phúc địa gập gềnh không bằng phẳng của Trung Nguyên, ưu thế của kỵ binh Đột Quyết sẽ giảm dần. Mà lợi dụng địa hình để tác chiến cũng chính là việc mà quận đội Trung Nguyên am hiểu nhất.
Mà nhân hòa lại có thể giải thích là sĩ khí. Khả Hãn Hiệt Lợi vừa mới đăng cơ, lực khống chế nội bộ của y còn chưa đủ mạnh, nếu quân Đột Quyết thế như chẻ tre, thuận buồm xuôi gió mà nói thì mâu thuẫn bên trong sẽ không biểu hiện ra ngoài. Nhưng nếu như quân Đột Quyết gặp phải đả kích, hoặc mất nhiều hơn được, vậy thì các loại mâu thuẫn sẽ xuất hiện, thậm chí có thể dẫn tới việc phân liệt bên trong nội bộ Đột Quyết.
Phần lớn suy xét của Dương Nguyên Khánh là từ đại cục mà tiến hành. Lúc trước hắn không muốn tác chiến với Đột Quyết, vì để khống chế Đột Quyết xâm nhập phía nam, hắn không tiếc suy xét, lợi dụng Đông Đột Quyết đến kiềm chế. Nhưng làm như vậy cũng là một sự phiêu lưu khá lớn. Rất có thể Tây Đột Quyết sẽ trở nên mạnh mẽ, cứng rắn đông tiến, trở thành mối uy hiếp mới của Trung Nguyên.
Mà hiện tại Đột Quyết đã xâm nhập phía nam, vậy thì sẽ mua một tặng một, dẫn dụ Tây Đột Quyết tiến sâu vào, khiến cho lương thảo tiếp tế trở nên khó khăn. Nếu trận chiến này có thể làm suy yếu thực lực của Đột Quyết, vậy thì chắc chắn thảo nguyên sẽ bị phân liệt, thậm chí có thể sẽ bùng nổ nội chiến.
Khi đó hắn không cần tới Đông Đột Quyết cũng có thể tiêu trừ uy hiếp từ thảo nguyên. Chờ sau khi hắn thống nhất thiên hạ, tiếp tục tiêu diệt hoàn toàn Đột Quyết.
Đang suy nghĩ thì có thân binh vào bẩm báo:
- Điện hạ, Lý Tổng quản đã đến.