Còn y một mình dẫn tám nghìn quân trấn thủ quận Tây Bình, và cũng đem tất cả tiền tài, lương thực tập trung trong thành Hoàng Thủy, y lợi dụng điều này để khống chế hai người con trai.
Tiết Nhân Việt sở dĩ dẫn quân tới thành Hoàng Thủy trước là vì quân lương của y sắp cạn, mặc dù nhiều lần thúc giục phụ hoàng tiếp tế lương thực nhưng đều không nhận được hồi đáp. Tiết Nhân Việt nhận được tin huynh trưởng Tiết Nhân Cảo cũng đang cạn lương thực như y, lương thực viện trợ không đến được. Dưới lời khuyên của Lương Sư Đô, Tiết Nhân Việt dứt khoát quyết định, y muốn cướp chính quyền cướp lương thực trước khi huynh trưởng khởi binh. Vì thế y đã dùng một số tiền lớn để mua chuộc hai người thân cận nhất bên cạnh phụ thân là đại tướng Chung Lợi Tục và tên thái giám Đa Bảo.
Trong bóng đêm, Tiết Nhân Việt thấp thỏm chờ đợi tin tức, Lương Sư Đô ở bên cạnh vỗ vai y cười nói:
- Điện hạ giành lấy chính quyền là thuận theo ý trời, thuận lòng quân, không một ai muốn nước Tây Tấn bị tiêu vong như thế. Chỉ cần sau khi điện hạ nắm được quyền trong tay thì có thể chuyên tâm trị nước, tích cực chuẩn bị chiến tranh. Thần tin rằng điện hạ sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người, hơn nữa thần cũng sẽ tìm cách khiến bắc Tùy ủng hộ điện hạ.
Tiết Nhân Việt thở dài nói:
- Cứ cho là bắc Tùy ủng hộ ta thì cũng có tác dụng gì chứ, nó có thể chi viện tiền tài lương thực cho ta không?
Đôi mắt Lương Sư Đô híp lại thành một đường, đôi lúc lại để lộ ra nụ cười xảo trá, y thủ thỉ khuyên Tiết Nhân Việt:
- Nhất định được. Con mắt của chúng ta nên nhìn xa một chút, nhà Đường không thể lúc nào cũng dông dài cùng chúng ta được, sớm muộn gì cũng sẽ rút quân về Quan Trung. Lúc đó thời cơ của chúng ta sẽ tới. Điện hạ không cần quá lo lắng cho tương lai, bây giờ trước tiên hãy cướp lấy chính quyền, sau đó chặn lương thực của quận Bao Hãn, buộc bọn họ đầu hàng. Lúc đó trong tay chúng ta sẽ có bốn mươi nghìn quân, đủ để chống lại nhà Đường.
Tiết Nhân Việt lẳng lặng gật đầu, con mắt y hướng ra phía xa kinh thành Hoàng Thủy, đem nay y có thể thành công hay không? ...
Trong vương cung, tường vàng rực rỡ, đèn chiếu đại điện sáng như ban ngày, nhạc công hai bên thổi khúc nhạc du dương, ở giữa một đội vũ cơ nhảy múa.
Trên bàn ngà voi khảm vàng ở bậc thềm ngọc bày biện các loại sơn hào hải vị. Tiết Cử đến bây giờ không biết là đã uống bao nhiêu rượu nữa, y ngà ngà say, nhưng tinh thần hết sức phấn khích, hai bên đều có ba cô thiếu nữ xinh đẹp, rót rượu đấm chân cho y, khoa chân múa tay, khiến y vô cùng thoải mái.
- Được lắm! Nhảy rất đẹp.
Tiết Cử lớn tiếng vỗ tay.
Lúc này, tên thái giám Đa Bảo người thân cận bên cạnh y bưng tới một hộp ngà voi, cười nói:
- Bệ hạ, thuốc quý đến đây.
- Đem đến cho ta.
Vị thuốc này là thứ thần dược của một gã thầy mo người Thổ Dục Hồn hiến tặng. Tương truyền có thể uống ngàn chén không say, có thể ngự hàng trăm mĩ nữ. Tiết Cử luôn đợi được dùng nó.
Y vội vã nhận lấy rồi mở hộp ra, chỉ thấy bên trong có ba viên thuốc màu đỏ thắm, kích thước giống quả trứng chim.
Tiết Cử cầm lấy một viên, đặt dưới ánh đèn, trên viên thuốc lóe lên một thứ ánh sánh rực rỡ. Y híp mắt nhìn một lúc lâu, lại quay lại hỏi tên thái giám:
- Dùng trực tiếp như vậy sao?
- Thầy mo nói, mỗi ngày một viên, sau khi uống rượu ăn vào lập tức có hiệu quả, ăn liền một lúc ba viên có thể duy trì nửa năm.
Tiết Cử cười ha ha:
- Dùng rượu ăn vào, tốt, ta rất thích.
Y không chút ngần ngại cho viên thuốc vào miệng nuốt, nâng chén uống một hơi cạn, chậm rãi nhắm mắt lại, dường như đang chờ đợi thuốc phát huy tác dụng. ...
Ban đêm, Tiết Cử chết đột ngột, Tấn vương Tiết Nhân Việt thừa lúc đêm tối cướp lấy kinh đô Hoàng Thủy của nước Tây Tấn. Y phong tỏa mọi tin tức, bí mật không phát tang, lập tức giả mạo chiếu chỉ truyền cho thái tử Tiết Nhân Cảo vào kinh bàn chuyện tác chiến với nhà Đường.
Trời vẫn còn chưa sáng rõ, canh năm, cổng thành phía đông thành Thái Nguyên chậm rãi mở ra. Hơn hai mươi nghìn sĩ tử từ khắp mọi nơi tập trung trước cổng thành, cuồn cuộc đi ra khỏi cổng thành. Lần này bọn họ không phải là đi diễu hành biểu tình nữa mà là đến để dự kì thi Hương, kì thi mà bọn họ đã mong chờ từ rất lâu.
Trường thi đặt trong một doanh trại ở bên ngoài phía đông thành, do hàng trăm lều lớn tạo thành. Mỗi lều đều có một dãy số tương ứng với số trong tờ giấy mà mỗi thí sinh cầm trên tay. Mỗi lều có thể chứa được 50 thí sinh tham gia thi. Hôm qua trường thi đã mở cửa một ngày cho thí sinh vào xem trước, hôm nay xem như là đã quen thuộc rồi.
Ngoài trời đang rất lạnh, vì thế trường thi chuẩn bị cho mỗi thí sinh một chậu than nhỏ, lại có người chuyên đi bỏ thêm than vào. Ngoài ra, mỗi thí sinh còn nhận được một tấm da dê Kim Sơn thượng hạng. Sau khi thi xong thì tấm da dê này sẽ tặng lại cho thí sinh, làm vật kỉ niệm việc họ tới tham gia cuộc thi Hương đầu tiên của nhà Tùy. Cũng có sĩ tử đặc biệt đến thành Bắc dò la qua, tấm da dê Kim Sơn này rất đắt, một tấm giá ba nghìn. Mặc dù cũng có người muốn bán nó đi nhưng phần lớn sĩ tử khác đều giữ nó lại bên mình, làm vật kỉ niệm cho hành trình của một đời người.
Hơn hai mươi nghìn sĩ tử xếp thành hai mươi hàng dài trước cổng ra vào doanh trại. Khảo quan kiểm tra qua loa giấy thi của thí sinh, rồi cho sĩ tử vào trong doanh trại, nhanh chóng nhưng có trật tự. Vẻn vẹn trong vòng nửa canh giờ, hơn hai mươi nghìn sĩ tử lần lượt tiến vào trong trường thi.
Một tên sĩ tử trẻ tuổi có đôi tai to nhanh chóng tìm được vị trí của mình. Cậu ta rất hài lòng bởi cả một giường gỗ đôi chỉ có một mình cậu ta ngồi, bên cạnh có đặt một chậu than nhỏ, bất cứ lúc nào cũng có thể thò tay ra sưởi ấm. Cậu ta cẩn thận trải tấm da dê trên giường, ngồi xuống, trên cái bàn nhỏ có đặt một cái bút mực, nghiên mực và hồ dán. Cậu sĩ tử này vô tình phát hiện trên bàn thừa một tờ giấy.
Cậu ta nhặt tờ giấy lên, trên đó có in một đoạn chữ, ý là ngoài việc chọn ra hai trăm thí sinh xuất sắc nhất để trực tiếp làm quan thì còn chuẩn bị tuyển chọn hai nghìn người nữa để vào học ở trường Quốc Tử. Bất luận là con nhà danh gia vọng tộc hay nghèo hèn đều có thể học. Miễn phí ăn ở, đồng thời mỗi tháng triều đình sẽ trợ cấp thêm năm đấu gạo và tám xâu tiền để nuôi gia đình. Phía dưới có đóng một dấu đỏ, ấn có sáu chữ rất to "Thượng Thư Đại Tùy Lệnh Dương".
Cậu sĩ tử này hết sức ngạc nhiên, ngẩng đầu nhìn quanh bốn phía. Lúc này cậu mới phát hiện ra tất cả các thí sinh đều nhận được một tờ giấy như nhau, tất cả đều rất kinh ngạc.
Lúc này, quan giám khảo mới giải thích với các sĩ tử:
- Tờ giấy đó chính là để trưng cầu ý nguyện của từng người, những ai đồng ý học có thể điền tên của mình lên trên tờ giấy, sau đó nộp cùng với bài thi, những ai không đồng ý học thì có thể mang tờ giấy đó theo hoặc có thể đốt nó đi cũng được, không cần nộp. Nhưng ta khuyên mọi người nên suy nghĩ cho kĩ, đấu gạo Lạc Dương tám nghìn tiền, cơ hội này không phải ai cũng có được.
Cậu sĩ tử này cực kì thông minh, cậu ta lập tức nhận ra đây kì thực là nhà Tùy đang muốn giữ người tài, bước chuẩn bị cho việc giành lấy thiên hạ sau này. Cậu thấy rất xúc động, không biết là bản thân có thi đậu hay không nhưng ít nhất sau này cũng đã có một con đường lui. Cậu rất có lòng tin với bản thân, việc thi đậu xếp trước hai nghìn thí sinh đối với cậu nhất định không thành vấn đề.
Cậu lập tức cầm bút lên, ngay ngắn viết tên của mình lên trên giấy: Chử Toại Lương. ...
Cùng với ba hồi chuông dài, cuộc thi bắt đầu, tất cả các sĩ tử đang múa bút thành văn. Cuộc thi này với cuộc thi thời kì đầu Phong Châu giống nhau, cũng thi ba kỳ: thiếp kinh, sách luận và làm thơ; thi liền trong hai ngày. Ngày thứ nhất thi thiếp kinh và làm thơ, ngày thứ hai thi sách luận, tất cả các bài thi không được đánh tên.
Sau khi cuộc thi bắt đầu không lâu thì Dương Nguyên Khánh và mười mấy vị trọng thần liền xuất hiện ở trường thi, bọn họ giám sát trường thi. Dưới sự chỉ dẫn của một viên quan Dương Nguyên Khánh đã đến được 25 trường thi. Một gã cùng đi với viên quan này, hạ giọng nói:
- Hồi bẩm tổng quản, chính là thí sinh ngồi thứ tư hàng bên trái.
Dương Nguyên Khánh gật đầu, đi đến cái lều đó. Tới trước cửa hắn quay lại nháy mắt ra hiệu cho mấy tên thân binh, lệnh cho bọn họ không cần đi theo. Hắn chắp tay sau lưng, thản nhiên đi vào bên trong lều lớn, trên người mặc áo bào, đầu đội mũ quan, chân đi đôi ủng da, hoàn toàn là cách ăn mặc của quan văn ngũ phẩm. Hắn chậm rãi đi qua từng chiếc giường một. Tất cả các thí sinh đều đang múa bút không có ai để ý tới việc hắn đã đến.
Cuối cùng, Dương Nguyên Khánh dừng lại trước mặt thí sinh thứ tư hàng bên trái, con mắt hắn rất tinh nhanh, chỉ cần liếc một cái đã thấy tên người đề trên tờ giấy: Bùi Thanh Tùng.
Chính là người này, chỉ cần một vài câu đơn giản cũng dẫn tới một trận sóng lớn. Dương Nguyên Khánh còn ngỡ như có Lý Uyên hay là Đậu Kiến Đức đứng đằng sau phá rối. Quân nội vệ phải mất tới hai ngày mới tìm ra chân tướng thì ra là con cháu Bùi gia chỉ do một vài câu nói vô tình gây nên, không hề có chút can hệ nào đến Lý Uyên và Đậu Kiến Đức.