Chương 81: Hoa rơi hữu tình.
Tiểu Đông cô nương có tình ý đối với hắn, trong lòng Dương Phàm biết rất rõ, người đối với hắn tốt, hắn liền đối tốt với người ta, người ta thích hắn, hắn tất nhiên cũng thích người ta, nhưng thích và yêu là hai chuyện khác nhau, không có chuyện người ta chỉ cần yêu hắn, hắn sẽ yêu đối phương. Hắn đối với Tiểu Đông cô nương thật sự không có cảm giác.
Nhưng mà Tiểu Đông cô nương tình cảm thắm thiết, làm cho hắn cảm thấy thiếu nợ tình cảm của đối phương, không tránh được có chút chột dạ, e sợ. Nghe nói nàng đến không biết đối mặt thế nào, chỉ lựa chọn tốt nhất là trốn tránh. Thật ra thì đây cũng là một cách thức không uyển chuyển.
Cửa nhẹ nhàng mở ra, Tiểu Đông cô nương bước chân nhẹ như mèo, nhẹ nhàng đi đến, mặc dù với nhĩ lực của Dương Phàm, không chú ý nghe thì cũng không nghe thấy. Nàng đi trên đường luôn là như vậy, nhẹ nhàng giống như là lo sẽ giết chết kiến vậy.
- Nhị lang, Nhị lang...
Tiểu Đông rõ ràng là muốn hắn tỉnh lại, nhưng lại như sợ hắn tỉnh lại, cho nên âm thanh nho nhỏ. Dương Phàm nhắm hai mắt, cố gắng duy trì hô hấp ổn định để khỏi bị nàng phát hiện ra mánh khóe.
Bên giường hơi hơi trầm xuống, Tiểu Đông ngồi xuống bên giường. Dương Phàm vẫn "Hôn mê bất tỉnh".
Một lát sau, vang lên giọng nói của Tiểu Đông cô nương xa xôi:
- Ngươi nha, ngươi được phái đi làm việc thì làm cho xong việc, khoe anh hùng cái gì chứ, ngươi nói nếu ngươi thật sự có mệnh hệ gì, quan phủ người ta có thể quản ngươi cả đời sao? Tuổi trẻ sức lực dồi dào đấy, không biết yêu quý bản thân mình chút nào.
Dừng một chút, âm thanh cẩn thận lại vang lên:
- Ngươi không tỉnh dậy cũng tốt, nếu không ta thật đúng là xấu hổ nói chuyện với ngươi. Ôi! Người ta biết dáng vẻ của mình rất bình thường, a nương lại đặc biệt gay gắt, nhà của ta chỉ có thể cho con rể ở tại nhà đấy. Nhị lang, một nam tử xuất xắc như vậy, làm sao có thể...
Ta biết thật ra từ lúc bắt đầu đã biết là không có có cái phúc trở thành vợ chồng với Nhị lang. Nhưng trong lòng một khi đã thích một người, thì chính là thích, người ta thật sự không nghĩ ra phải có nhiều đạo lý như vậy mới có thể thích hoặc là không thích...
Hai hàng nước mắt trong veo nhẹ nhàng đọng trên bờ mi của nàng, lúc nàng khóc, âm thanh cũng cẩn thận đấy. Tiểu Đông nhẹ nhàng, không một tiếng động, dùng mu bàn tay lay nước mắt trên má, cúi đầu mà nói:
- Nhị lang nghỉ ngơi nhiều đi, hôm khác nếu rảnh rỗi ta lại tới gặp ngươi.
Bên giường chợt nhẹ đi, Tiểu Đông cô nương nhẹ nhàng đi ra ngoài. Dương Phàm không nghe thấy tiếng đóng cửa, sau một lúc lâu, hắn lặng lẽ mở mắt, chỉ thấy cửa phòng đã đóng, cửa được đóng rất khẽ, vô cùng nhẹ.
Dương Phàm đưa mắt nhìn về phía trước giường, phía trước giường để đó cái giỏ làm trúc, bên trong để một bộ quần áo mới, đường may tỉ mỉ, trải ra nhẹ nhàng cầm lên, cảm giác trên tay có chút ấm áp, nhìn vào phía trong giỏ thì thấy phía dưới là một giỏ trứng gà đã được luộc chín, giống như là mang theo một tình cảm ấm áp.
Dương Phàm cầm quần áo, nhìn trứng gà, nhất thời có chút ngây ngốc...
***
Sau lần đó, mấy ngày này, Dương Phàm luôn luôn ở tại nhà an tâm dưỡng thương. Mẹ Mã Kiều và mẹ của Diện Phiến Nhi thay phiên nhau tới nhà giúp hắn nấu cơm, Mã Kiều và Giang Húc Ninh thì giúp hắn thay thuốc, nói chuyện tán ngẫu với hắn, hàng xóm láng giềng cũng thường xuyên đến giúp đỡ, lấy một vại nước, bổ một đổng củi.
Những chuyện như thế này, bình thường dân chúng trên phố cách thức giao lưu tình cảm không phải phong hoa tuyết nguyệt, uống rượu ca hát mà phương thức của bọn họ rất giản dị, tuy là những hành động nhỏ nhặt không đáng nói, nhưng cũng rất ấm áp lòng người.
Trong thời gian này, Thái Vân cô nương kia đã qua lại mấy lần, mỗi lần đều mang đến một chút thuốc bổ cao cấp mà dân chúng bình thường đều chưa từng nghe qua, chỉ có điều mẹ Mã Kiều và mẹ của Diện Phiến Nhi cơ bản không làm những sơn hào hải vị đó, tất cả đều lấy thức ăn bình dân trên phố, dùng nồi sắt nấu nướng, hầm cách thủy làm đồ ăn, quả thật là làm phí hoài vật liệu.
Nhìn thấy thương tích của Dương Phàm ngày từng ngày tốt lên, Thái Vân cô nương rất phấn khởi.
Tuy nói rằng Thái Vân cô nương này có chút bợ đỡ, đi lại đến nhà Dương gia đối với dân chúng trên phố hết thảy xem thường, coi người khác bằng nửa con mắt, nhưng thái độ đối với Dương Phàm lại không tệ nên Dương Phàm không bộc lộ sự chán ghét đối với nàng, biết nàng không muốn bị xưng hô như người già, vẫn xưng hô với vị cô nương hơn ba mươi tuổi này là đại tỷ. Thái Vân cô nương nghe được vui mừng không thôi.
Chỉ có điều Dương Phàm mỗi lần nói bóng nói gió về tình hình chủ nhân của nàng, đều bị nàng nói quanh. Có thể ở nhà quyền quý trở thành người sai khiến đắc lực bên cạnh chủ nhân, mỗi người đều tinh ý chiều chuộng hoặc sẽ nhìn mặt mà đoán lòng, nghe âm phân biệt ý, tuy rằng bọn họ một số là tiểu nhân, nhưng ngươi muốn đem bọn họ làm kẻ ngốc để đùa giỡn thì cơ bản là không có khả năng.
Cho đến sau này, Thái Vân cô nương nghĩ đến chủ nhân nhà mình đối với vị tiểu lang quân tuấn tú này cực kỳ coi trọng, ngày sau hắn một khi thăng quan tiến chức vùn vụt, như vậy đắt giá không thể nói, nếu có thể cùng hắn kết giao tình cảm, tương lai sẽ không thể thiếu chỗ tốt cho mình, lúc này mới vi phạm lời chủ nhân dặn dò, tiết lộ cho hắn một chút ý tứ.
Thái Vân cô nương nói:
- Chủ nhân nhà ta trước đây có dặn dò, hiện tại hầu gái không được tiết lộ ra cái gì, chỉ chờ tiểu lang quân dưỡng thương cho tốt, chủ nhân nhà ta sẽ mời người gặp mặt. Vả lại, tiểu lang quân cứ yên tâm dưỡng thương, chủ nhân nhà ta cao cao tại thượng, cao quý không thể nói hết, nếu ngươi được nàng ưu ái, tiền đồ không thể lường được, khi đó mong lang quân dìu dắt nhiều hơn.
Dương Phàm muốn ngắt lời hỏi, Thái Vân chỉ cười mà không nói. Dương Phàm cũng từng nghĩ đến chuyện theo dõi xe của nàng, tìm ra chỗ nàng đi, chỉ có điều giữa ban ngày không có cách gì theo dõi, người này vừa dốc hết sức lực kết giao cùng mình, sớm muộn gì cũng sẽ lộ ra thân phận, giờ nhất thời không cần nóng lòng.
Hơn mười ngày sau, miệng vết thương của Dương Phàm đã lên vảy, mặc dù còn chưa được mạnh mẽ, nhưng đi đứng nằm ngồi và các hành động bình thường đã đều không có vấn đề gì, Dương Phàm liền bắt tay vào việc hỏi thăm tin tức của Miêu Thần Khách.
Hắn tại giường ốm đau đã lâu, khí huyết suy yếu, lấy lý do phải đi ra ngoài tản bộ khởi động người, rời khỏi phường Tu Văn, đi ra trên đường cái Định Đỉnh. Hai bên đường cái Định Đỉnh dài đến mười sáu dặm, Bảng hiệu quảng cáo" cao đến một trượng dán cả dọc đường dài đủ loạithượng vàng hạ cám không gì là không có, trong đám biển hiệu đó có một tấm biển nhỏ "Gián điệp"
"Gián điệp" chính là dựa vào giao thiệp rộng rãi, hiểu biết nhiều, chuyên môn điều tra thăm dò tin tức, tìm người thân, tìm kiếm bạn bè, thân hữu. Những người này kinh doanh chủ yếu là giúp đỡ những người từ nơi khác đến Lạc Dương tìm tung tích của họ hàng, thăm bạn bè, thân hữu, còn làm cả việc trợ giúp tìm kiếm những người phụ nữ và trẻ nhỏ bị lừa bán.
Dương Phàm theo từ trong những đám biển đông đúc tìm được phương thức liên lạc với một "Gián điệp", tìm đến người đó, sau khi thanh toán tiền đặt cọc liền định ngày và địa điểm gặp mặt. Hai ngày sau, Dương Phàm lại rời khỏi phường Tu Văn, đi tới địa điểm hai người đã hẹn gặp, là một quán rượu nhỏ.
Gián điệp này tên gọi là Triệu Du, ba mươi bảy, ba mươi tám tuổi, hơi béo một chút, khuôn mặt thoạt nhìn cũng rất hòa hợp, bình thường, không có gì lạ, không có gì đặc trưng.
Dương Phàm tùy tiện gọi rượu và vài món ăn, hai người chọn một cái bàn ở trong góc ngồi xuống. Dương Phàm nói:
- Triệu huynh, không biết chuyện của đệ nhờ ngươi, đã có tin tức gì chưa?
Triệu Du hơi hơi nhăn mày nói:
- Lão đệ, việc ngươi sai phái, không dễ làm...! Người ta tìm người thân, thăm bạn bè, luôn luôn có một cái tên họ đầy đủ, một nghề nghiệp là có thể từ từ tìm ra tin tức chỗ ở, chúng ta điều tra hàng xóm, hộ tịch cũ, chỉ cần người này còn sống, chung quy vẫn tìm được hắn, nhưng ngươi cung cấp tin tức cho ta thật sự ít quá, chỉ có mỗi một cái tên.
Dương Phàm cười nói:
- Đúng vậy, chính là bởi vì khó tìm nên mới phiền đến Triệu huynh.
Triệu Du lắc lắc đầu nói:
- Phiền toái cũng không sao, chỉ có điều tiếp nhận việc này của ngươi, ta mất rất nhiều công sức, nhờ vả rất nhiều quan lại nhỏ trong nha môn quen biết. cũng may người mà ngươi muốn tìm tên cũng lạ, không dễ có người trùng tên, dù là như thế cũng mất rất nhiều thời gian của ta, từ trên xuống dưới thu xếp, nhờ rất nhiều người, lần này lợi nhuận ta thu được chả thế quái nào đủ so với số tiền ngươi trả trước rồi.
Dương Phàm hiểu ý mà nói:
- Ồ! Nếu Triệu huynh điều tra được tin tức xác thực, tại hạ sẽ trả thêm chút tiền công.
Triệu Du cười khổ nói:
- Thêm tất nhiên không phải phải thêm rồi, ta còn muốn trả lại cho lão đệ một nửa số tiền công mới được . Bởi vì...rất xấu hổ, Triệu mỗ tuy rằng tìm được một ít thông tin về người kia, nhưng cũng chỉ là một ít thông tin, về tung tích của hắn bây giờ, Triệu mỗ không có khả năng, không tìm được.
Dương Phàm giật mình suy nghĩ một chút nói:
- Không sao! Triệu huynh thăm dò được một ít tin tức, có bao nhiêu nói bấy nhiêu. Vốn đã trả thù lao rồi không cần lấy lại. Ta không thể để cho Triệu huynh lãng phí thời gian, ngươi trên dưới thu xếp, có những ai cần chi tiền, xin nói rõ, tất cả do tại hạ trả tiền.
Triệu Du nghe xong có chút bất ngờ, không nghĩ người đi thuê này lại hào phóng như vậy, lập tức vừa xấu hổ vừa mắc cỡ, vội vàng đứng lên nói cảm ơn. Dương Phàm ấn hắn ngồi xuống nói:
- Triệu huynh không cần phải khách khí, mời ngồi xuống nói chuyện, ngươi thăm dò được tin tức gì, xin hãy kể lạo tỉ mỉ cho ta biết.
Triệu Du nói cảm ơn ngồi vào ghế của mình nói:
- Phải điều tra Miêu Thần Khách, thật ra cũng dễ dàng, bởi vì tên của hắn dễ nhớ, hơn nữa trong quan trường có chút tiếng tăm, trên quan trường quan lại lớn nhỏ đều biết nhiều về người này, ta nói đã tốn rất nhiều công sức, chuẩn bị chi phí rất nhiều toàn bộ chỉ là muốn điều tra ra tung tích của hắn, cuối cùng hao tâm tổn sức không có kết quả gì.
Dương Phàm gật gật đầu nói:
- Ừ! Miêu Thần Khách này là người ở đâu?
Triệu Du nói:
- Miêu Thần Khách này là tiến sĩ đầu tiên đời Cao Tông Càn Phong, sau khi đậu tiến sĩ liền được bổ nhiệm làm Tào Tham Quân Sự trợ giúp cho phủ Chu Vương. Vị Chu Vương này là Lý Hiển con thứ ba của đương kim Thiên Hậu, bây giờ bị đi đày ở Phòng Châu.
Triệu Du tất nhiên là bỏ ra nhiều công sức để điều tra, lại nói tiếp vô cùng lưu loát:
- Về sau, Miêu Thần Khách thăng chức làm môn hạ của Tỉnh Khởi Cư Lang, sau lại được thăng tới chức Trứ Tác Lang kiêm học sĩ Hồng văn quán, con đường làm quan coi như thuận lợi, thực sự quyền chức cũng không to. Nhưng ba năm trước đây...
Triệu Du trên mặt lộ ra một thần sắc cổ quái, chậm rãi nói:
- Ba năm trước đây hắn đột nhiên mất tích không có tin tức gì, mỗ nhờ vả rất nhiều người hầu, bằng hữu trong nha môn, không ngờ chả có một ai biết tin tức gì. Chuyện rất buồn cười là khi mỗ hỏi, không ngờ bọn họ đầu tiên là sửng sốt, sau đó mới bừng tỉnh ngộ, xem ra nếu không phải là mỗ hỏi tới, người này cứ như là bị bọn họ quên tiệt vậy...
Dương Phàm hơi hơi nhăn đầu lông mày hỏi:
- Chuyện này là như thế nào?
Triệu Du nói:
- Cái này có nghĩa là hắn từng bước, từng bước mất hút trên quan trường.
Chương 82: Chuyện cũ đã qua
Dương Phàm nghe xong bất giác giật mình. Không sai, với địa vị của Miêu Thần Khách, nếu là mắc bệnh nan y hay đột tử thì triều đình và trong nhân gian nhất định sẽ phải có lưu truyền lại chút thông tin gì đó về người này, nếu là bệnh chết, triều đình sẽ có trợ cấp công khai cho thân nhân, chứ đâu thể cứ yên lặng như thể không có gì xảy ra như vậy.
Nếu người này bị giáng chức, lưu đày, về quê mai danh ẩn tích, lên chức hay vẫn lăn lộn trong chốn quan trường thì nhất định sẽ có người nhớ về ông ta. Chỉ khi ông ta đã an phận thủ thường, không can thiệp vào bất cứ việc triều chính nào nữa thì người ta mới dần dần quên đi sự tồn tại của ông.
Nói cách khác, ba năm trước, sau khi thụ phong Nam tước thì hình bóng ông ta trên chốn quan trường đã bắt đầu mờ nhạt, người ta dần dần đã quen với sự biến mất của ông, để rồi toàn hoàn lãng quên đi có một vị Nam tước như vậy trên chốn quan trường.
Triệu Du nói:
- Chính là như vậy, ta đã hỏi qua rất nhiều người, bọn họ mơ hồ còn có thể nhớ lại sau khi Miêu Thần Khách thụ phong Khai quốc Nam tước thì đã tới dự yến tiệc của của những quan viên khác mấy lần, nhưng sau đó thì dần dần không thấy tăm hơi y đâu nữa, thậm chí giờ hỏi đến cũng chẳng có ai biết y bây giờ đang ở đâu, làm gì.
- Cũng chỉ có thể điều tra ra được đến như vậy thôi.
Triệu Du hổ thẹn nói:
- Ta đã bỏ ra biết bao tâm sức nhưng cũng chỉ nghe ngóng được có bấy nhiêu, thậm chí ta đã tìm tới tận địa chỉ nhà cũ của y, mạng nhện chăng đầy, cỏ dại đã mọc cao quá đầu người, rõ ràng là căn nhà đó đã bị bỏ hoang rất lâu rồi, thậm chí bóng một gia phó canh cửa cũng chẳng có.
Triệu Du nói với Dương Phàm:
- Một nhân vật như vậy, chắc chắn không thể bặt vô âm tín một cách kì lạ như thế được. Nhưng ta đã đi tìm rất nhiều người, quả thật không có một ai biết tình hình hiện tại của y cả. Điều duy nhất mà ta có thể khẳng định bây giờ là: y vẫn chưa chết, và y vẫn còn ở Thần Đô, càn về tung tích của y thì ta quả thực không thể tìm ra được đích xác, thật là hổ thẹn!
Dương Phàm lặng yên nhìn gã, mặt lộ ra ý cười, vỗ vỗ cánh tay Triệu Du, ôn hòa nói:
- Triệu huynh không cần hổ thẹn, tin tức mà huynh điều tra được rất quan trọng. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng rất có ích với ta, nếu tự mình đi điều tra thì có lẽ ta cũng chẳng tra ra được nhiều như huynh đâu, đa tạ!
Dương Phàm nói xong, rút từ trong lồng ngực ra hai xâu tiền, nhẹ nhàng đẩy qua, nói:
- Đây là số tiền còn dư lại, xin huynh nhận cho.
Triệu Du đỏ mặt tía tai, nói:
- Không không không, cái này không thể được! Lão đệ làm vậy là coi thường Triệu mỗ rồi. Tuy rằng ta chỉ là môt chân chuyên đi nghe ngóng tin tức trên giang hồ, nhưng giang hồ cũng có quy tắc của giang hồ, ta không hoàn thành được việc đệ phó thác, tiền này quyết không thể nhận. Làm ăn là phải sòng phẳng, lúc được lúc không âu cũng là chuyện bình thường.
Dương Phàm cười ha hả, nói:
- Triệu huynh không cần phải khách khí như vậy, đây chỉ là chút lòng cảm tạ công sức mà huynh đã bỏ ra mà thôi. Số tiền này, xin huynh hãy nhận lấy!
Dương Phàm dứt lời, đứng dậy nói:
- Chủ quán, tính tiền.
Triệu Du thấy cứ tiếp tục đẩy qua đẩy lại cũng không hay nên cũng không khách khí nữa, nói:
- Vậy... được rồi, bữa này ta mời.
Dương Phàm nói:
- Được, vậy ta cũng không khách khí.
Triệu Du thanh toán tiền xong liền cũng với Dương Phàm rời khỏi quán rượu. Dương Phàm chắp tay nói:
- Triệu huynh, tiểu đệ cáo từ. Huynh là người chất phác thật thà, sau này nếu có lúc tiểu đệ cần tới sự trợ giúp của Triệu huynh thì còn có thể tới làm phiền huynh chứ?
Triệu Du chắp tay nói:
- Hổ thẹn, hổ thẹn. Triệu mỗ tất nhiên sẽ dốc lòng giúp đỡ.
Nhìn theo bóng Dương Phàm đi xa, Triệu Du vẫn đứng im tại chỗ suy nghĩ hồi lâu, chợt gã cất bước đuổi theo, lớn tiếng gọi với theo:
- Lão đệ, xin dừng bước.
Dương Phàm quay đầu, kinh ngạc nói:
- Triệu huynh còn có chuyện gì?
Triệu Du nói:
- Lão đệ, mấy chục thủ hạ của tại hạ tuy không thể chuyên môn giúp lão đệ điều tra nhân vật này, nhưng ta sẽ dặn dò các anh em huynh đệ, bất kể đi đâu làm gì cũng phải nghe ngóng tin tức về chuyện này. Một khi nghe ngóng được tin tức gì...
Dương Phàm lạy dài, nói:
- Triệu huynh vất vả rồi.
Triệu Du nói:
- Lão đệ còn nói "Cảm tạ" thì Triệu mỗ đúng là không biết giấu mặt vào đâu nữa rồi. Nhưng khi có được tin tức rồi ta phải báo cho lão đệ thế nào đây?
Trong lòng Dương Phàm thoáng động. Việc của hắn thật sự đòi hỏi thường xuyên phải sử dụng đến tai mắt, thay vì mỗi lần lại phải sử dụng những tai mắt khác nhau, thì chi bằng là kết giao với Triệu Du này luôn. Xem ra gã cũng là một tay hảo hán, đáng để tin cậy.
Nghĩ đến đây, Dương Phàm nói:
- Cứ cách một quãng thời gian, tại hạ sẽ tới chỗ Triệu huynh một chuyến, bất luận không làm ăn gì thì cũng phải tới thăm anh em bằng hữu mà.
Triệu Du mừng rỡ nói:
- Được lắm, lão đệ là một người phóng khoáng, Triệu mỗ rất thích kết giao với những người như đệ. Vậy Triệu mỗ xin cáo từ, chúng ta sau này sẽ còn gặp lại!
- Làm phiền Triệu huynh rồi!
Dương Phàm chắp tay nhìn theo bóng Triệu Du đi xa rồi mới xoay người rời khỏi.
Dương Phàm đi qua phường Phúc Thiện, qua Nam Môn tiến vào phường Tư Thuận, rẽ tiếp vào một con ngõ là có thể men theo đường Kiến Xuân để về thẳng tới phường Tu Văn rồi. Trên suốt quãng đường hắn bước đi chậm rãi, thong thả tiền vào phường Tư Thuận, chợt trông thấy một bóng dáng rất quen thuộc. Nhìn kĩ lại, hóa ra là là Mã Kiều, Dương Phàm không khỏi mỉm cười.
Mã Kiều đang từ trong một quán cơm chạy ra ngoài, bộ dạng gã lén la lén lút lút, tay đặt trên hông. Khỏi cần hỏi cũng biết, nhất định là gã đang "hành nghề" trộm cắp rồi. Dương Phàm ở nhà dưỡng thương, Mã Kiều đành một mình đi ăn trộm.
Nghĩ đến đây, Dương Phàm đột nhiên nghĩ ra, mấy ngày nay tuy Thái Vân cô nương vẫn mang thuốc bổ đến đều đều nhưng Mã đại nương lại vẫn thường xuyên nấu canh gà bồi bổ cho hắn. Gia đình nhà họ Mã chẳng khá giả gì, chỗ thịt kia e là cũng do gã đi ăn trộm về.
Dương Phàm dĩ nhiên không muốn cho Mã Kiều biết hắn đã nhìn thấy gã ở đây, hắn vội vàng nấp vào một chỗ rồi lặng lẽ theo sát phía sau Mã Kiều. Dương Phàm bước nhanh đuổi theo Mã Kiều, bất ngờ vỗ vai gã một cái. Mã Kiều vừa mới đi ăn trộm, thình lình bị vỗ vai thì giật mình kêu lên, quay đầu nhìn lại, hóa ra là Dương Phàm, gã không khỏi tức giận, giọng trách móc:
- Ngươi muốn hù chết người hay sao thế? Đến chỗ này làm gì vậy?
Dương Phàm nói:
- Ố, ta một mình ở nhà buồn bực khó chịu chết đi được, ra ngoài đi dạo một chút cho khuây khỏa ấy mà.
Biết thừa Mã Kiều đang làm gì nhưng hắn vẫn cố tình hỏi:
- Còn huynh, đến đây làm gì?
Mã Kiều cười khan nói:
- À, ờm, ở đây có mấy nhà buôn bán gia súc, ta đến mua con gà ấy mà.
Dương Phàm nói:
- Lại để nấu canh gà cho ta chứ gì, Kiều ca, huynh xem ta khỏe mạnh thế này, tuy không được tráng kiện bằng huynh nhưng cũng rắn chắc lắm đó. Vết thương cũng sắp lành rồi, ta có cảm giác đã như béo lên mấy cân thịt lận. Mấy ngày nay huynh và đại nương không quản ngại vất vả để chăm sóc ta, ta đã áy náy lắm rồi, gia cảnh nhà huynh cũng chẳng dư dả gì, không cần phải mua mấy thứ này bồi bổ cho ta nữa đâu.
Mã Kiều nói:
- Nói vậy là sao hả, huynh đệ mình thì bị thương, ta còn lo tích tiền làm gì?
Dương Phàm cười nói:
- Tích tiền hỏi cưới tân nương dần đi là vừa. Nói thật, sang năm huynh đã hai mươi rồi mà vẫn chưa có đám nào, khó trách đại nương sốt ruột như thế. Huynh cũng phải lo liệu dần đi chứ, khẩn trương rước về cho ta một tẩu tẩu đi, ta đang chờ có người gọi ta là thúc thúc đây này.
Dương Phàm vừa cười nói vừa kéo Mã Kiều đi ra ngoài. Mã Kiều đành phải từ bỏ ý định ban đầu của mình. Hai người đang trở lại phường Tu Văn, chỉ còn mấy bước nữa là tới cổng lớn thì bỗng có một đám đưa tang từ trong phường đi tới. Cả hai người bất giác dừng bước.
Mấy gã đạo sĩ dẫn đầu đám đưa tang, lắc lắc quả chuông trong tay, lầm rầm một tràng những lời tế nguyện gì đó. Ở giữa là một đạo sĩ khoác chiếc áo màu vàng cam, đầu đội Ngũ lão quan, chân đi một đôi giày mũi nhọn, tay cầm Thất Tinh kiếm bằng đồng, vừa lẩm bẩm vừa múa may cây kiếm trong tay. Hai bên trái phải là hai tiểu đạo áo xanh, đầu đội khăn, một tên cầm vân phiên, một tên cầm bảo ấn, cùng bước theo gã đạo sĩ.
Phía sau là mấy gã hầu nam trẻ tuổi, phía sau nữa, đằng trước quan tài là Tuyết Liên cô nương, mình vận đồ tang màu trắng, đầu vấn khăn tang, eo thắt đai tang, tay cầm tấm linh vị của cha. Bên cạnh nàng là Dương phu nhân. Đây là đoàn người đưa tang Dương Minh Sanh.
Vụ án nhà họ Dương dính dáng tới rất rất nhiều chuyện khác nên tới hôm nay mới có thể lo hậu sự cho Dương Minh Sanh.
Một người khiêng phiên Chiêu Hồn, hướng về phía vong linh lớn tiếng hô:
- Lang trung nhấc chân, đi ra khỏi cửa rồi, bước qua bậc cửa, chúng ta lên cầu, đường lớn bằng phẳng...Lên đường thôi! Dẫn dắt vong linh, một đường đi trước.
Hai vị vãn bối Dương gia tung những đồng tiền giấy lên trời. Tiền giấy trắng bay lên như tuyết, lượn một vòng trên không trung rồi mới từ từ rơi xuống. Những tờ tiền trắng bị giày của đám đưa ma giẫm lên một cách vô tình, tựa như sinh mạng con người đã trở về với cát bụi, bất luận là có muốn hay không, có chấp nhận hay không.
Tiểu Tuyết Liên trên mặt không có chút vẻ đau thương nào, từ nhỏ nàng đã không nhận được yêu thương của Dương Minh Sanh. Trẻ con đặc biệt rất nhạy cảm với điều này, mặc dù tuổi đời còn ít nhưng bằng trực giác nhạy bén của mình, bất kì lời nói và nụ cười dối trá đều không qua nổi mắt chúng.
Nhưng, dù sao Dương Minh Sanh vẫn là phụ thân của nàng, ngoài tình cảm, còn có trách nhiệm. Nàng không đau lòng, chẳng bi thương, chỉ có thù hận. Nàng đang cầm linh bài, khuôn mặt nhỏ nhắn vô cảm không có lấy một giọt nước mắt. Có lẽ trong nàng, thù hận đã vượt quá cả nỗi đau mất cha.
Diêu thị phu nhân đi bên cạnh, bà đã ba nhăm, ba sáu tuổi nhưng đằng sau chiếc áo tang vẫn hiện lên một thân hình gợi cảm hấp dẫn như thiếu phụ chưa tới ba mươi, dung mạo vô cùng mỹ lệ.
Bên đường, đám người đứng quan sát đằng xa thi nhau chỉ trỏ bàn luận:
- Ôi chà, vị kia chính là đại nương tử nhà họ Dương đó.
- Trời, còn trẻ như vậy sao, dung mạo quả là vô cùng xinh đẹp. Nhưng, xem ra nàng ta chẳng có vẻ gì là đau lòng cả.
- Hài, ngươi không biết chứ, phu thê hai người bọn họ...
Mấy người lập tức xúm vào xì xào bàn tán. Tiếng một người kêu lên:
- Hóa ra là thế, hôm nay phải đi đưa tang, ả giả bộ đau thương che mắt thiên hạ một chút cũng là điều dễ hiểu.
Dương Phàm thầm khâm phục vị phu nhân này. Người phụ nữ này cả đời phản bội trượng phu, hoặc bà ta căn bản chưa bào giờ thích ông ta, chỉ là vì tương lai của gia tộc mà phải hy sinh hạnh phúc của bản thân. Nhưng bà ta đã dám sống cuộc sống của chính mình, một cuộc sống do chính bà làm chủ, đó cũng chính là điểm rất đáng để khâm phục.
Linh cữu của Dương lang trung được mười sáu người khiêng, đoàn bước chầm chầm men theo con đường lát đá xanh. Tiền giấy tung bay như đám lá thu tung bay trong gió.
Dương Phàm thản nhiên nhìn đám tiền giấy bay lả tả, khẽ thở dài một tiếng, quay sang Mã Kiều nói:
- Kiều ca, đi thôi, không nên nhìn nữa.
Hai người đang định rời gót thì bỗng nhiên một trận vó ngựa gấp gáp vang tới. Khoảng cách vẫn còn xa, móng ngựa đạp trên nền đá xanh phát ra những tiếng rung chuyển ầm ầm như vũ bão. Tiếng cười nói từ phía xa truyền lại, khiến hai người không khỏi dừng bước, phóng tầm mắt ra xa.
Chương 83: Phật - Đạo tranh chấp
Xa xa, có tới ba, bốn mươi con tuấn mã béo tốt đang chạy tới, trên ngựa là đám hòa thượng đầu trọc lông lốc, kẻ mặc áo xám, người vận áo tăng đỏ thẫm, đi ở giữa là một con bạch mã vô cùng hùng tuấn, trên mình nó là một Đại hòa thượngvận chiếc áo cà sa màu đỏ thẫm hở một bên vai, làm lộ ra bộ ngực săn chắc, tráng kiện.
Đại hòa thượng này một tay cầm dây cương, một tay nâng túi rượu, vừa thúc ngựa đi vừa ngửa cổ lên tu ừng ực từng hớp rượu lớn, hai ống tay áo tung bay trong gió như hai dải mây đỏ. Vó ngựa của gã phi tới đâu làm đám lá bay lên vàng cũng tung bay lên tới đó.
Ba, bốn mươi con tuấn mã lập tức chiếm gần hết diện tích của cả con đường lớn. Đội ngũ đưa tang dừng lại, đợi đám hòa thượng phóng đãng kia nhường đường. Nhìn đám hòa thượng này tùy tiện, phóng túng, chẳng có vẻ gì là hiểu đạo nghĩa, nhưng dù thế nào thì cũng không đến nỗi lại đi giành đường với cả người đã khuất chứ?
- Hỏng rồi, đám đưa ma này còn không nhường đường thì hỏng bét.
- Ha ha, ngươi coi, ngươi coi, tên đạo sĩ kia đang làm phép kìa...
Dương Phàm lặng lẽ đứng nhìn, thấy lão đạo sĩ áo vàng ban nãy còn ra vẻ cốt cách phi phàm, thần thái tôn nghiêm cao quý như người trời, ấy thế mà giờ đây mặt mày biến sắc, tay vẫn cầm bảo kiếm, loạng choạng lùi về sau mấy bước như muốn chạy xuống nấp đằng sau cỗ quan tài.
- Dừng lại! Đại hòa thượng, Đại Đường ta có đạo lí phải kính trọng người đã khuất, huống hồ ngài lại là người xuất gia, cớ sao thấy nhà ta đang đưa linh mà không biết tự động tránh qua một bên nhường đường, lại cứ xông lên như vậy?
Đám tăng nhân phóng ngựa như bay tới, đến trước mặt đám đưa tang cũng đã ghì cương lại nhưng vẫn chẳng có vẻ gì là muốn nhường đường cả, đã thế lại còn tỏ vẻ ngông nghênh như đợi đoàn đưa tang phải nhường đường cho chúng vậy. Đoàn đưa tang Dương thị ai nấy vô cùng phẫn nộ, mấy người không kiềm chế được phải đứng ra lên tiếng quát lớn.
Tự cổ chí kim, người đã khuất bao giờ cũng được kính trọng nhất. Đoàn đưa dâu mà gặp đoàn đưa tang cũng còn phải nhường đường, huống hồ phía trước kia là một đám tăng nhân, lẽ ra những đạo lí này phải thông tỏ hơn ai hết mới phải. Mặc dù nhìn đám hòa thượng chẳng có vẻ gì là đứng đắn đường hoàng nhưng đạo lí phải tôn trọng người đã khuất ngời ngời, hơn nữa Dương thị lại là nhà quan nên chẳng ai sợ đám hung đồ đội lốt tăng nhân trước mặt cả.
Đám hòa thượng kia đang nghông nghênh tự đắc, bất ngờ bị đám đưa tang lớn tiếng trách móc như vậy thì tức giận đến bật cười. Trong đó có một tên vốn đã rút roi ngựa ra nhưng ngay lập tức lại thu về, quay sang gã Đại hòa thượng áo đỏ ở chính giữa, cười ha hả nói:
- Sư phụ, đám đưa ma kia đòi chúng ta nhường đường cho kìa!
- Hử?
Gã Đại hòa thượng mặc áo cà sa đỏ thẫm ợ lên một tiếng, đôi mắt lờ đờ, đỏ vằn lên vì say rượu trông về phía trước, thấy tình hình trước mắt lập tức nhướn mày, nói:
- Xui quá xui quá, thế nào mà lại đụng ngay phải đám đưa ma chứ. Ra cổng gặp quan tài, chẳng thăng quan cũng phát tài. A Di Đà Phật, không phải kiêng kỵ gì cả!
Hòa thượng này trên mình vận áo cà sa đỏ thẫm, coi bộ có vẻ gã là một Đại hòa thượng có địa vị khá cao, nhưng gã lại ngang nhiên cưỡi ngựa tu rượu ngay giữa đường, lại thốt ra những lời lẽ chẳng khác nào đám lưu manh vô lại đầu đường xó chợ như vậy, thật khiến người ta cảm thấyquá ư nực cười.
Đại hòa thượng nói:
- Khẩn trương bảo họ qua đi...Ớ? Tên đang làm phép kia là đạo sĩ à?
Đại hòa thượng đang định phất tay ra hiệu cho đám đưa tang khiêng cỗ quan tài đi qua thì đột nhiên gã liếc mắt một cái, trông thấy hai tên tiểu đạo sĩ thì không khỏi tò mò, bèn lớn tiếng hỏi.
Tên hòa thượng bên cạnh nói:
- Sư phụ đúng là có con mắt tinh đời, đó chính là hai tiểu đạo sĩ.
Đại hòa thượng áo đỏ cười mắng:
- Tinh cái con bà người ấy! Bọn chúng mặc Đạo bào, ta lại đâu có mù, sao mà không nhìn ra được?
Dứt lời, gã nhảy phắt xuống khỏi yên ngựa, động tác cực kỳ mạnh mẽ dứt khoát.
Đại hòa thượng không chút kiêng nể xông thẳng vào đám người đưa tang, nhìn chằm chằm hai tiểu đạo sĩ kia từ trên xuống dưới đánh giá một lượt rồi mới cao giọng hỏi:
- Chỉ có hai tiểu tử các ngươi làm phép thôi sao? Sư phụ các ngươi đâu rồi?
Lúc này, một vị trưởng bối Dương gia muốn tiến ra lên tiếng trách thì một người đứng cạnh ngay lập tức giữ lão lại, cúi đầu thì thầm vài câu, lập tức mặt lão biến sắc, bất giác lùi lại mấy bước. Dương Phàm và Mã Kiều đứng một bên trông thấy cảnh này rất rõ ràng, càng thêm tò mò về thân phận của đại hòa thượng kia.
Dương Phàm đánh giá kĩ càng gã hòa thượng này một lượt, gã tầm hơn ba mươi tuổi, dáng người cao to tráng kiện, diện mạo anh tuấn, mắt rậm mày ngài, mũi cao miệng rộng, chiếc áo cà sa lệch chéo một bên để lộ ra thân thể vạm vỡ cường tráng, cơ bụng và cơ ngực rắn chắc, đẹp một cách khỏe khoắn, uy phong lẫm liệt tựa một kim cương võ tăng trong Thiếu Lâm tự vậy.
- Sư phụ của các ngươi đâu rồi, mau gọi lão ra đây!
Đại hòa thượng hai tay chống nạnh, quát lớn.
Lát sau, lão đạo sĩ đang nấp sau cỗ quan tài bị mấy tên tăng nhân áo xám lôi ra ngoài. Coi bộ lão đaọ sĩ này cũng rất thích khoe mẽ. Lão để râu, mình vận một bộ pháp phục màu vàng cam, đầu đội Ngũ lão quan, chân đi một đôi giày mũi nhọn bằng vải xanh, tay cầm Thất Tinh kiếm bằng đồng, cả người toát ra vẻ tự tại phiêu diêu mà vẫn rất mực tôn kính.
Mã Kiều thì thầm với Dương Phàm:
- Đại hòa thượng này là ai mà lão đạo sĩ kia lại có vẻ sợ gã đến vậy? Hay lão nợ nần gì gã chăng?
Dương Phàm lắc lắc đầu, nhưng kì thực trong lòng đã mơ hồ đoán được phần nào sự thể, khẽ cười nói:
- Huynh cứ theo dõi kĩ đi, e là sắp có kịch hay coi rồi!
Lão đạo sĩ kia tỏ vẻ vô cùng bối rối, thấy vạt áo Đại hòa thượng liền tiến lên thi lễ, miệng hô Đạo hiệu:
- Vô thượng Thái Ất thiên tôn, bần đạo Nhất Trọc, quán chủ Hoằng Thủ quan, bái kiến Hoài Nghĩa đại sư.
Người tu Đạo khi thi lễ thường thuận miệng xưng "Vô Thượng thiên tôn" hoặc "Vô thượng Thái Ất thiên tôn". Nếu gặp đám tín đồ đang có chuyện bất hạnh thì sẽ nói "Vô thượng Thái Ất độ ách thiên tôn" hoặc "Vô thượng Thái Ất cứu khổ thiên tôn". Những lời này được sử dụng tới cuối đời Thanh. Sau đó nhờ công lao của Bình Thư nên cải biến thành "Vô Lượng Thiên Tôn". Thực ra hai từ "Vô Lượng" này xuất xứ từ Phật giáo chứ không phải là từ dùng trong Đạo giáo. Đạo gia thường dùng từ "Thái thượng", "Tối thượng", "Vô thượng" để biểu đạt là đang nói tới đáng tối cao chí tôn.
Đại hòa thượng cười ha ha nói:
- Ngươi nhận ra ta sao?
Lão đạo nói:
- Tiết sư danh tiếng lẫy lừng, nổi tiếng khắp cả thành Lạc Dương, bần đạo sao có thể không nhận ra?
Hoài Nghĩa hòa thượng ngửa mặt lên trời cười ha hả, đắc ý hỏi:
- Lão đạo kia, đạo sĩ có thể làm phép siêu độ vong linh, vậy đám hòa thượng chúng ta cũng biết. Lão đạo sĩ ngươi nói xem, là hòa thượng chúng ta làm phép giỏi hơn hay đạo sĩ các người thuật pháp cao minh hơn?
- Cái này... Cái này
Lão đạo sĩ Nhất Trọc nghe hỏi vậy thì vô cùng khó xử, lão biết thân phận thực sự của tay hòa thượng này nên không dám đắc tội với gã, nhưng nếu gã đã hỏi như vậy thì không chỉ còn là chuyện cá nhân hai người nữa mà đã có liên quan tới sự tranh chấp giữa hai bên Phật- Đạo rồi.
Từ khi Đại Đường khai quốc tới nay, Đường Cao Tổ Lý Uyên tôn Lão tử làm thuỷ tổ, tự xưng mình là hậu duệ, phong Đạo giáo làm quốc giáo, lấy Đạo giáo làm tín ngưỡng trong cả nước. Ngài hạ thánh chỉ, trong tam giáo thì Đạo giáo là cao nhất, Nho giáo thứ hai, Phật giáo đứng cuối cùng. Càn Phong (niên hiệu của Đường Cao Tông Lí Trị, ông dùng niên hiệu này hai năm) năm thứ nhất, Đường Cao Tông Lý Trị càng tôn sùng Đạo giáo, phong Lão Tử (người sáng lập ra Đạo giáo) làm "Thái thượng huyền nguyên Hoàng đế".
Sau khi Đường Cao Tông mắc bệnh băng hà, Võ hậu lên nhiếp chính thì Đạo giáo và Lý Đường trở thành một thể. Để xây dựng lực lượng của mình, Võ hậu liền ra sức lôi kéo Phật giáo, một lòng tin sùng Phật, từ đó địa vị Phật giáo ngày càng tăng, trỏe thành nỗi uy hiếp lớn đối với vị trí quốc giáo của Đạo giáo. Lúc này đây, Đại hòa thượng đặt ra câu hỏi như vậy thì mặc dù lão đạo sĩ rất sợ gã nhưng vẫn quyết không nhượng bộ.
Nhất Trọc đạo trưởng ngẫm nghĩ một chút, giọng kiên quyết:
- Cái này... cũng không nên đem ra so sánh mà làm gì, Phật - Đạo mỗi bên đều có sở trường riêng cả.
Hoài Nghĩa hòa thượng nhíu mày, cười tà mị:
- Hử? Phật giáo ta siêu độ vong linh, hầu hết là lễ Phật tụng kinh, thay vong linh giải trừ nghiệp chướng, dựa vào Phật lực cứu độ người chết tới cõi Niết bàn, thoát khỏi bể khổ của khiếp sinh tử luân hồi tam giới lục đạo để tới cõi Tây Thiên cực lạc, chẳng hay Đạo gia các người siêu độ vong linh như thế nào?
Nhất Trọc đạo trưởng nói:
- Đạo gia chúng ta siêu độ vong linh, hầu hết đều dùng đạo thuật để khai lộ đạo trưởng, liên đăng đạo trưởng, bạt thương đạo trưởng, điền khố đạo trưởng, công đức đạo trưởng tụng niệm xin Thái Ất cứu khổ thiên tôn siêu độ vong linh cho người đã khuất tới cõi Đông Phương Trường Lạc.
Hoài Nghĩa hòa thượng nói:
- Giới cực lạc của Phật gia ta là ở hướng Tây - một cõi trang nghiêm, thanh tịnh, bình đẳng mà Phật A Di Đà đã xây dựng. Tây Thiên cực lạc cao hai mươi tám tầng, có Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát siêu độ vong linh. Hồn người được siêu độ để hồi sinh đều ngụ trong hoa sen trong Thất Bảo trì (ao), sau đó sẽ hóa thành A La Hán. Đông Phương Trường Lạc của các ngươi thì sao?
Nhất Trọc đạo trưởng thấy cứ tiếp tục giảng đạo lí với gã hòa thượng này cũng chẳng được tác dụng gì. Nhưng đã tới nước này thì không thể không tranh luận, đành bất đắc dĩ nói:
- Đạo gia ta có trường sinh cực lạc Niết bàn, cao ba mươi sáu tầng, chuyên cứu độ sinh tử, là pháp môn cho những linh hồn đang mong muốn được hồi sinh.
- Hử?
Hoài Nghĩa hòa thượng gãi gãi đầu trọc của gã, tự lẩm bẩm:
- Sao lại nhiều hơn Tây Thiên cực lạc của ta tới tận tám tầng? À, cõi phương Tây vô lượng chúng ta, một vùng đất Phật đã là ba nghìn thế giới rồi, cho nên hai mươi tám tầng của chúng ta vẫn nhiều hơn ba mươi sáu tầng của các người.
Nhất Trọc đạo trưởng thấy gã lí sự cùn như vậy, cười khổ nói:
- Bần đạo chưa từng đi qua cõi Trường Lạc, lời của Hoài Nghĩa đại sư thực sự không có cách nào xác minh được.
Hoài Nghĩa hòa thượng thấy lão không dám cãi lại, dương dương đắc ý, nói:
- Chư phật Bồ Tát của Phật gia ta thần thông quảng đại, không bị rơi vào lục đạo luân hồi. Đạo gia nhà ngươi cao nhất chẳng qua cũng chỉ là tiên, bản lĩnh đương nhiên còn xa mới bằng Bồ Tát Phật gia ta rồi.
Nhất Trọc đạo sĩ nghe vậy thì trong lòng vô cùng tức tối, lấy hết dũng khí nói:
- Các vị tiên nhân trong Đạo gia chúng ta bất luận Tiên Thiên hay Hậu Thiên, đã tu thành tiên thì đều đạt tới tiêu dao du cảnh, không chịu hạn chế của ngoại vật, nghiệp lực thì càng không cần phải nói, sớm đã không phải chịu kiếp luân hồi rồi. Còn Phật giáo, theo bần đạo được biết, trong Phật giáo cổ điển thì không hề nhắc tới lục đạo, đây chỉ là Phật giáo sau khi truyền tới đông thổ mà thôi, ha ha...
Hoài Nghĩa hòa thượng giận tím mặt, nói:
- Nực cười! Ý ngươi là Phật giáo ta ăn cắp giáo lí Đạo giáo nhà ngươi, mở rộng ngũ đạo thành lục đạo, tự nâng giá trị con người lên, đúng không?
Nhất Trọc đạo trưởng thấy gã có vẻ giận dữ như vậy trong lòng cả kinh, đành nén giận mà nói:
- Tiết sư đã hiểu lầm rồi, hoặc là... hoặc là bần đạo giải thích có gì sai sót chăng...
Chương 84:Tiết Hoài Nghĩa ta!
Cuộc so bì cao thấp giữa Phật giáo và Đạo giáo của Đại hòa thượng Hoài Nghĩa và Nhất Trọc đạo nhân làm đám người đưa tang phải dừng lại tại chỗ không thể di chuyển được. Quan tài vẫn chưa được hạ huyệt, đám thanh niên trai tráng có nhiệm vụ khiêng kiệu ban đầu thì còn chịu được, lúc sau thì kẻ nào kẻ nấy uể oải mệt mõi rã rời. Trong lúc mọi người đang bàn tán xôn xao thì thân phận của Hoài Nghĩa đại sư tự nhiên cũng đã được tiết lộ ra, bởi vậy nên bọn họ chẳng ai dám tiến lên trước tranh cãi hay ho he tiếng nào.
Vị này Hoài Nghĩa hòa thượng là "nửa đường" xuất gia, vốn cũng là loại dốt nát bất tài, chỉ là vì làm hòa thượng lâu rồi nên mưa dầm thấm đất, những giáo lí Phật giáo gã cũng coi như nắm được chút ít. Nhưng khi bắt gã đấu lí với Nhất Trọc đạo nhân này thì đương nhiên không thể đấu lại với người ta rồi. Giờ Nhất Trọc đạo nhân đang yếu thế, biết lão Nhất Trọc đạo nhân kia sợ uy danh của mình nên gã càng được thể lấn tới, chẳng thèm giảng giải kinh nghĩa gì nữa mà giở giọng cả vú lấp miệng em, lớn tiếng hỏi:
- Lão đạo, vậy ngươi nói xem, ông nội Như Lai và ông nội lão Quân, ai lợi hại hơn?
Hòa thượng này đến chút lịch sự tối thiểu cũng chẳng có, lời lẽ chẳng ra thể thống gì, đến Như Lai Phật tổ mà gã cũng dám gọi là "ông nội". Tuy là gã đã hạ thấp giá trị của Đạo giáo nhưng cũng may gã vẫn không dám quá mức vô lễ với Đấng đạo giáo chí tôn - Thái thượng lão quân, nên vẫn gọi ngài là "ông nội".
Nhất Trọc đạo nhân nghe vậy thì không biết nên khóc hay cười nữa, khi đó Phật giáo và Đạo giáo thần tiên vẫn chưa bị những cuốn tiểu thuyết làm cho lẫn lộn với nhau. Trong Đạo giáo thần thoại hoàn toàn không có chư phật Bồ Tát; cũng như trong kinh Phật không xuất hiện những người tu hành được gọi là thần tiên. Vậy thì bắt Nhất Trọc đạo nhân so sánh thì khác nào đúng là làm khó cho lão?
Nhất Trọc đạo nhân ấp a ấp úng mãi không trả lời được. Hoài Nghĩa hòa thượng dương dương đắc ý nói:
- Xem bộ dạng của ngươi là thừa nhận ông nội Như Lai lợi hại hơn so với nội rồi lão Quân rồi?
Lúc này những người đi đường vây lại xem náo nhiệt càng lúc càng đông. Nhất Trọc đạo nhân thấy nếu cứ tiếp tục tranh cãi thế này, cuối cùng người chịu mất mặt không ai khác chính là mình. Lão thực sự không muốn đôi co thêm với tay hòa thượng ngang ngạnh hống hách kia nữa, thôi thì cứ nịnh gã một câu cũng chẳng chết ai, nghĩ vậy, lão đành cắn răng đáp:
- Ngẫm ra thì đúng như lời đại sư nói, Như Lai có pháp lực lợi hại hơn lão Quân một chút.
Hoài Nghĩa hòa thượng cười ha hả, nói:
- Nếu ông nội Như Lai lợi hại hơn ông nội lão Quân, vậy thì ngươi còn bái Thiên Tôn thiên tiếc làm quái gì nữa, chi bằng gia nhập quách Phật gia ta, lễ bái Phật tổ đi.
- Hả?
Nhất Trọc đạo nhân kinh hãi nói:
- Vậy sao được? Phật là Phật, Đạo là Đạo, bần đạo là đệ tử Đạo gia, sao có thể quy y cửa Phật được?
Hoài Nghĩa hòa thượng giơ bàn tay hộ pháp của gã chặn lời:
- Cái gì mà Phật gia với Đạo gia, nếu ông nội lão Quân không bằng ông nội Như Lai, vậy thì mời ông nội Như Lai ngồi trên chiếc ghế cao nhất, ông nội lão Quân ngồi ở ghế thứ hai, Phật Đạo một nhà, tất cả đều vui vẻ! Bản đại sư hôm nay muốn thu nhận ngươi làm đệ tử, người đâu, giúp đồ đệ của ta quy y.
Lập tức mấy tên hòa thượng bước ra áp chế Nhất Trọc đạo nhân, cướp lấy Thất Tinh bảo kiếm của lão, lột bỏ Ngũ Nhạc đạo quan, pháp bào màu vàng cam của lão. Đi đường mà "đồ nghề" quy y chúng mang không sót thứ gì, ngay lập tức đã có hòa thượng cầm dao cạo tới. Hoài Nghĩa Đại hòa thượng tự tay chấp đao, giúp Nhất Trọc đạo trưởng quy y cửa Phật.
Chỉ trong chốc lát, Nhất Trọc đạo nhân mang trong mình cốt cách thần tiên bỗng chốc trở thành một lão sa di ( hòa thượng mới xuất gia) trọc lốc. Vì lão vừa mới nhập môn nên vẫn chưa được đốt ba nốt hương trên đầu.
Cảnh tượng này không chỉ khiến cho người đi đường tất thảy đều trợn mắt há hốc mồm mà ngay cả đám người đưa tang cũng phải cứng họng. Tuyết Liên cô nương vẫn còn nhỏ, tận mắt trông thấy Nhất Trọc đạo nhân vừa ban nãy chân còn giẫm Thất Tinh Bộ, tay múa Thất Tinh kiếm, vậy mà chỉ trong nháy mắt đã trở thành một hòa thượng đầu nhẵn thín, thì không kìm nổi mà bật cười khúc khích.
Lúc này hai bên đường có không biết bao nhiêu người đang cười trộm. Hoài Nghĩa hòa thượng lại lệnh cho một hòa thượng mang một bộ áo bào tăng nhân tới thay cho Nhất Trọc đạo nhân. Lúc này hai tiểu đồ đệ của Nhất Trọc đạo nhân cũng bị đè xuống, bị đám hòa thượng xúm vào cạo tóc chúng, vậy là lập tức lại có thêm hai tiểu sa di nữa.
Hoài Nghĩa hòa thượng lúc bấy giờ mới hài lòng nói:
- Ừm, như vậy nhìn thuận mắt hơn đó. Các ngươi tiếp tục làm phép đi, chớ làm trễ giờ cho người chết xuống mồ nữa. Hoằng Nhất, Hoằng Lục, hai người các ngươi đi theo chúng, chờ bọn chúng cúng bái hành lễ xong xuôi thì dẫn chúng về chùa Bạch Mã gặp ta, từ nay về sau bọn họ chính là người của chùa Bạch Mã ta rồi. Ha ha ha ha...
Hoài Nghĩa hòa thượng vừa cất tiếng cười lớn vừa phi thân nhảy phắt lên tuấn mã, quất ngựa một cái rồi phi thẳng qua đoàn người đang đưa tang.
Hoằng Nhất, Hoằng Lục - hai hòa thượng áo bào xanh chắp tay nói với Nhất Trọc đạo...à... Nhất Trọc hòa thượng, tỏ vẻ thương cảm, nói:
- Đi đi, dù gì ngươi cũng đã nhận tiền của nhà người ta rồi thì phải lo liệu cho xong hậu sự cho nhà người ta đi, bỏ dở giữa chừng như vậy là làm tổn hại tới thanh danh của chùa Bạch Mã ta đó.
Nhất Trọc đạo trưởng khóc không ra nước mắt, từ nhỏ lão đã đã xuất gia, cả đời làm đạo sĩ, giờ bỗng dưng lại trở thành hòa thượng, lão cảm thấy xấu hổ nhục nhã ê chề, nhưng chẳng còn cách nào khác, đành vung Thất Tinh bảo kiếm lên tiếp tục làm phép.
Hoằng Nhất hòa thượng nói:
- Ôi dào, ta đã nói rồi, ngươi còn mân mê Thất Tinh kiếm kia làm gì nữa, giờ ngươi đã là hòa thượng rồi!
Nhất Trọc lấy tay áo che mặt, thấp giọng nói với hắn:
- Hổ thẹn, bần đạo...
Hoằng Nhất bèn ngắt lời lão:
- Sư đệ! Chúng ta sư huynh đệ, hiện giờ tất cả có mười lăm người, ngươi mới nhập môn thì đứng thứ mười sáu. Chúng ta đều lấy chữ "Hoằng" làm tên đệm, ngươi là Hoằng Thập Lục, phải gọi chúng ta là sư huynh.
Nhất Trọc đạo trưởng gục đầu xuống, mắt ngân ngấn nước, ngượng ngùng nói:
- Sư huynh, bần... tăng, không biết niệm thần chú vãng sinh của Phật gia.
Hoằng Nhất day day mũi, hỏi gã hòa thượng bên cạnh:
- Hoằng Lục, đệ biết không?
Hoằng Lục nói:
- Biết cái rắm ấy!
Hoằng Nhất bèn vung tay lên nói:
- Được rồi được rồi, ngươi biết làm gì thì cứ làm cái đó đi, cúng bái hành lễ gì thì làm nhanh lên cái rồi theo chúng ta đi gặp sư phụ.
Nhất Trọc đạo nhân chẳng còn cách nào khác, đành tiếp tục cúng bái hành lễ.
Vậy là một lão hòa thượng trọc đầu mặc quần áo tăng màu xám, chân giẫm Thất Tinh Bộ, tay khua Thất Tinh kiếm, miệng lẩm nhẩm:
- Tu hành tam cảnh từ bi chủ, đạo kinh sư bảo Đại Thiên Tôn, ánh sáng mang điềm lành chiếu xuống la phong, dẫn lối cho người đã khuất lên được tới bờ, xe mây đã xuống, hạc đã bay tới, pháp hội mở rộng, Bát Quái lên cao...
Người qua đường ai nấy đều không khỏi kinh ngạc. Mấy tay hòa thượng miệng đọc lời siêu độ vong linh của Đạo gia, dẫn đoàn đưa tang bước dọc theo đường Kiến Xuân hướng về Kiến Xuân Môn...
Ven đường có những người vẫn chưa biết thân phận của Đại hòa thượng kia, không khỏi cảm thấy kỳ lạ, bèn lên tiếng hỏi. Tiếng một người nói:
- Đại hòa thượng kia là ai? Sao lại hống hách như vậy? Đồ đệ của hắn đông, coi bộ tên nào tên nấy đều chẳng lấy gì làm tốt đẹp, lão đạo kia sợ phải chịu thiệt nên nhẫn nhịn là phải, nhưng đám đưa tang Dương lang trung kia sao lại cũng chịu nén giận nhẫn nhịn như vậy?
- Ây da, ngươi thật đúng là kiến thức nông cạn...! Ngươi không nghe thấy lão đạo kia gọi Đại hòa thượng kia là Hoài Nghĩa đại sư hay sao? Ngươi không có nghe Đại hòa thượng kia nói hắn đến từ chùa Bạch Mã ư? Ngươi nói xem hắn có lai lịch như thế nào, hả?!!
- Ai ya, Chẳng lẽ... hòa thượng kia chính là Tiết Hoài Nghĩa hay sao?
- Xuỵt! Tên của người ta mà ngươi có thể tùy tiện lôi ra gọi như vậy sao? Người ta là nhân vật như thế nào, đến cháu họ Thiên Hậu là Võ Thừa Tự, Võ Tam Tư thấy hắn còn phải cung kính gọi một tiếng Tiết sư, đừng nói Dương lang trung chết rồi, cho dù ông ta còn sống thì cũng không dám khoa tay múa chân trước mặt người này đâu.
Mọi người cứ thế bàn tán xôn xao, sự tích về chủ trì chùa Bạch Mã cũng được tiết lộ ra ngoài.
Hoá ra, vị Đại hòa thượng này tục gia (tăng ni gọi nhà bố mẹ) họ Tiết, pháp hiệu là Hoài Nghĩa, tên thật là Phùng Tiểu Bảo, nguyên là một gã bán thuốc ở Lạc Dương. Gã lăn lộn trong giang hồ, nhờ có dung mạo anh tuấn, thân hình tráng kiện khỏe mạnh mà sau đó đã trở thành "người tình" của Võ Tắc Thiên.
Võ Tắc Thiên có được một Phùng Tiểu Bảo trẻ trung cường tráng như vậy thì vừa ý lắm, nhưng một gã đàn ông tráng kiện đi lại trong cung thì nhất định sẽ gây chuyện thi phi. Hoàng tộc Lý Đường không theo Đạo thì theo Phật; cao tăng, chân nhân hai giới Phật Đạo xuất nhập cung đình là chuyện rất bình thường, vậy là Võ Tắc Thiên bèn lợi dụng điều này, cho gã cao đầu xuất gia để che mắt thiên hạ.
Võ Tắc Thiên vừa hạ chỉ, lập tức Phùng Tiểu Bảo trở thành chủ trì chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Võ Tắc Thiên vốn cực kỳ coi trọng dòng dõi, Võ gia của bà ta vốn là quý tộc ở Quan Lũng, vì yêu thích Phùng Tiểu Bảo, lại sợ gã xuất thân thấp kém bị người đời khinh miệt nên bà đã nghĩ ra một biện pháp, đó là cho gã đổi tên thành Tiết Hoài Nghĩa. Vậy là gã nghiễm nhiên có quan hệ thân thích với phò mã của Thái Bình công chúa là Tiết Thiệu, Tiết Thiệu phải gọi gã một tiếng thúc phụ.
Này Tiết Hoài Nghĩa không chỉ thỏa mãn dục vọng của Võ hậu khi ở trên giường mà gã còn giúp bà ta làm một vài chuyện đại sự. Một trong đó chính là tu bổ "Minh đường".
" Minh đường" là nơi Nho gia kinh điển ghi chép lại thiên tử bố chính. Cải tạo tu bổ " Minh đường" đối Võ Tắc Thiên mà nói không chỉ đơn thuần là một tòa nhà mà trong đó còn chứa đựng chính trị ý nghĩa sâu sắc. Công trình khổng lồ này chính là do Tiết Hoài Nghĩa thiết kế, giám sát thi công. Đương nhiên, thiết kế cụ thể tất nhiên đã có thợ thủ công chuyên môn đảm nhiệm, nhưng không thể không công nhận rằng, Tiết Hoài Nghĩa mặc dù ngu dốt nhưng trong đầu gã lại tiềm ẩn đầy những ý tưởng rất kì diệu.
Tòa "Minh đường" này được thiết kế rất rộng lớn và tráng lệ, khí thế bất phàm, cao khoảng ba mươi tầng lầu, trở thành một hệ thống cung điện khổng lồ nhất Trung Nguyên từ trước tới nay. Một tòa kiến trúc khổng lồ như vậy mà Tiết Hoài Nghĩa chỉ dùng không đến thời gian một năm đã hoàn thành. Đặc biệt hơn, phía sau Minh đường, gã còn cho xây dựng thêm một tòa "Thiên đường" rất cao nữa.
"Thiên đường" rộng bao nhiêu, cao bao nhiêu?"Thiên đường" có tổng cộng năm tầng, khi xây dựng đến tầng thứ ba thì đã cao hơn Minh đường rồi. Trong "Thiên đường" có một bức tượng Phật rất lớn, được chế tạo theo dung mạo của Võ Tắc Thiên. Một ngón tay út bức tượng phật này thôi cũng chứa đủ mấy chục người đứng trên đó rồi.
Rất nhiều độc giả có lẽ ở đã từng được chiêm ngưỡng thần thái của bức tượng phật đó trong bộ phim " Địch Nhân Kiệt chi thông Thiên đế quốc ". Mà bức tượng khổng lồ như vậy lại được đặt trong "Thiên đường", vậy thì tòa "Thiên đường" này phải rộng lớn đến như thế nào.
Gần đây, Tiết Hoài Nghĩa uy phong ngút trời, bởi vì đầu năm Võ Tắc Thiên bổ nhiệm gã làm Tân Bình đạo hạnh quân Đại tổng quản thảo phạt Đột Quyết. Tiết Hoài Nghĩa chỉ là một tay bán thuốc giang hồ, những tướng lĩnh dưới trướng gã kia cũng không phải là kẻ ăn không ngồi rồi. Người Đột Quyết nghe nói quân Đường khí thế bừng bừng liền rút về phòng thủ chứ không nghênh chiến.
Tiết Hoài Nghĩa rất muốn quyết một trận sống mái với quân Đột Quyết, vậy là gã đã ở trên thảo nguyên lang thang mấy tháng ròng nhưng vẫn không thấy tăm hơi quân địch đâu, đành bất đắc dĩ "Chiến thắng trở về". Võ Tắc Thiên vì công lao này mà lại phong cho gã là Nhị phẩm phụ quốc Đại tướng quân, vậy là gã lại càng trở nên hống hách kiêu ngạo.
Nhưng có lẽ là bởi Võ hậu gần đây quốc vụ bận rộn nên rất lâu rồi không cho gọi gã tiến cung thị tẩm. Phùng Tiểu Bảo chuyện gì cũng dám làm, duy chỉ có không dám "cắm sừng" Võ Tắc Thiên mà thôi. Một gã vô công rồi nghề như gã thì còn biết làm gì nữa đây? Vậy là gã đành phải s gọi lũ anh em lưu manh của gã tới chùa Bạch Mã cạo đầu làm sư, ngày nào cũng rượu thịt ê chề.
Bản thân gã làm hòa thượng nên nhìn thấy người khác để tóc là không chịu nổi. Nhưng lại không thể bắt cả ngàn dân chúng Lạc Dương đem đi cạo đầu hết được nên gã đành phải lấy lão đạo sĩ kia ra để xả giận.
Đương nhiên, hành động này của Tiết Hoài Nghĩa cũng có thâm ý khác, nhìn gã có vẻ cục mịch thô lỗ thực ra cũng là người cực kì thông minh. Biết Đạo gia và hoàng tộc Lý Đường có quan hệ chặt chẽ, mà Võ hậu lại muốn cải tổ lại Lý Đường, nên cần phải tôn Phật áp Đạo, gã làm như vậy cũng là giúp cho Võ Tắc Thiên gây dựng thanh thế.
Bởi vậy nên từ lúc trở về Lạc Dương, ngày nào gã cũng cưỡi ngựa rong ruổi khắp nơi, hễ thấy đạo sĩ là gã sẽ chộp ngay lấy bắt cạo đầu làm hòa thượng. Tin tức này đã dần được truyền ra, quán chủ Hoằng Thủ quan Nhất Trọc đạo nhân đã nghe nói tới chuyện này, bởi vậy nên ban nãy khi vừa trông thấy gã, lão đã lập tức trốn chạy theo bản năng, nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay gã.
Dương Phàm và Mã Kiều theo đám người xem náo nhiệt đi vào trong phường. Trên đường nghe thấy đám dân chúng đang thi nhau bàn tán về chuyện có liên quan đến Tiết Hoài Nghĩa, Dương Phàm có lẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng sau này hắn sẽ có qua lại với Đại hòa thượng này, bởi vậy nên bây giờ thì Dương Phàm tạm thời cũng không mấy để tâm tới gã. Hiện giờ điều hắn quan tâm duy nhất đó chính là tung tích của Miêu Thần Khách kia.
Chương 85: Gã tiều tụy mặc áo bào xanh
Mưa thu kéo dài như bất tận.
Có câu nói, mưa xuân như ân chiếu (chiếu lệnh của hoàng đế), mưa hạ tựa xá thư (giấy xá tội), mưa thu như vãn ca (bài phúng điếu).
Cơn mưa mùa thu thường gợi cho con người ta có một cảm giác bi ai não nề đến lạ lùng.
Trận mưa thu này từ sáng sớm đã bắt đầu tí tách rơi, qua buổi trưa vẫn không thấy ngớt, ý thu tràn đầy, cả trời đất nhân gian đắm chìm trong cảnh tiêu điều mà thê lương.
Trong phường Quy Đức, một người mặc áo bào màu xanh nhạt, tay cầm một cây dù một mình bước đi trên con đường dài lầy lội.
Phường Quy Đức nằm ở phía nam thành Lạc Dương, bên cạnh Trường Hạ Môn. Dân cư góc đông nam Lạc Dương và Trường Hạ Môn, Định Đỉnh Môn... của Quách thành tương đối ít, bởi nơi này cách trung tâm thành phố phồn hoa quá xa, bởi vậy nên khu vực này là cả một rừng cây vô cùng đìu hiu trống trải. Tuy rằng cũng nằm trong thành nhưng chưa từng được khai thác bao giờ nên các loại dã thú vô cùng phát triển.
Bởi vậy nên nơi này cũng trở thành một nơi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Đông Đô. Những văn nhân mặc khách ưa thích sự tĩnh lặng và một bộ phận quan thất tham tiền, muốn thuê một chỗ ở rẻ đều chọn nơi đây làm chốn để lưu lại.
Người cầm dù bước ra khỏi con ngõ nhỏ, trước mặt lão hiện ra một rừng cây bốn bề lặng lẽ, lá cây được mưa dội cho sáng bóng hẳn lên. Cả rừng cây tràn đầy vẻ u tịnh, mưa phùn phiêu phiêu, trong rừng mơ hồ hiện ra một góc mái nhà cong cong màu đỏ. Lão giẫm chân lên thảm cỏ xanh rì để bước tới, và khi sương sớm làm ướt hẳn mu bàn chân của lão thì một tòa lầu nhỏ đã hiện ra trước mắt.
Căn lầu nhỏ được dựng lên tựa vào sườn núi, xung quanh có cây rừng bao quanh, cảnh tượng vô cùng u nhã, thanh bình. Trước lầu không xây "Kỳ vọng" mà chỉ có một lá cờ, bên trên ghi một chữ "Tửu", đang phơ phất tung bay trong làn mưa. Đây đích thị là một quán rượu.
Người cầm ô lập tức hướng bước tới chỗ tiệm rượu.
Từng giọt nước lăn trên mái hiên, lão thu ô lại. Khuôn mặt lão lúc này cũng hiện ra một cách rõ ràng. Người này tầm trên dưới năm mươi tuổi, trên mặt dày đặc những nếp nhăn, đôi lông mày đầu rậm đuôi thưa, hai gò má hóp lại toát lên vẻ khắc khổ gầy yếu.
Lão ngẩng đầu nhìn khoảng không gian đang mờ mịt trong màn mưa, khẽ thở dài một tiếng, giũ giũ chiếc dù trong tay rồi đẩy cánh cửa trúc của tiệm rượu để bước vào. Trong tửu lầu vô cùng yên tĩnh. Trong thời tiết mưa gió thế này, nơi náo nhiệt nhất là trung tâm thành phố mà người đi lại còn ít, huống chi là một nơi vốn u tĩnh như thế này.
Những vị khách trong quán rượu không biết đang say rượu hay say mình trong cơn mưa, mơ mơ màng màng nửa tỉnh nửa mê. Đám tiểu nhị cũng chẳng biết chạy đi đâu hết, trong quán chỉ còn một lão trưởng quầy ngồi sau quầy rượu, đang chống cằm lên ngủ gật. Vị khách đẩy cửa bước vào, một trận gió thu cũng theo đó thổi vào, làm xao động những thẻ rượu và thẻ đồ ăn đang được treo đầy trên quầy rượu.
Những thẻ rượu và thẻ đồ ăn đều được làm bằng trúc, bị gió thổi qua thì va vào nhau phát ra những tiếng đinh đinh đang đang, khiến cho lão chưởng quầy bỗng giật mình tỉnh giấc.
Vị khách mới tới không gọi lão mà chỉ đảo mắt tứ phía một lượt, phát hiện thấy trong một góc của tiệm rượu, tại chỗ sát gần cửa sổ có một người đang ngồi. Người đó thấy lão tiến vào liền vẫy vẫy tay với lão, lão bèn bước tới.
Bên ngoài cửa sổ, những cây cỏ dại đã mọc cao quá đầu người. Tuy đã là cuối thu nhưng đám cỏ dại ấy vẫn chẳng có vẻ gì là sắp tàn úa, ngược lại còn khỏe mạnh tươi tốt đến lạ thường. Từng giọt mưa rơi xuống khung cửa sổ, tạo ra những tiếng tí tách tí tách, rồi lại rơi xuống thân những cây cỏ dại kia. Một cơn gió bất ngờ thổi tới làm tay áo của vị khách đang uống rượu kia khẽ bay lên.
Vị khách đang uống rượu trên đầu thắt một chiếc khăn lụa, mình vận một bộ lĩnh bào màu vàng, dưới cằm là một chòm râu thưa thớt, sắc mặt đã trở nên vàng vọt đi theo tuổi tác, nhưng nếu nhìn kĩ lại thì sẽ thấy thực ra y cũng không hề lớn tuổi. Người trẻ tuổi mặc áo vàng kia đứng dậy chào vị khách mới tới, cười nói:
- Vưu huynh?
Lão già năm mươi tuổi khẽ vuốt cằm:
- Ta chính là Vưu Hạo Dương!
Gã trẻ tuổi áo vàng khẽ mỉm cười, chắp tay nói:
- Vưu huynh, xin mời ngồi.
Vưu Hạo Dương do dự liếc mắt sang hắn một cái, cởi giày ra rồi quỳ xuống ngồi bên cạnh bàn. Gã áo bào vàng cũng kéo vạt áo lên rồi chậm rãi ngồi xuống, tay phải nâng chén, tay trái đỡ dưới đáy hướng về phía lão, cung kính nói:
- Mưa thu lạnh lẽo. Vưu huynh, mời huynh uống trước một ly để xua tan đi hàn khí trên người rồi chúng ta từ từ trò chuyện.
Vưu Hạo Dương được Triệu Du – một kẻ chuyên nghề nghe ngóng trên giang hồ mời tới. Triệu Du đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, cuối cùng cũng đã tìm ra được một người có khả năng biết tung tích của Miêu Thần, Khách. Thế nhưng nếu muốn dò hỏi được tin tức của Miêu Thần Khách từ miệng người này thì không phải là điều dễ dàng, vậy là Triệu Du bèn sắp xếp để Dương Phàm gặp mặt trực tiếp với lão.
Dương Phàm liền cải trang để gặp mặt lão ở đây như đã hẹn
Kỳ thật chức quan của Vưu Hạo Dương cũng không cao, lão chỉ là một quan Đề lại bình thường trong Tiến Tấu Viện.
Tiến Tấu Viện tương đương với văn phòng của các tỉnh được thiết lập tại thủ đô ở đời sau, chuyên phụ trách việc giúp các quan lớn truyền đạt mệnh lệnh từ trên xuống dưới, rồi truyền đạt thông báo từ dưới lên trên. Các dinh thự được thiết lập tại kinh đô đều là của các chư hầu, họ dựng nên những tòa nhà như vậy, mục đích chính không phải là để thông báo tình hình nội hạt mà là để bất cứ lúc nào họ cũng có thể nắm được tình hình trong kinh thành.
Thời đại này giao thông vẫn còn chưa phát triển, tin tức không được nhanh nhạy như bây giờ. Các quan lớn của các địa phương chỉ có thể ngồi chờ tin tức có liên quan đến mình từ triều đình báo xuống, bọn họ đương nhiên phải bố trí những tai mắt trong kinh thành để bất cứ lúc nào cũng có thể nghe ngóng được nhất cử nhất động ở trong triều. Đám tai mắt này chẳng những thay bọn họ thăm dò tin tức trong triều mà đồng thời còn giống như chiếc cầu nối giúp họ xây dựng mối quan hệ với với những quý tộc trong kinh thành. Và những tai mắt ấy được gọi bằng một cái tên trịnh trọng hơn, đó là quan Đề lại.
Đề Lại thường là những quan sai có thân hình hộ pháp. Rất dễ hiểu, bởi các quan lại địa phương thì có thể lơ là một chút, chứ với đám Đề Lại này tuyệt đối không dám keo kiệt bủn xỉn. Bởi thế nên các quan Đề Lại đều béo núc ních. Tuy nhiên, việc gì cũng đều có ngoại lệ, Vưu Hạo Dương này cũng là một quan Đề lại, nhưng cuộc sống hiện tại của lão còn khổ hơn cả Hoàng Liên.
Bởi đen đủi thay, Vưu Hạo Dương lại là Đề lại trong phủ đô đốc Vu Điền đóng tại kinh thành - Tiến Tấu Viện.
Vu điền vốn là một quân trấn trực thuộc Đô Hộ Phủ An Tây.
Năm Trinh Quán thứ hai mươi, Ất Bì Xạ Quỹ Khả Hãn của Tây Đột Quyết xin cầu thân với Đại Đường, Lý Thế Dân đề xuất gã phải cắt năm nước là Quy Tư, Vu Điền, Sơ Lặc, Chu Câu Bà và Thông Lĩnh để làm sính lễ. Ất Bì Xạ Quỹ Khả Hãn bằng mặt không bằng lòng, bề ngoài tỏ ra đồng ý nhưng bên trong ngấm ngầm mưu tính ý đồ khác, sau khi kết thân xong lại trở mặt không chịu cắt nhường năm nước kia như đã giao ước. Đại Đường liền dùng quân đội cưỡng chế tiếp quản những địa phương này.
Phủ đô đốc Vu Điền chính là được thiết lập trong thời gian ấy, sau thời Trinh Quán, vì cục diện chính trị có sự biến đổi mạnh mẽ nên tứ trấn An Tây khi thì được giữ lại lúc lại bị bỏ đi, các cũng quân trấn có sự biến động. Năm Vĩnh Huy thứ nhất, Đường Cao Tông Lý Trị bỏ đi tứ trấn, Đô Hộ Phủ An Tây dời về Tây Châu. Năm Hiển Khánh thứ hai, Đại Đường bình định quân phiến loạn A Sử Na của Tây Đột Quyết. Đến năm sau thì tứ trấn lại được khôi phục.
Năm Hàm Hanh năm thứ nhất, Thổ Phồn chiếm Quy Tư, tứ trấn lại bị xóa bỏ. Điều Lộ năm thứ nhất, An Phủ Sứ Đại Đường là Bùi Hành Kiệm bình định Bặc Diên – nơi đám quân của đô đốc A Sử Na làm loạn và cho khôi phục lại tứ trấn. Ba năm sau, quân đội nhà Đường bị Thổ Phồn đánh bại, tứ trấn lại thất thủ, phủ đô đốc Vu Điền thiết lập ở kinh này lập tức cũng trở thành một đứa trẻ bị bỏ rơi.
Bọn họ là quan sai của phủ đô đốc đóng tại kinh thành nên không chịu sự quản lí trực tiếp của triều đình, bổng lộc cũng không được nhận của triều đình. Nhưng vấn đề bây giờ là phủ đô đốc này không biết có thể khôi phục lại được như trước nữa hay không, bởi bây giờ đâu còn ai bận tâm tới họ nữa. Vậy là hiện giờ, đám Đề lại này đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Một vài quan lại nhỏ có gia cảnh tương đối khá thì tạm thời cũng có thể dựa dẫm vào sự giúp đỡ từ trong nhà, còn như Vưu Hạo Dương, cả gia đình đều trông chờ cả vào lão, một khi trụ cột về kinh tế đã không còn nữa thì cả gia đình lập tức cũng rơi vào cảnh lao đao. Nếu không phải vì vậy thì lão tuyệt đối không bao giờ chấp nhận cuộc hẹn ngày hôm nay. Vưu Đề lại nhấp một chén rượu, nhẹ nhàng buông xuống, nhìn thẳng Dương Phàm nói:
- Lão đệ, ngươi muốn biết điều gì, giờ có thể nói rồi đó.
- Miêu Thần Khách!
Dương Phàm hơi nghiêng mình một chút, hai hàng lông mày nhướn lên, nhìn thẳng Vưu Đề lại, nói:
- Ta chỉ cần biết tung tích của Miêu Thần Khách.
Vưu Đề lại mặt thoáng biến sắc, chắp tay nói:
- Ngươi muốn biết tin tức của hắn ư? Vậy thất lễ, tại hạ xin cáo từ!
Vưu Đề lại đứng dậy toan bước đi, Dương Phàm liền rút ra một tay nải bằng vải màu xanh đặt lên trên bàn. Có tiếng "cạch cạch" phát ra từ trong tay nải, Vưu Đề lại đang định bước chân xuống xỏ giày, nghe vậy thì không khỏi tò mò liếc sang chiếc tay nải màu xanh kia. Tay nải này đúng là không nhỏ, lão bất giác nuốt nước miếng một cái.
Dương Phàm nói:
- Vưu huynh sợ cái gì chứ, ra từ miệng huynh rồi vào trong tai ta cơ mà.
Vưu Đề lại tỏ ra có chút do dự, Dương Phàm lại khẽ mỉm cười, nói: - Ra khỏi gian tửu lầu này, ai đi đường nấy, huynh không biết ta, ta không biết huynh, người khác lấy đâu bằng chứng nói huynh đã từng tiết lộ thông tin cho ta? Ha ha, Vưu huynh, cứ ngồi xuống nói chuyện cái đã.
Vưu Đề lại chần chừ lưỡng lự hồi lâu rồi mới ngồi xuống, nhắm mắt thở dài nói:
- Ôi, đúng là kẻ nghèo chí ngắn! Ngươi rốt cuộc muốn biết cái gì?
Dương Phàm hạ thấp giọng, nói:
- Ta chỉ muốn biết Miêu Thần Khách hiện đang ở đâu, hành tung ra sao thôi.
Vưu Đề lại bỗng mở mắt, yên lặng quan sát hắn một lúc lâu rồi mới chậm rãi cụp mi mắt xuống, nói:
- Ngươi tra hỏi tung tích của Miêu Thần Khách, là vì ân hay vì thù?
Dương Phàm nói:
- Bất kể là ân hay thù cũng không có liên quan gì đến Vưu huynh cả. Vưu huynh thấy nên biết hay không nên biết thì hơn?
Vưu Đề lại thở dài, mặt lão càng tỏ vẻ sầu khổ:
- Ta...cũng không biết tung tích của Miêu Thần Khách.
Dương Phàm chậm rãi ngồi thẳng dậy, giơ chiếc tay nải màu xanh lên nói:
- Ngồi bên cửa sổ nghe mưa, mưa rơi rả rích, ta lại nghe có một ý cảnh khác. Bàn rượu và thức ăn này, coi như là tiểu đệ tặng cho Vưu huynh, Vưu huynh cứ từ từ thưởng thức, tại hạ cáo từ!
Vưu Đề bất ngờ thốt lên:
- Nhưng ta biết ai biết tung tích của hắn! Hiện giờ chắc cũng chỉ có người này biết hắn đang ở đâu thôi. Nếu ngươi hỏi khác có lẽ họ cũng chẳng biết được đâu. Ta biết được việc này cũng là qua một chuyện rất tình cờ.
Dương Phàm hỏi:
- Người kia là ai?
Vưu Đề lại chậm rãi nói:
- Nếu ta tiết lộ ra...
Dương Phàm không nói gì, chỉ đẩy tay nải về phía trước.
Vưu Đề lại đưa tay ra giữ chặt tay nải, nói:
- Thượng Quan Đãi Chiếu!
Dương Phàm giật mình kinh hãi, gần như thất thanh nói:
- Thượng Quan Uyển Nhi?
Vưu Đề lại thoáng hiện ra ý cười, nói:
- Túc hạ còn muốn tiếp tục hỏi gì nữa?
Dương Phàm trầm ngâm một lúc lâu sau, sắc mặt trở nên thâm trầm, nói:
- Vưu huynh, huynh cố ý nói ra một nhân vật quyền cao chức trong cho xong đúng không?
Vưu Đề lại đáp:
- Những lời Vưu mỗ nói hoàn toàn là sự thật.
Dương Phàm cười lạnh nói:
- Miêu Thần Khách chẳng qua chỉ là một kẻ ghi chép biên soạn quốc sử, một học sĩ sáng tác văn học, đâu có phải nhân vật quan trọng gì mà tung tích của hắn chỉ có nhân vật số một trong mắt Thiên Hậu là Thượng Quan Đãi Chiếu biết?
Mặt Vưu Đề lại tỏ ra vẻ kì quái, nói:
- Miêu Thần Khách chỉ là một kẻ biên soạn lịch sử, một học sĩ văn học sáng tác? Ha ha, nhưng ngươi có biết, những cuốn sách mà này Miêu Thần Khách biên soạn là những sách gì hay không?
.