Người nói chuyện là Nhiễm Tổ Ung, một trong tam tư ngũ khuyển, hiện giờ đã làm quan tới Hình bộ thị lang. Hành động hòa thân của Thổ Phiên tất nhiên sẽ gây ra một cuộc đấu tranh nội bộ giữa các thế lực trong nội bộ Đại Chu, nhưng lập tức liền kích khởi sóng to gió lớn, lại có chút nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người.
Nguỵ Nguyên Trung liếc Nhiễm Tổ Ung một cái, ung dung nói:
- Nguỵ mỗ nói sai điều gì? Từ Văn Thành công chúa gả cho Thổ Phiên, hai nước mặc dù không phải ba mươi năm hoà bình, nhưng cũng có hai mươi hai năm không khởi qua binh đao.
Nhiễm Tổ Ung ngửa mặt lên trời cười ha hả, lãnh đạm nói:
- Lời của Nguỵ tướng tất nhiên không giả, nhưng hai mươi hai năm thái bình này lẽ nào là vì một người con gái sao?
Nhiễm Tổ Ung phất tay áo một cái, hướng về phái quần thần chậm rãi nói:
- Phi tử của Tùng Tán Can Bố không chỉ có Văn Thành. Hắn còn lấy công chúa Tượng Hùng quốc, hơn nữa em gái hắn còn gả cho Tượng Hùng Vương, kết quả ra sao? Năm Trinh Quán thứ 18, Tùng Tán Can Bố diệt Tượng Hùng Quốc, giết chết Tượng Hùng Vương!
Nguỵ Nguyên Trung đáp:
- Thế thì đã sao? Hắn cũng chưa từng xâm phạm Đại Đường!
Nhiễm Tổ Ung nói:
- Sai! Là không trực tiếp xâm nhập Đại Đường, chứ không phải không xâm phạm Đại Đường!
Nguỵ Nguyên Trung chau mày đáp:
- Lời này của Nhiễm Thị Lang là có ý gì?
Nhiễm Tổ Ung liếc mắt khinh thường, lạnh lùng cười đáp:
- Nguỵ tướng có dám nói với mọi người trong thiên hạ rằng xâm phạm nước phụ thuộc Đại Đường không tính là xâm phạm Đại Đường không?
Nguỵ Nguyên Trung đột nhiên nhớ ra điều gì, ngữ khí nhất thời cứng lại.
Nhiễm Tổ Ung nói:
- Sau khi Tùng Tán Can Bố hòa thân không giao binh với Đại Đường là vì Hầu Quân Tập đúng lúc này diệt Cao Xương Quốc. Đại Đường với giao hà trị an tây đô hộ phủ, đại quân đóng quân, cùng với Thổ Cốc Hồn hô ứng lẫn nhau, Thổ Phiên dám khai chiến với Đại Đường sao? Nhưng trong hai mươi hai năm này, Tùng Tán Can Bố đã làm gì?
Hắn trấn áp phản nghịch, chế định pháp luật, phong thưởng công thần, sáng tạo văn tự, thông qua việc hòa thân để xin rất nhiều thợ thủ công, nông thư, cải cách chính chế, quân chế, kinh lược phía Đông khang, an địa khu, hơn hai mươi nước phụ thuộc của Đại Đường ở khu vực Khang An chính là vào lúc nào bị Thổ Phiên dần dần nuốt gọn đấy.
Thổ Phiên chăm lo tốt việc nước hơn hai mươi năm. Khi nội chính bình ổn, quốc lực hùng hậu, liên phát binh diệt nốt hàng rào cuối cùng là Thổ Cốc Hồn giữa nước ta và Thổ Phiên. Thổ Cốc Hồn cũng là nước phụ thuộc của Đại Đường chúng ta! Bảy năm sau, Thổ Phiên giăng bẫy mười tám châu Tây Vực của chúng ta, tập kích cướp thành Quy Từ, đánh bại Tiết Nhân Quý, xâm lấn Kiếm Nam. Lại qua sáu năm nữa, tập kích cướp năm châu Thiện, Khuếch, Hà, Phương, Điệp.
Năm sau Thổ Phiên lại xâm nhập Phù Châu Trấn Lâm Hà của ta, bắt trấn tướng Đỗ Hiếu Thăng; tháng chín cùng năm đó lại lần nữa đánh bại Lý Kính Huyền thảo phạt trước đó, bắt được Công bộ Thượng thư tả vệ đại tướng quân Lưu Thẩm Lễ... Đủ loại như vậy, làm sao có thể nói là hoà bình. Muốn tìm thái bình từ việc cầu hôn công chúa, há chẳng phải là đơm đó ngọn tre, thực là si tâm vọng tưởng!
Tống Cảnh bước ra nói:
- Bệ hạ, hai nước phiên thân, lấy nước lớn gả con gái đi là phụ quốc, nước làm rể là tử quốc, thiên cương luân cường này không thể nghi ngờ. Hai nước hòa thân, nhỏ thì vệ cảnh an dân, không làm tổn hại đến hoà khí hai nước, lớn thì tránh việc binh đao, không làm tổn hao căn cơ quốc gia. Lấy một nữ nhi ra để thắng phụ ngàn quân, hà cớ gì mà không làm? Năm trước nếu không có việc hòa thân này, giữa hai nước Đường Tây không thể có hai mươi hai năm hoà bình được.
Chu Lợi Dụng bước ra nói:
- Thiên triều thượng quốc chúng ta tuy ý muốn lấy đức phục dân, nhưng man bang lòng lang dạ sói, không có vũ lực lớn mạnh để trông cậy thì khó cầu an bình. Năm đó nếu không hòa thân, Thổ Phiên cũng không chắc dám đánh, nếu Thổ Phiên dám đánh, với tình hình Thổ Phiên lúc đó chỉ e đánh một trận đã bị nguyên khí đại thương. Hơn hai mươi nước phụ thuộc Tây phiên của trung thổ chúng ta cũng không bị bọn chúng dần nuốt gọn, để Thổ Phiên có bản đồ rộng lớn như hôm nay, dưỡng lự vi hoạn!
Hai bên lý luận đều có điển tự dẫn kinh, bác bỏ lẫn nhau, một bước cũng không nhường. Điện phủ huy hoàng bỗng nhiên trở thành nơi cho hai bên khoe khoang lời lẽ, ngày càng nhiều người tham gia vào cuộc chiến, nhưng trước sau vẫn không có ai thuyết phục được đối phương. Thấy thời gian đã đến chính ngọ, Võ Tắc Thiên ngồi triều lâu, tinh lực sớm đã cạn, không kiên nhẫn phân phó:
- Việc này bàn bạc sau. Bãi triều!
Cả sảnh đường huyên náo lập tức dùng lại. Chúng thần hướng lên điện khom người thi lễ, cung tiễn Võ Tắc Thiên bãi triều.
Võ Tắc Thiên nhanh chóng rời khỏi Minh Đường. Đương nhiệm Cung uý Cát Húc đợi ở bên. Võ Tắc Thiên ngồi trên liễn, lắc đầu thở dài với Cát Húc ở bên cạnh:
- Cả triều thần công, ai cũng có cơ tâm, lại còn thiên vị, miệng thì nói đại nghĩa, khi nào bọn họ mới có thể vứt bỏ hết tư tâm, một lòng vì nước đây?
Cát Húc tuy đã từng bị giáng chức quan một lần, nhưng vẫn giữ tính cũ dám nói, nghe Võ Tắc Thiên cảm than xong, Cát Húc thẳng thắn đáp:
- Thần cho rằng, triều đình có cục diện như ngày hôm này, thực sự là khuyết điểm của Bệ hạ đấy ạ.
- Hả?
Võ Tắc Thiên phất phất tay, cho dừng bước, kinh ngạc nhìn Cát Húc nói:
- Cát khanh nói vậy là ý gì?
Cát Húc khom người đáp:
- Bệ hạ, nếu cho nước và đất trộn với nhau thành bùn, thì bùn này sẽ có tranh giành sao?
Võ Tắc Thiên đáp:
- Hai bên một khi đã hợp làm một, tự nhiên sẽ không có tranh giành nữa.
Cát Húc nói:
- Nếu lấy bùn tách thành hai nửa, một nửa nặn thành phật tổ, một nữa nặn thành thiên tôn, giữa họ liệu có tranh giành không?
Võ Tắc Thiên đáp:
- Một Phật tổ, một Thiên tôn, cả hai đều cần hương hoả, tự nhiên sẽ tranh giành rồi.
Cát Húc nói:
- Chính là như thế. Nếu là tông thất (Lý thị) và ngoại thích (Võ thị) đều giữ bổn phận, thì thiên hạ sẽ an. Như hiện nay thái tử đã lập nhưng ngoại thích tự xưng vương, đây là Bệ hạ vì họ mà tạo thế tất phải tranh giành. Thần e rằng bọn họ cả hai đều không an.
Võ Tắc Thiên trầm mặc hồi lâu, bùi ngùi thở dài:
- Trẫm cũng biết vậy, nhưng sự đã như này, không có cách nào khác.