Chương 591: Kim Cương dẫn sói

Thiên Hạ Kiêu Hùng

Cao Nguyệt 13-07-2023 13:51:03

Hắn muốn quân của Tống Kim Cương và Đậu Kiến Đức nhanh chóng bất hòa, như vậy hắn liền có thể tập trung binh lực chiếm lấy U Châu, đồng thời Tống Kim Cương còn có thể thay chính mình làm chệch hướng Lý Thế Dân phía sau. Đúng là căn cứ vào hai điểm này mà suy xét, mới cho phép hắn tồn tại, nhưng Tống Kim Cương là người vô cùng xảo quyệt, chính mình ba lượt khiến y xuất binh đánh vào phía sau lưng Lý Thế Dân, y đều lấy cớ không có lương thực mà án binh bất động. Nếu y không chịu nghe theo mình chỉ huy, như vậy để lại y còn có ý nghĩa gì, lâu ngày, ngược lại sẽ thành một tai hoạ ngầm cho chính mình. Vốn dĩ Tống Kim Cương cũng chỉ khư khư giữ lấy địa bàn của y, nhưng y lại thừa dịp mình và Lý Thế Dân giằng co, liền chiếm lĩnh huyện Tế Nguyên, ngày hôm qua lại nhận được báo cáo, Tống Kim Cương điều quân xuống phía nam thâu tóm huyện Hà Dương. Sách lược của y hiển nhiên là từng bước từng bước như tằm ăn lên, nếu mình ngầm đồng ý, y sẽ nuốt luôn toàn bộ quận Hà Nội. Không thể để y dễ dàng làm càn mãi, mà vừa lúc mình lại thiếu nguồn chiêu mộ lính, ba mươi ngàn quân của Tống Kim Cương không phải là có sẵn để bổ sung sao? Dương Nguyên Khánh trầm tư thật lâu sau, hắn ra khỏi phòng ra lệnh nói: - Từ Thế Tích và La Sĩ Tín tới gặp ta ngay lập tức! Hắn đứng ở của phòng ra lệnh cho tám tên thân vệ, một gã binh lính lập tức chạy vội đi. Sau nửa canh giờ, Từ Thế Tích và La Sĩ Tín vội vàng đến ngay. Sau khi triều đình thành lập, quân đội cũng tiến hành cải tổ, dựa theo luật tạm thời thành lập bát Vệ tướng quân. Dương Tư Ân, Lý Tĩnh, Tô Định Phương, Bùi Hành Nghiễm, Tần Quỳnh, La Sĩ Tín, Từ Thế Tích, Dương Nguy là tám người chia nhau quản lý bát vệ đại quân, mỗi vệ quận hạn ngạch là ba mươi ngàn người, nhưng hiện tại chỉ có mười ngàn quân, thống nhất do quân mã Đại đô đốc Dương Nguyên Khánh chỉ huy. Từ Thế Tích đảm nhiệm Tả Kiêu Vệ Tướng Quân, dưới tay mười ngàn người xưng là báo kỵ quân. La Sĩ Tín đảm nhiệm Hữu võ Vệ tướng quân, dưới tay mười ngàn người xưng là hùng cừ quân. Hai người đi vào trong phòng quì một gối, hô: - Tham kiến tổng quản! - Hai người các ngươi đi theo ta. Dương Nguyên Khánh dẫn theo hai người đi vào phòng tham quân, tới trước sa bàn, hắn nhặt cây gỗ lên chỉ vào quận Hà Nội, nhìn hai người nói: - Hôm qua ta nhận được tin báo cáo khẩn cấp từ Thái Thú quận Hà Nội Dương Thì, Tống Kim Cương đã cướp lấy huyện Hà Dương. Như vậy, y đã đoạt được ba huyện Vương Ốc, Tế Nguyên và Hà Dương. Mục tiêu kế tiếp của y tất nhiên chính là quận Hà Nội, cho nên ta quyết định tiêu diệt Tống Kim Cương, dùng quân đội của y để bổ sung nhân lực cho quân ta. La Sĩ Tín và Từ Thế Tích, trong mắt hai người đều lộ ra vẻ chờ mong. Dương Nguyên Khánh gọi bọn họ tới, tất nhiên là giao trọng trách cho bọn họ. Dương Nguyên Khánh lại dùng cây gỗ chỉ vào Thái Hành Sơn, tiếp tục nói: - Quận Hà Nội bị Thái Hành Sơn cách trở, nhưng có ba con đường để đi qua. Một là đi qua khe núi Chỉ Quan đến huyện Tế Nguyên, cách khác là đi qua khe núi Thái Hành đến quận Hà Nội. Cách cuối cùng là đi qua con đường ở khe núi Bạch đến huyện Tân Hương. Trong đó Tống Kim Cương có bố trí trọng binhở khe núi Chỉ Quan, hai người các ngươi có thể dẫn quân đi đến khe núi Thái Hành và khe núi Bạch. Ta cho hai người các ngươi thời gian hai tháng, ta chờ ở quận Hà Nội, Tống Kim Cương bất kể sống hay chết, cũng phải đem đến cho ta! Hai người đồng thời quì một gối, chào theo nghi thức quân đội, - Ty chức tuân mệnh! Quận Hà Nội trực thuộc Hà Đông Đạo, nằm ở phía nam Thái Hành Sơn, phía bắc Hoàng Hà. Trong quận có tổng cộng mười huyện, nhân khẩu đông đúc, thổ địa phì nhiêu, sông ngòi dày đặc, là khu lương sản nổi tiếng. Kênh Quảng Tế bắt nguồn từ Tẩm Thủy trong quận, chảy ngang qua nửa quận Hà Nội, là đầu mối tưới tiêu và giao thông quan trọng. Bởi vì phía bắc có Thái Hành Sơn – tấm lá chắn quân sự của thiên nhiên ngăn trở, khiến cho quận Hà Nội tương đối an toàn. Tống Kim Cương nhìn ra điểm này, y dẫn ba mươi ngàn quân xuống phía nam chiếm lĩnh huyện Vương Ốc nằm ở tận phía tây bắc của quận Hà Nội. Trước đó y cũng đã đưa kế hoạch của mình cho Dương Nguyên Khánh, chiếm lĩnh huyện Vương Ốc nuôi quân, tùy cơ công kích hậu phương của quân đội Lý Thế Dân, kế hoạch này đã được Dương Nguyên Khánh ngầm ưng thuận. Nhưng Tống Kim Cương rất nhanh phát hiện ra, một huyện Vương Ốc nhỏ nhoi không thể nuôi được ba mươi ngàn quân đội. Y lại thừa cơ khi Dương Nguyên Khánh giằng co với Lý Thế Dân, lẳng lặng đoạt lấy phía đông huyện Tế Nguyên, có thể chiếm được mảng đất đai phì nhiêu rộng lớn ở phía tây Tế Thủy. Dương Nguyên Khánh cũng biết một huyện Vương Ốc không thể nuôi nổi ba mươi ngàn quân đội của hắn, vì vậy cũng không trách cứ chuyện bành trướng về phía đông của y, xem như ngầm chấp nhận hành vi của y. Song lần này Tống Kim Cương đã xuất hiện phán đoán sai lầm. Y xem sự ngầm ưng thuận của Dương Nguyên Khánh biến thành Dương Nguyên Khánh vô lực cản bước y, dã tâm của y bắt đầu nổi lên. Đối diện với các huyện Hà Nội màu mỡ, rốt cuộc y không kìm được giơ ra ma trảo lần thứ ba, chiếm lĩnh phía nam huyện Hà Dương. Cả vùng phía tây Tế Thủy đã trở thành phạm vi thế lực của y, mà phía đông Tế Thủy chính là vùng đất trù phú nhất của cả huyện Hà Nội, quận trị huyện Hà Nội cũng nằm trong đó. Tống Kim Cương có được lòng tham bước đầu, thì sẽ có bước thứ hai, bước thứ ba. Đúng lúc này, Đậu Kiến Đức và Lý Mật đồng thời phát hiện miếng bánh ngọt Tống Kim Cương này, gần như không hẹn mà cùng chìa ra cành trám hướng đến y. Thậm chí Lý Mật còn lệnh người đưa cho y hai triệu bốn trăm ngàn cân lương thực lấy từ kho Lê Dương, giải quyết được mối lo cấp bách của Tống Kim Cương. Đậu Kiến Đức cũng phái người đem cho y mười ngàn bộ vũ khí, giúp cho trang bị của quân đội Tống Kim Cương không còn sơ sài nữa. Lương thực cùng vũ khí giống như đôi cánh gắn trên lưng của Tống Kim Cương, khiến dã tâm của y bắt đầu vươn cao hơn. Có sự ủng hộ của Lý Mật và Đậu Kiến Đức, y không còn đặt Dương Nguyên Khánh vào mắt, ba lần cự tuyệt mệnh lệnh phải xuất binh của Dương Nguyên Khánh. Tống Kim Cương đã quyết định chiếm lĩnh cả huyện Hà Nội, trở thành kẻ lắm tiền có vị thế cao mà y giành được. Sau khi cân nhắc nhiều lần giữa Lý Mật và Đậu Kiến Đức, suy xét vị trí địa lý của quận Hà Nội hướng thiên về Hà Bắc, sau cùng quyết định đầu hàng Đậu Kiến Đức. Đậu Kiến Đức mừng rỡ, lập tức phong y là Thượng Trụ Quốc, Quận vương Hà Nội, lệnh cho y chiếm đoạt cả quận Hà Nội. Trong màn đêm, một nhánh quân đội hai mươi ngàn người vượt qua Tế Thủy, hướng về phía đông. Sắc phục của nhánh quân đội này đa dạng, có người mặc giáp da, có người mặc áo vải, có trường mâu, trường đao, có người cầm cung tên, vũ khí cực kỳ hỗn tạp. Song bên cạnh Tống Kim Cương lại có ba ngàn kỵ binh tinh nhuệ, vận áo giáp thuần một màu, đeo cung tên sau lưng, thắt hoành đao, tay cầm trường mâu và tấm khiên. Tống Kim Cương cưỡi ngựa đi ở phía trước đội ngũ, sau lưng là mấy trăm cột đại kỳ phấp phới. Tống Kim Cương trầm mặt, ánh mắt cẩn trọng lóe ánh tinh quang, đăm chiêu nhìn chăm chú về phía trước. Y cực kỳ giảo hoạt, y biết nếu đoạt quận Hà Nội trước, tất nhiên sẽ khiến Dương Nguyên Khánh giận dữ. Mục tiêu lần này của y là huyện An Xương và huyện Ôn, sau khi cướp được hơn phân nửa quận Hà Nội, lại quay qua nuốt luôn huyện Hà Nội. - Quận vương, ngài nói liệu Dương Nguyên Khánh sẽ phái binh đến tấn công chúng ta hay không? Đại tướng Lã Sùng Mậu – thủ hạ của Tống Kim Cương vô cùng lo lắng hỏi. Lã Sùng Mậu là người huyện Hạ ở quận Hà Đông, sử dụng một cây đại thiết thương, võ nghệ hơn người, là một trong hai thủ hạ giỏi giang đắc lực nhất của Tống Kim Cương. Người còn lại là Vương Quân Khuếch trấn thủ huyện Tế Nguyên, dũng mãnh đứng đầu tam quân, đao pháp tuyệt luân. Tống Kim Cương cười cười: - Dương Nguyên Khánh đương nhiên sẽ phái quân đội đến tấn công chúng ta, nhưng chúng ta cũng không sợ hắn. Đậu Kiến Đức đã đáp ứng phái binh đến tiếp viện cho ta, ta biết y rất muốn đoạt được quận Hà Nội, đến nằm mơ y cũng muốn đoạt được. - Tại sao? Lã Sùng Mậu khó hiểu hỏi. - Rất đơn giản. Bên kia bờ Hoàng Hà của quận Hà Nội chính là Lạc Dương, Đậu Kiến Đức cũng muốn tranh giành Trung Nguyên, tiến đánh Lạc Dương, trở thành vua Trung Nguyên. Hơn nữa vào mùa đông, Hoàng Hà đóng băng, thiết kỵ của Đậu Kiến Đức có thể đạp băng mà qua, y sao có thể không muốn chiếm được quận Hà Nội? Tống Kim Cương rất có lòng tin vào chính mình, y biết sự cám dỗ của quận Hà Nội đối với Đậu Kiến Đức. Dù đại quân của Dương Nguyên Khánh có đến tập kích, Đậu Kiến Đức tuyệt đối sẽ không ngồi nhìn mà không quản. Việc cấp bách là y phải chiếm được quận Hà Nội trước, trở thành lợi thế chính trị của y. - Mọi người gia tăng sức lực, trước khi trời sáng phải đến huyện Ôn. Miếng thịt lớn, chén rượu đầy, còn có tiền tài trong kho quan, đều có thể chia cho mọi người. Đại bộ phận sĩ binh của Tống Kim Cương đều là người của quận Mã Ấp, quận Nhạn Môn và quận Lâu Phiền. Bọn họ đến quận Hà Nội chỉ muốn ăn cơm no, kiếm đủ tiền trở về nhà. Nghe thấy Tống Kim Cương hứa hẹn mở kho quan, hai mươi ngàn sĩ binh trong phút chốc có thêm tinh thần, nhốn nháo gia tăng tốc độ hành quân. Trong lòng Lã Sùng Mậu vẫn còn có chút lo lắng đối với Dương Nguyên Khánh, nhưng có vài lời y không dám hỏi, chỉ có thể nuốt vào trong bụng. Tống Kim Cương liếc nhìn y, nhận thấy y có tâm sự liền cười hỏi: - Ngươi đang nghĩ gì vậy? Sao lại có nhiều tâm sự thế? Lã Sùng Mậu do dự một chút, liền ấp a ấp úng nói: - Câu hỏi này rất hay. Tống Kim Cương trông về phía chân trời u ám ở đằng xa, chậm rãi nói: - Kỳ thực mới đầu xem như ta đầu hàng hắn nửa phần. Sau đó hắn đáp ứng ta, nếu ta đầu hàng, hắn có thể phong ta làm Thái thú quận Mã Ấp. Ngươi có thấy hay không, ta không có quân đội nào, mới chỉ là một Thái thú quận Mã Ấp hèn mọn. Nhưng Đậu Kiến Đức lại cho ta làm Quận vương, cho phép ta giữ lại quân đội của riêng mình, Dương Nguyên Khánh có thể làm vậy không? Dương Nguyên Khánh chiếu theo chế độ của triều Tùy, nhưng ta không thích chế độ này. Ta thích được thư thái với lại có thể độc lập, Đậu Kiến Đức có thể làm được, Lý Mật cũng làm được. Tống Kim Cương ta thà làm đầu gà, chứ không làm mông trâu (ý nói nằm ở thế bị lệ thuộc). Sau hồi lâu Lã Sùng Mậu không nói lời nào. Y thầm thở dài một tiếng trong lòng, y có phần lo lắng cho gia quyến ở huyện Hạ. Tống Kim Cương vỗ vỗ vai y cười nói: - Sau khi ta làm chức lớn, ta sẽ phong ngươi là Quận vương Hà Đông, cho ngươi dẫn một nhánh quân đội về quê hương, để ngươi làm rạng rỡ tổ tông. Lã Sùng Mậu cười khổ một thoáng. Tống Kim Cương phong y có ý nghĩa gì, trừ phi là Hoàng đế bắc Tùy phong cho y. Đúng lúc này, vài sĩ binh báo tin tiến lại, hô to từ xa: - Quận vương! Tống Kim Cương ghìm cương chiến mã. Y trông thấy mấy sĩ binh sốt ruột chạy đến, nhất thời có cảm giác chẳng lành: - Có chuyện gì? Y hỏi. - Vương tướng quân lệnh cho chúng tôi bẩm báo với Quận vương, đã phát hiện đại đội quân Tùy ở Chỉ Quan Hình, có đến bảy, tám ngàn người. Bọn chúng đã tới gần huyện ương Ốc, thủ quân khẩn cấp cầu tiếp viện! Tống Kim Cương chấn động. Không ngờ quân Tùy đã đến gần huyện Vương Ốc, vậy huyện Tế Nguyên cũng nguy hiểm rồi, đó là trọng địa quân lương của y. Điều khiến y kinh ngạc hơn là quân Tùy đã xuất binh đến Hà Nội, quân đội ở quận Trường Bình chỉ có ba ngàn người, mà quân Tùy có đến bảy, tám ngàn người, đây tất nhiên là quân đến từ Thái Nguyên. Trong lòng Tống Kim Cương rối loạn, nên làm thế nào đây? Lã Sùng Mậu ở bên cạnh lo lắng nói: - Quận vương, nếu quân Tùy đã đến, chúng ta nên toàn lực tiếp cứu huyện Thái Nguyên. Hiện giờ nếu tấn công huyện Ôn, sẽ hỏng mất thời cơ chiến đấu. Tống Kim Cương mạnh mẽ ép bản thân trấn tĩnh lại. Kỳ thực y từng có tính toán, nếu Dương Nguyên Khánh phái quân đến tấn công y, thì y nên làm thế nào? Tống Kim Cương trầm tư cả nửa buổi. Y ngoắc tay gọi một viên thân binh đến, lấy ra một miếng ngân bài đưa cho thân binh: - Ngươi tức tốc tìm đến Đậu Kiến Đức cầu tiếp viện, nói là Dương Nguyên Khánh tấn công quận Hà Nội với quy mô lớn. Nếu y vẫn còn muốn quận Hà Nội, thì xin y lập tức đến tiếp viện! Thân binh tiếp lấy ngân bài, dẫn theo hai người phóng ngựa đi mất. Lã Sùng Mậu nhìn theo bóng dáng sĩ binh khuất xa, lo lắng hỏi: - Quận vương, Đậu Kiến Đức sẽ đến tiếp viện chứ? - Sẽ đến! Đậu Kiến Đức nhất định sẽ đến tiếp viện với quy mô lớn, đây chính là cơ hội để chiếm được quận Hà Nội. Dứt lời, Tống Kim Cương lập tức truyền đạt mệnh lệnh: - Đại quân quay lại, tiến về quận Tế Nguyên! Hai người Từ Thế Tích và La Sĩ Tín chia hai ngã, mỗi người dẫn theo mười ngàn quân hối hả tiến về phía nam. Chiếu theo bố trí của Dương Nguyên Khánh, La Sĩ Tín đi theo ngã Bạch Hình, cắt đứt đường lui của Tống Kim Cương từ phía đông. Từ Thế Tích đi theo ngã Thái Hành Hình. Trước tiên khống chế huyện Hà Nội, chiếm đoạt căn cứ hậu cần, sau đó hai quân hợp lại tấn công bộ phận Tống Kim Cương. Song Dương Nguyên Khánh cũng biết, tình hình tiền tuyến biến đổi vạn lần trong chớp mắt, y không thể đoán trước được biến hóa của thời cơ chiến đấu. Tống Kim Cương cũng không phải con rối bằng gỗ, đợi bọn họ đến bao vây diệt trừ. Vì vậy Dương Nguyên Khánh lại giao quyền cho hai người họ tùy cơ ứng biến khi lâm chiến, cho phép họ điều chỉnh chiến thuật tùy theo biến hóa của tình hình. La Sĩ Tín không nhận được tình báo bất thường nào. Y vẫn chiếu theo kế hoạch cũ đi theo Bạch Hình vào quận Hà Nội. Nhưng Từ Thế Tích lại gặp phải tình huống lạ thường, nói chính xác, bọn họ đã tìm thấy thời cơ chiến đấu. Từ Thế Tích nhận được bẩm báo của thám báo. Trong Chỉ Quan Hình không có thủ quân, chủ lực của Tống Kim Cương ở phía nam huyện Hà Dương. Trong đầu y liền sinh ra một ý niệm cả gan, trực tiếp tấn công khu vực của Tống Kim Cương từ Chỉ Quan Hình. Nếu có thể chiếm lĩnh được huyện Tế Nguyên – trọng địa quân lương của Tống Kim Cương, vậy quân đội của Tống Kim Cương không chiến tự loạn. Từ Thế Tích lập tức phân binh thành hai ngã, lệnh cho thiên tướng Tề Hiếu dũng mãnh dẫn theo ba ngàn quân đi theo Thái Hành Hình vào đóng giữ huyện Hà Nội, tăng mạnh phòng ngự. Còn y cùng phó tướng Trình Giảo Kim đổi hướng đi theo Chỉ Quan Hình, dẫn theo bảy ngàn quân tiến đánh huyện Tế Nguyên. Từ Thế Tích dẫn quân tiến xuống phía nam. Bọn họ dễ dàng chiếm được một cửa ải phía bắc Vương Ốc Sơn, vào Chỉ Quan Hình tiếp tục thẳng tiến về quận Hà Nội. Chỉ Quan Hình là một khe núi sâu cực dài, bắt đầu từ phía nam huyện Tế Nguyên của quận Hà Nội, kết thúc ở phía bắc huyện Khúc Ốc của quận Giáng. Đây là một con đường quân sự trọng yếu dài mấy trăm dặm, bởi vì lối đi chật hẹp, chỉ có thể để một chiếc xe binh thông qua, vì thế có tên là Chỉ Quan Hình. Từ Thế Tích không tiến vào Chỉ Quan Hình từ quận Giáng, mà là từ một con đường nhỏ ở quận Trường Bình, trực tiếp vượt qua Vương Ốc Sơn. Ban đêm, bảy ngàn quân đội hạ doanh trại qu đêm ở Tề Tử Lĩnh. Trình Giảo Kim đến sát bên Từ Thế Tích thấp giọng nói: - Lão Từ, khi nãy nghe một sĩ binh nói, huyện Vương Ốc rất gần nơi này. Hay là chúng ta cứ đoạt huyện Vương Ốc trước, kiến lập một chỗ vững chắc được không? Từ Thế Tích trầm ngâm không nói, y đang nghĩ đến vấn đề này. Lộ trình từ Tề Tử Lĩnh đến huyện Vương Ốc chỉ có mười mấy dặm, mà lộ trình tới Chỉ Hình Quan lại dài đến hơn hai mươi dặm. Y đang suy xét nên đi bên nào trước, hoặc là phân ra một bộ phận sĩ binh đến huyện Vương Ốc, song không biết huyện Vương Ốc có bao nhiêu thủ quân. - Từ tướng quân, thám báo trở về rồi. Có người cao giọng hét lên, chỉ thấy vài viên thám báo trở về. Từ Thế Tích mừng rỡ, lập tức đứng dậy, hiện tại y cần tình báo khẩn cấp: - Trú quân ở hai huyện có bao nhiêu? Đây chính là vấn đề mà Từ Thế Tích quan tâm nhất. Một viên thám báo tiến lên quỳ một gối bẩm báo: - Khởi bẩm tướng quân, huyện Vương Ốc có một ngàn trú binh, huyện Tế Nguyên có tám, chín ngàn trú binh, chủ tướng hai huyện tên là Vương Quân Khuếch! - Là y! Từ Thế Tích và Trình Giảo Kim đều đồng thanh hét lên. Nguyên là Từ Thế Tích và Trình Giảo Kim đều biết Vương Quân Khuếch, cũng là một trong những tướng lĩnh của họ ở Ngõa Cương, tại sao y lại trở thành thủ hạ của Tống Kim Cương? Trong lòng Từ Thế Tích có một ý niệm, liệu có thể chiêu hàng Vương Quân Khuếch hay không? Nếu có thể, thì sẽ dùng cách không đánh mà có thể phục binh, cướp đoạt quận Tế Nguyên. Trình Giảo Kim cũng có một ý niệm. Huyện Vương Ốc chỉ có hơn ngàn người, đều là một lũ ô hợp, y không cần công đầu này thì đúng là đồ ngốc. Nghĩ đến đây, y vội vàng gãi đầu cười nói: - Lão Từ, chi bằng chúng ta phân binh thành hai tuyến, ngươi đoạt huyện Tế Nguyên, ta đoạt huyện Vương Ốc, ngươi thấy thế nào? Từ Thế Tích nhìn y tươi cười rạng rỡ, hận không thể tát y một nhát. Lợi ích gì cũng muốn chiếm, sao y không nói đi đoạt huyện Tế Nguyên? Từ Thế Tích oán hận nói: - Huyện Vương Ốc chỉ có hơn ngàn thủ quân, ta cũng chỉ giao cho ngươi một ngàn người, nhiều hơn một người cũng không được, đi hay không tùy ngươi. Trình Giảo Kim trề môi. Mới một ngàn người, nhân số ít quá. Có điều vừa nghĩ lại, đối phương chẳng qua cũng không có hơn một ngàn thủ binh, trang bị lạc hậu. Nghe nói thành trì thấp bé cũ nát, quân đội của y đi thị uy một vòng, đối phương cũng phải tè ướt quần mà đầu hàng. - Ha ha! Một ngàn thì một ngàn! Sáng sớm ta sẽ xuất phát. Từ Thế Tích lắc đầu, không cách nào nắm bắt được y, chỉ có thể đáp ứng: - Được thôi! Cứ để ngươi đoạt quận Vương Ốc vậy. Sáng sớm hôm sau, hai quân chia thành hai tuyến. Trình Giảo Kim lĩnh một ngàn kỵ binh dương dương đắc ý tiến về huyện Vương Ốc cách đó hơn mười dặm, chưa đi được một dặm, phía sau có sĩ binh đuổi theo: - Trình tướng quân! Trình Giảo Kim vừa quay đầu, trông thấy một viên thân binh của Từ Thế Tích, không khỏi nhướn mày: - Có chuyện gì? - Từ tướng quân muốn ngài cẩn thận, ngàn vạn lần đừng để trúng quỷ kế và mai phục của kẻ địch, phải phái thám báo đi trước dò đường. - Được rồi! Được rồi! Trình Giảo Kim cực kỳ mất kiên nhẫn phất tay: - Khi ta dùng kế, y còn chẳng biết đang ở đâu ấy chứ? Bảo y tự chú ý đi. Thân binh đành chịu, chỉ có thể quay đầu đi mất. Ưng Dương lang tướng Tôn Đắc Chí cùng lĩnh binh với Trình Giảo Kim nhỏ giọng nói: - Trình tướng quân, thực ra Từ tướng quân lo lắng cũng có đạo lý, sợ nhất là có mai phục trên đường núi. - Sợ cái rắm! Trình Giảo Kim hậm hực chửi mắng: - Bọn chúng chỉ có hơn ngàn người, mai phục tập kích chúng ta thì ai thủ thành? Ta còn sợ bọn chúng không đến mai phục nữa là! Tuy nói vậy, Trình Giảo Kim vẫn cao giọng hét lên: - Các vị huynh đệ tự mình cẩn thận. Tấm khiên đặt ở bên phải, buộc khôi giáp cho chắc, tránh để nương tử ở nhà trở thành quả phụ, mẹ già không ai chiếu cố, đến con cái cũng không có, sau cùng lại để kẻ khác chiếm được tài sản.