Chương 813: Xâm phạm lợi ích

Thiên Hạ Kiêu Hùng

Cao Nguyệt 13-07-2023 13:50:57

Dương Nguyên Khánh gật đầu: - Vấn đề này ta cũng hiểu. Ta sẽ ủy quyền lại ở một mức độ nào đó sẽ cho Tử Vi Các thêm nhiều quyền quyết định. Còn một số chuyện lớn cần thảo luận thì bảo bọn họ chờ một chút. Sau khi trở về ta sẽ giải quyết. Ngoài ra, ta nghe nói sứ giả Đột Quyết đến, có chuyện này không? - Khởi bẩm Điện hạ, quả thực có sứ giả Đột Quyết đến, nói là Xử La Khả Hãn bị bệnh nặng. Chỉ có điều tin tức mà chúng thần nghe được lại không giống với lời của sứ giả Đột Quyết. Dương Nguyên Khánh nhíu mày: - Các ngươi nghe được tin tức từ đâu? Ngụy Trưng nói: - Chúng thần nhận được tin tức từ bộ lạc Đột Quyết dời đến hồ Phục Khất, nói là vì Xử La Khả Hãn tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Bắc Đột Quyết, trong một lần giao chiến đã bị tên bắn trúng vào trán, hiện tại vết thương rất nặng, rất có khả năng không giữ được mạng. Đột Quyết đang đứng trước một sự kiện trọng đại, nghe ý tứ của sứ giả, thì Đột Quyết đang cân nhắc việc thay Khả Hãn rồi. Dương Nguyên Khánh chắp tay sau lưng hồi lâu không nói gì. Trong lịch sử, sau khi Xử La Khả Hãn chết vì bệnh thì Hiệt Lợi Khả Hãn đăng cơ. Đó là một người có dã tâm rất lớn, cũng là một Khả Hãn rất có tài, sẽ đem lại sự hưng thịnh cho Đột Quyết. Đột Quyết dưới sự cai trị của ông ta bắt đầu xâm lượt Trung Nguyên. Hiện tại Ô Đồ bộ gần như đã phân tán sụp đổ, không còn sự kiềm chế trong nội bộ Đột Quyết, tối đa hai hoặc ba năm sau, bắc Trung Nguyên sẽ xuất hiện một thế lực Đột Quyết hùng mạnh. Tuy rằng lịch sử có một bước ngoặt nhỏ vì sự nổi dậy của Ô Đồ nhưng nó cũng không gây ra sự thay đổi phương hướng lớn. Dưới quy luật sinh tồn mạnh được yếu thua trên thảo nguyên, bao giờ cũng luôn có những cuộc nổi dậy không ngừng của các tộc người du mục. Theo tình hình trên thảo nguyên lúc này, Đột Quyết thế nào cũng sẽ nổi dậy một lần nữa, trước hết là một mối đe dọa rất lớn đối với triều Tùy. Nghĩ vậy, Dương Nguyên Khánh chậm rãi nói với Ngụy Trưng: - Ngươi quay về thông báo cho Tử Vi Các, chúng ta phải giúp đỡ cho Ô Đồ trở nên lớn mạnh càng nhanh càng tốt, đồng thời phải ngăn chặn việc trao đổi mua bán trong dân gian, tuyệt không cho phép bất cứ một chút vật tư chiến lược nào rơi vào tay Đột Quyết. Ngụy Trưng rời đi, Dương Nguyên Khánh đứng trước sa bàn trâm tư không nói gì. Mặc dù Ngụy Trưng không nói rõ, nhưng ông ta đã nói đến trong nội bộ Tử Vi Các đã bắt đầu có sự bất đồng đối với cuộc chiến Trung Nguyên lần này. Cũng cho thấy rằng nội bộ triều Tùy bắt đầu nảy sinh sự chán ghét chiến tranh, hơn nữa còn lên tiếng phản đối khá kịch liệt, mới dẫn đến Ngụy Trưng xuống phía nam. Lúc này, Tạ Tư Lễ đứng bên cạnh hắn nói: - Điện hạ cũng nên hiểu cái khó của triều đình. Hiện tại Hà Bắc bên kia bị tàn phá tan hoang, triều đình vì muốn trấn an nạn dân, khôi phục sinh sản, đã hao tổn một lượng lớn sức người sức của, nay Điện hạ lại muốn đưa cục diện rối rắm này đến Trung Nguyên, làm tăng thêm gánh nặng cho triều đình, nhiều đại thần có ý chống đối như thế cũng là điều dễ hiểu. Dương Nguyên Khánh khẽ thở dài: - Ta có thể hiểu được sự bất mãn của bọn họ, nhưng có một số việc không thể bỏ qua chỉ vì khó khăn, nếu muốn đoạt thiên hạ, Trung Nguyên chính là mấu chốt quan trọng. Đến đây, hắn nhịn không được cười lạnh một tiếng: - Ta hiểu được suy nghĩ của một số đại thần. Bọn họ hy vọng triều Đường có thể chiếm lấy Trung Nguyên, để triều Đường hao tổn tiền của, khôi phục lại sức sống cho Trung Nguyên rồi chúng ta sẽ trở lại tiếp tay. Nhưng thế gian nào có chuyện thuận lợi như thế, một khi triều Đường chiếm cứ Trung Nguyên rồi mà muốn cướp đoạt từ trong tay triều Đường thì gần như là điều không thể thực hiện được. Khi đó triều Đường sẽ càng cường mạnh hơn, chúng ta căn bản không có khả năng tranh giành. - Vậy Điện hạ có thể đẩy nhanh thời gian tiến công, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến ở Trung Nguyên, để dập tắt một số lời dị nghị của triều đình. Dương Nguyên Khánh lắc đầu: - Người muốn làm việc lớn thì không thể nôn nóng chỉ vì việc nhỏ. Sở dĩ ta lần lữa không tiến công là vì ta cần thời gian để làm một số chuyện. - Điện hạ nói chính là... Tạ Tư Lễ hình như đã hiểu được. Dương Nguyên Khánh chắp tay cười nhạt: - Trường An đã bắt đầu có trò hay mở màn rồi. Thành Trường An, cũng giống như triều Tùy, nội bộ triều Đường cũng bắt đầu xảy ra tranh luận với cuộc đại chiến Trung Nguyên lần này. Chiến trường phía tây của quân Đường thất bại trong việc chiếm đoạt thành Lạc Dương, buộc phải rút lui về quận Hoằng Nông, mà thông tin quân Đường tuyến đông bị đánh bại ở Úy Thị cũng đã truyền tới Trường An. Tình hình chiến sự bất lợi khiến triều đình càng thêm bất mãn. Trong đó dẫn đầu là Thái tử Lý Kiến Thành kịch liệt phê bình biểu hiện bất lợi của Tần Vương trong tình hình cuộc chiến tranh. Bên trong ngự thư phòng, Điện Võ Đức, Vũ Văn Sĩ Cập lại một lần nữa phụng mệnh Tần Vương đến đây thuyết phục Lý Uyên. Hai ngày nay, tâm trạng Lý Uyên quả thực khá âm trầm. Tiền tuyến không thuận lợi mang lại áp lực rất lớn cho ông ta, ông ta cũng ý thức được chính mình đã phạm phải một sai lầm có tính chiến lược. Ông ta đã phán đoán sai tình thế, đánh giá quá thấp thực lực của Vương Thế Sung, kết quả khiến cho trong cuộc tấn công vào Lạc Dương binh lực của quân Đường quá ít, tiến đánh Lạc Dương mất rất nhiều thời gian, dẫn đến việc quân Đường buộc phải rút lui khỏi Lạc Dương. Về phương diện khác, ông ta cũng vô cùng lạc quan, cho rằng thế cục Trung Nguyên là tất phải có được, lệnh cho Lý Hiếu Cung xuất binh chiếm Trung Nguyên trước. Chính là trong quyết định quan trọng này ông ta đã phạm sai lầm. Nếu như lúc đó ra lệnh cho lý Hiếu Cung trợ giúp Lạc Dương, cùng đội quân Tần Vương hợp lại làm một thì đã sớm chiếm được Lạc Dương, cũng sẽ không có cục diện bị động như ngày hôm nay rồi. - Bệ hạ, ý của Tần Vươnglà rút quân quay về Quan Trung để bảo tồn thực lực. Lần sau chúng ta có thể một lần nữa tiến đánh Lạc Dương. Rút kinh nghiệm từ bài học này, nhất định sẽ thành công. Lý Uyên thở dài: - Trẫm cũng hiểu chỗ khó của ông ta. Chỉ là một khi chúng ta rút quân thì quân Tùy sẽ chiếm lĩnh Trung Nguyên, muốn cướp lại thì khó càng thêm khó. Ông ta chắp tay sau lưng đi vài bước, lại nói: - Trên thực tế, chúng ta chưa đánh trận nào với quân Tùy trên chiến trường phía tây, hơn nữa binh lực còn chiếm ưu thế hơn một chút. Nếu vì sợ hãi mà rút lui thì bất kể là đối với triều đình hay đối với toàn thể dân chúng cũng đều khó ăn nói. Trẫm vẫn hy vọng Tần Vương có thể nỗ lực một chút, có thể đánh bại Dương Nguyên Khánh, bảo vệ các quận phía nam Hoằng Nông. Những lời Lý Uyên vừa nói rất khéo léo. Vũ văn Sĩ Cập vừa nghe đã hiểu. Thực ra Thánh Thượng chính là không đồng ý việc Tần Vương lui binh, hy vọng Tần Vương có thể đánh bại Dương Nguyên Khánh. Vũ Văn Sĩ Cập trong lòng thở dài một tiếng, thái độ của Thánh Thượng đã như Tần Vương dự liệu. Nếu Thánh Thượng không chịu rút quân, Vũ Văn Sĩ Cập chỉ có thể thối lui mong lần sau: - Bệ hạ, nếu như lui quân thực sự khó khăn thì có thể tăng thêm binh không. Tần Vương hy vọng có thể xuất hai mươi hoặc ba mươi ngàn quân, từ Đồng Quan xuất binh, để gây áp lực cho đội quân Dương Nguyên Khánh từ phía tây, như vậy chúng ta có thể nắm chắc phần thắng nhiều hơn. - Việc này... Binh lực ở Quan Trung không phải ít, còn muốn tăng thêm quân nữa, Lý Uyên có phần khó xử, lát sau mới nói: - Việc tăng thêm quân trẫm sẽ suy nghĩ thêm một chút! Quân Đường hiện tại đã đưa ra tổng cộng ba trăm ngàn quân, tổng cộng được chia làm sáu phái, một phái là Quan Tây do do Lý Thế Dân dẫn đầu, khoảng một trăm ngàn người, phái khác là Lý Hiếu Cung ở Ba Thục và Kinh Tương, cũng có khoảng một trăm ngàn người. Hai phái lớn này hợp thành chủ lực của quân Tùy, được mọi người gọi là phái Tần Vương. Tiếp theo còn có bốn phái nhỏ, một là phái Quan Đông do của Lý Kiến Thành, khoảng chừng ba mươi ngàn người, tiếp đến là phe Quan Nội và Hà Tây của Lý Thần Thông ở, cũng có ba mươi ngàn người, tiếp đó nữa là phái Tân Quân của Lý Nguyên Cát, cũng có ba mươi ngàn người, cuối cùng là phe Trường An Cửu Thành của Sài Thiệu, khoảng hai mươi ngàn người, phụ trách giữ gìn an ninh trật tự ở Trường An. Trong bốn phe phái nhỏ, ngoại trừ Sài Thiệu là từ Long phái ra, còn lại ba phái kia đều là thế lực của Lý Kiến Thành, toàn bộ đều được gọi là Thái Tử hệ. Quân đội Đại Đường ngoài sáu phái lớn này ra, còn có mấy chục ngàn ngự lâm quân của Lý Uyên. Lần này Lý Thế Dân yêu cầu tăng binh, chỉ có thể lấy từ hai nơi, hoặc là sẽ điều quân từ quân của Lý Kiến Thành, hoặc sẽ chiêu mộ tân binh. Màn đêm buông xuống, một cỗ xe ngựa dừng trước phủ Tề Vương Lý Nguyên Cát. Từ sau sự kiện Đồng Quan, Lý Nguyên Cát bị giáng chức làm thường dân để dập tắt sự phẫn nộ của quân đội. Nhưng dù sao anh ta cũng là dòng chính của Lý Uyên, trừng phạt anh ta cũng chỉ là hình thức mà thôi, không bao lâu sau, anh ta lại lặng lẽ khôi phục lại vương tước, lập tức được phái đi Bá Thượng huấn luyện tân binh. Hai ngày nay, vừa lúc Lý Nguyên Cát trở về Trường An đang nghỉ ngơi trong phủ. Xe ngựa đứng trước cửa phủ đợi trong chốc lát, một quản gia đi nhanh ra, đứng trước xe ngựa chắp tay cười nói: - Vương gia cho mời Thị Lang vào trong phủ. Cửa xe mở, Nội sử Thị Lang Phong Đức Di từ trong xe ngựa đi ra, mỉm cười nói: - Không mời mà đến, đã quấy rầy Vương gia nhà ngươi nghỉ ngơi rồi. - Đâu có! Đâu có! Vương gia trước giờ rất hiếu khách, rất hoan nghênh Thị Lang đến thăm. Quản gia đưa tay ra: - Mời Thị Lang! Phong Đức Di chắp tay sau lưng, thong thả theo quản gia đi vào Vương phủ, thấy trước bậc tam cấp Lý Nguyên Cát đã đích thân ra nghênh đón. Lý Nguyên Cát mặc cẩm bào trắng thêu rồng, đầu đội kim quan, trên thắt lưng có một cái đai ngọc bích. Từ sau khi Lý Nguyên Cát bị giáng làm thường dân, Lý Uyên liền giao cho Thái tử Lý Kiến Thành quản thúc anh ta. Gần một năm qua, Lý Nguyên Cát vô cùng trầm lặng. Những chuyện như cưỡng đoạt dân nữ, phóng ngựa đả thương người khác cũng không xảy ra. Lý Uyên rất hài lòng đối với những thay đổi của anh ta, phong thêm cho anh ta làm Quán Quân Đại tướng quân, phụ trách huấn luyện tân binh ở Trường An. Lý Nguyên Cát đã từng gặp Phong Đức Di hai lần. Anh ta biết phụ hoàng rất tin tưởng vị cựu Đệ nhất Ngự Bút Đại Tùy này. Người như thế này rất hữu dụng với bản thân anh ta cho nên anh ta đặc biệt đứng chờ trước bậc tam cấp. Anh ta thấy Phong Đức Di đến liền bước lên phía trước thi lễ: - Nguyên Cát không thể ra cửa nghênh tiếp, xin Phong Thị Lang bỏ quá cho. Phong Đức Di cười lớn: - Điện hạ đã quá lời rồi, là hạ quan không mời mà đến, đã làm phiền Điện hạ nghỉ ngơi. - Phong Thị Lang nói lời này thật quá khách sáo, vị khách như Thị Lang ta có mời cũng mời không được, sao dám nói hai chữ "làm phiền", mời Thị Lang vào trong! Lý Nguyên Cát dẫn Phong Đức Di vào phòng khách rồi sai thị nữ dâng trà, hai người hỏi han vài câu, Phong Đức Di liền đi vào vấn đề chính. - Hôm nay Thánh Thượng và hạ quan có nói tới tình hình chiến sự ở Lạc Dương. Thánh Thượng rất lo lắng cho cuộc chiến ở Lạc Dương. - Hừ! Lý Nguyên Cát lãnh đạm hừ lạnh một tiếng: - Đó là do có người bất tài, mang theo một trăm ngàn quân xuất chinh mà vẫn không thể công kích Lạc Dương, phụ sự kỳ vọng của phụ hoàng, làm cho cả Đại Đường phải hổ thẹn. Đã bất tài như vậy còn giữ chức vụ cao làm cái gì? Phong Đức Di có phần lúng túng cười: - Điện hạ, dù sao thì đây cũng là một trận chiến rất quan trọng, Thánh Thượng lo lắng cũng là chuyện bình thường. Hiện tại Tần Vương thỉnh cầu Thánh Thượng gửi viện quân, Thánh Thượng cảm thấy rất khó xử. - Viện quân? Trên mặt Lý Nguyên Cát lộ ra vẻ khinh thường: - Gã đã nắm một trăm ngàn đại quân, bên Lý Hiếu Cung còn có tám mươi ngàn đại quân, đã vượt xa binh lực của quân Tùy rồi, gã lại còn muốn viện quân, như thế mà gã cũng mở miệng ra được sao? - Thế nhưng Thánh Thượng cũng nhắc tới Điện hạ. Lý Nguyên Cát ngạc nhiên, ngay lập tức sa sầm nét mặt: - Phụ hoàng nhắc tới ta làm gì? Phong Đức Di lãnh đạm nói: - Thực ra cũng không phải Thánh Thượng nhắc tới Điện hạ mà là Thánh Thượng nói Quan Trung không có binh lực để phái đi, Vũ Văn Sĩ Cập lại nhắc tới Tân quân! - Khốn nạn! Lý Nguyên Cát đứng dậy, quát to: - Gã nắm một trăm ngàn quân còn chưa đủ, lại còn muốn lấy quân của ta, thật chưa bao giờ thấy một người vô liêm sỉ như vậy. - Điện hạ bớt giận. Phong Đức Di vội xua tay, giải thích với anh ta: - Chuyện này Thánh thượng cũng không đồng ý, Thánh thượng chỉ nói cần phải xem xét lại. Hạ quan đến chỉ là muốn nhắc nhở Điện hạ, nếu Thánh thượng triệu kiến Điện hạ, Điện hạ hãy hiểu những khó khăn của Thánh thượng, không nên làm người quá tức giận bởi Thánh thượng người bây giờ có áp lực rất lớn. Lý Nguyên Cát nén cơn giận trong lòng, chắp tay nói: - Đa tạ Phong Thị Lang đã nhắc nhở. Ta sẽ không chọc giận phụ hoàng đâu. Phong Đức Di cáo từ rời đi. Lý Nguyên Cát ngồi một mình trên ghế, sắc mặt tái nhợt, lửa giận hiện lên trong ánh mắt, lão nhị kia lại dám có ý với quân mới của mình, điều này khiến anh ta không thể nhịn được. Từ nhỏ Lý Nguyên Cát và Lý Thế Dân không ghét bỏ gì nhau, mối quan hệ thời gian qua rất tốt nhưng việc Lý Thế Dân bắn chết Lý Trí Vân khiến anh ta cảm thấy lạnh người. Ngay cả huynh đệ của mình mà cũng có thể hạ độc thủ như vậy, người này quả thực lòng dạ độc ác. Gã là em trai anh ta, nói không chừng có một ngày gã cũng có thể ra tay với chính anh ta? Chính là vì chuyện của Lý Trí Dân khiến trong lòng Lý Nguyên Cát nảy sinh cảnh giác đối với Lý Thế Dân. Ngược lại, đại ca Lý Kiến Thành là người rộng lượng, đối xử với anh ta rất coi trọng tình huynh đệ. Điều này khiến cho một người luôn luôn lạnh lùng như Lý Nguyên Cát cũng cảm động. Quan trọng hơn là trong sự kiện Đồng Quan, Lý Thế Dân ủng hộ Lý Hiếu Cung chống lại anh ta, cuối cùng dẫn đến việc anh ta bị giáng chức làm thường dân. Chính chuyện này đã khiến cho Lý Nguyên Cát và Lý Thế Dân kết thù hận. Anh ta bắt đầu toàn lực ủng hộ cho đại ca Kiến Thành. Lý Nguyên Cát suy nghĩ một lúc lâu, anh ta không chút do dự đứng dậy nói: - Chuẩn bị xe ngựa, ta muốn đi Hàm Dương. Lúc này Lý Kiến Thành cũng không ở kinh thành mà đang đi thị sát vụ gieo hạt mùa hè ở Hàm Dương. Đại chiến Trung Nguyên lần này Lý Kiến Thành cũng không tham dự quá nhiều. Một mặt là vì công việc triều chính của anh ta nặng nề. Một mặt là cuộc chiến Trung Nguyên lần này đều là binh lực của Tần Vương, anh ta không muốn tham dự quá nhiều. Vụ gieo hạt mùa hè ở Quan Trung chậm hơn so với Hà Nam mấy ngày, ruộng lúa ngập đầy nước, những người nông dân thì bận rộn cấy mạ trong khu đất của mình, khắp nơi ở Quan Trung đều thấy cảnh bận rộn. Lý Kiến Thành đầu đội nón, mặc một chiếc áo ngắn giống như nông dân, ống quần xắn cao, anh ta vừa cấy được nửa mẫu ruộng. Đang ngồi bên mép bờ ruộng cùng vài lão nông uống nước nói chuyện phiếm. Một gã thị vệ đưa cho anh ta một bát to nước trà lạnh: - Điện hạ, mời uống nước! Lý Kiến Thành nhận lấy bát trà cười lớn hỏi mấy lão nông: - Vụ thu hoạch hè ở Hàm Dương hôm nay thế nào? Lý Kiến Thành tuy là Thái tử, nhưng anh ta rất bình dị dễ gần, chung vai cùng nông dân cày bừa trồng trọt, mọi người cũng không sợ anh ta. Một lão nông thở dài nói: - Năm nay là năm thiếu, các cây nông nghiệp nói chung thu hoạch không được tốt lắm, ngay cả trái trên cây cũng thưa thớt. Lúa mì năm nay so với năm ngoái sản lượng giảm hai mươi phần trăm, chắc là vụ mùa thu cũng sẽ không được tốt. Điện hạ, lão có câu này không biết có nên nói hay không. Lý Kiến Thành gật đầu: - Lão trượng cứ nói! - Điện hạ, có thể xin triều đình thay đổi một chút về thuế đất không, chẳng hạn như năm thiếu thì sản lượng giảm sút, thuế đất cũng có thể giảm bớt một chút hay không. Lão nông nói ra kiến nghị này, các lão nông còn lại đều tán thành, đã nói ra lời nói từ đáy lòng bọn họ. Lý Kiến Thành trầm ngâm một chút nói: - Mọi người nói rất có lý, chuyện này ta quay về sẽ trao đổi cùng các quan đại thần, sau đó sẽ đưa ra một phương án hợp lý, cố gắng thuyết phục Thánh thượng đồng ý. Các lão nông vui mừng khôn xiết, rối rít cảm tạ. Lúc này, một người nông dân rốt cục nhịn không được nói: - Điện hạ, lão có một việc muốn phản ánh một chút. Lý Kiến Thành cười cười: - Xin cứ nói, đừng ngại! - Lão có đứa cháu trai, tham gia trận chiến Triều Tiên bị bắt, ở Triều Tiên lao động vất vả, mấy tháng trước được quân Tùy cứu. Sau đó trở về nhà, còn mang về một con ngựa mà triều Tùy cho nó. Như thế, nó mang lòng cảm kích đối với triều Tùy cũng là lẽ thường tình, thỉnh thoảng hay nói tốt về triều Tùy. Không ngờ lại chọc giận quan phủ nói nó làm trinh thám của triều Tùy. Quan phủ tới bắt người, ngựa cũng bị quan phủ tịch thu, người bây giờ vẫn còn bị nhốt ở huyện nha, không biết Điện hạ có thể giúp cho hay không. - Làm sao lại có chuyện như thế chứ? Sắc mặt Lý Kiến Thành lúc này liền trầm xuống, anh ta lấy ra tấm kim bài giao cho tên thị vệ đứng phía sau: - Nói là lệnh của ta, lệnh cho huyện nha lập tức thả người, ngựa cũng đem trả lại cho người ta, không cho phép chuyện tương tự như vậy xảy ra lần nữa. Lão nông dân liền quỳ xuống, trong lòng vô cùng cảm kích: - Đa tạ Điện hạ đã ra tay cứu giúp! Lý Kiến Thành vội nâng lão nông dậy: - Không cần đa lễ. Chuyện này là do ta quản không nghiêm. Ta sẽ lệnh cho quan phủ các nơi không được bắt giữ những binh lính được thả về từ Triều Tiên. Triều Tùy cứu người, nhưng chúng ta lại bắt người, như vậy không phải sẽ khiến lòng người trong thiên hạ nguội lạnh sao? - Điện hạ là người rộng lượng, mong sao các quan viên Đại Đường cũng giống như Điện hạ, đó chính là phúc đức của chúng tôi. Đang nói, một tên thị vệ chạy tới, bẩm báo nói: - Thái tử Điện hạ, Tề Vương tới, nói có chuyện khẩn cấp. Lý Kiến Thành trông thấy trên quan đạo cách đó không xa có một chiếc xe ngựa, hai bên còn có hơn trăm thị vệ cưỡi ngựa, liền đứng lên đi về phía xe ngựa, không lâu sau đã đến trước xe ngựa. Lý Nguyên Cát bước xuống từ xe ngựa, anh ta thấy đại ca Kiến Thành toàn thân mặc trang phục nông dân, chân vẫn còn dính bùn, không nhịn được cười nói: - Đại ca, làm sao lại trở thành lão nông dân rồi? Lý Kiến Thành thở dài nói: - Không làm việc cày cấy thì không hiểu được nông dân. Nếu hàng ngày đều ngồi trong triều đình, làm sao biết nỗi khổ của người dân. Thôi, không nói chuyện này nữa. Đệ có chuyện quan trọng gì sao? - Mời đại ca lên xe ngựa nói chuyện, có liên quan đến quân đội của đệ.