Phủ Thái Bình Công chúa, Mạc Đại tiên sinh áy náy nói với Thái Bình:
- Công chúa, đều là lỗi của lão hủ, lão hủ tuyệt đối không ngờ được Thiên tử nghe tới kiếp sao chổi lại phản ứng như vậy, tính toán không chu đáo, không ngờ đã làm hỏng đại sự của Công chúa Điện hạ. Lão hủ thật là...
Thái Bình Công chúa chán nản khoát tay áo, cười khổ nói với lão:
- Thôi, việc này cũng chẳng trách ngươi được. Trước đó ta cũng chưa từng đoán được huynh trưởng lại lựa chọn như vậy.. Ôi! Lý gia ta quả nhiên luôn thần kỳ, không trách được ngươi, không trách được ngươi...
Mạc tiên sinh tiến lên một bước:
- Công chúa, khi Tam Lang làm Thái tử đã có được danh phận đại nghĩa, giờ y đăng cơ xưng Đế, thiên hạ quy tâm. Lúc này Công chúa nên thận trọng suy xét tiền đồ một chút...
Thái Bình chầm chậm quay sang lão, sắc mặt buồn bã:
- Không biết tiên sinh có gì chỉ bảo?
- Theo lão hủ thấy, mệnh của Tam Lang đương nhiên không thể cản. Nếu Công chúa thu tay đúng lúc, giao ra tất cả quyền lực, mời Thái Thượng Hoàng đứng giữa xoay vần, cầu Thái tử Điện hạ tha thứ, có thể giữ được bình yên, đây là thượng sách.
Ánh mắt nàng đột nhiên sáng rực lên, rồi lập tức dịu xuống che giấu vẻ linh hoạt sắc bén, nàng dịu dàng chậm rãi hỏi:
- Vậy hạ sách là gì?
- Hạ sách này, là thừa dịp Tam Lang mới đăng cơ, còn chưa kịp thanh trừ môn hạ của Công chúa, phát động năm vị Tể tướng Chính sự dường, đại thần trong triều cùng những tướng lĩnh kết giao trong quân, lập tức tiến hành binh biến, có lẽ cũng tranh được một đường sinh cơ. Nếu không, chỉ cần kéo dài một năm, chỉ sợ tân Hoàng đế đã ngồi vững trên giang sơn này rồi.
Thái Bình trầm ngâm thật lâu sau mới lẫm liệt nói:
- Ta không nhận thua!
Đột nhiên nàng xoay người lại, giọng nói hơi run run:
- Cả đời này ta chỉ cúi đầu trước người khác hai lần. Lần thứ nhất, ta lầm cả đời! Lần thứ hai, người nọ phụ ta! Từ nay về sau, ta sẽ không cúi đầu trước bất kỳ ai nữa, tuyệt không!
Thái Bình vội vàng rời khỏi phủ đệ, bãi giá vào cung. Nàng biết rõ không chuyện đã thế này, chỉ đành quyết định đi khuyên Lý Đán thu hồi mệnh lệnh đã ban. Lý Đán thật vất vả mới được giải thoát, còn chiếu cáo với cả thiên hạ, làm sao có chuyện đổi ý, lần đầu tiên ông kiên quyết từ chối thỉnh cầu của muội muội:
- Lệnh Nguyệt, truyền ngôi tránh tai họa, ý ta đã quyết, muội không cần khuyên nữa!
Thấy tâm ý ông đã quyết, nàng đành lùi một bước tiếp tục khuyên bảo Lý Đán rằng tuy đã thoái vị làm Thái Thượng Hoàng nhưng quốc gia đại sự vẫn cần y tự mình nắm giữ. Lý Đán vẫn không chịu, nhưng không chịu nổi muội muội liên tục khuyên giải, đành tạm lui một bước, quyết định "Việc bổ nhiện quan tam phẩm trở lên hay hình án trọng đại vẫn do Thái Thượng Hoàng quyết định, còn lại do Hoàng đế quyết định"
Thái Bình kín đáo nhẹ nhàng thở ra, chỉ cần quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm quan viên tam phẩm trở lên vẫn nằm trong tay Hoàng huynh thì cho dù Lý Long Cơ làm Hoàng đế cũng không động được vào Tể tướng và Thượng thư lục bộ, do đó, thành viên phe của nàng cũng sẽ không bị ảnh hưởng, cũng có thừa lực để đánh cược một lần.
Mục đích đã đạt, Thái Bình không nhiều lời nữa, lập tức cáo từ quay về chuẩn bị ứng biến.
Ba ngày sau, Lý Đán chính thức hạ chiếu truyền ngôi cho Thái tử, lại sau tám người, các loại nghi điển đã được chuẩn bị thỏa đáng. Lý Long Cơ xưng đế, tôn Phụ thân Lý Đán làm Thái Thượng Hoàng. Thái Thượng Hoàng từ xưng là "Trẫm", chiếu lệnh viết "cáo", năm ngày sẽ đến Thái Cực Điện một lần, vẫn nắm quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm quan viên từ tam phẩm trở lên. Hoàng đế tự xưng "Dư", chiếu lệnh ban ra viết "chế", mỗi ngày đều bãi giá đến Võ Đức Điện lâm triều.
Người của Lý Long Cơ cũng không phải không phát hiện ra dị động của Thái Bình Công chúa, nhưng vì Thái Thượng Hoàng sủng ái Thái Bình, Lý Long Cơ nghĩ đến cảm giác của phụ thân nên cuối cùng cũng không hạ được quyết tâm đối phó với cô. Tể tướng Lưu U Cầu mới nhậm chức ủng hộ Lý Long Cơ có mấy lần trình tấu khuyên ngăn nhưng không được phép, muốn giết Thái Bình, thanh quân trắc, tạo thành chuyện đã định, nghĩ mình cũng là một lòng nghĩ về Thiên tử, chuyện không thành Thiên tử cũng sẽ không trị tội cho mình.
Vì thế, Lưu U Cầu bí mật gặp Vũ Lâm Tướng quân Trương Vĩ bàn bạc việc điều động một đội Vũ Lâm quân giết nhập vào phủ Thái Bình Công chúa. Chỉ cần Công chúa chết, đương nhiên phe Thái Bình sẽ tan rã. Không ngờ Trương Vĩ không giữ được việc cơ mật, vì say rượu mà tiết lộ kế hoạch cho Ngự Sử Đặng Quang Tân. Mà Đặng Quang Tân này gần đây vẫn đi lại thân thiết với phủ Thái Bình Công chúa. Lưu U Cầu nghe hỏi mà kinh hãi, hoảng sợ chỉ đành đi cầu trợ Lý Long Cơ.
Ban đầu Thiên tử Lý Long Cơ nghe đến việc này cũng cực kỳ khủng hoảng, rơi vào đường cùng đành phải đi cầu kiến phụ thân nói hết tình hình. Lý Đán vừa nghe nổi giận, cho tới nay chuyện kẻ bề dưới vì vinh hoa phú quý mà xúi giục Hoàng tộc tự giết lẫn nhau nhiều lắm, ông căm thù đến tận xương tủy, không ngờ Lưu U Cầu lại dám làm cái chuyện ly gián cốt nhục tôn thất này. Quả buồn cười!
Lý Đán lập tức hạ lệnh tróc nã đám người Lưu U Cầu, Trương Vĩ hạ ngục, tất cả những người tham dự đều xử tử. Lý Long Cơ không đành lòng giết Lưu U Cầu, lại cầu tình với phụ thân, kể đủ loại công Lưu U Cầu tru sát Vi Hậu, lập phụ thân xưng Đế. Lý Đán suy xét mãi mới đặc cách miễn xá cho Lưu U Cầu, lưu đày đến Phong Châu.
Lý Đán xử lý quyết đoán khiến cho Thái Bình Công chúa không thể nhân cơ hội làm khó dễ, nhưng sau khi nghe nói tới việc này nàng cũng kịp cảm thấy sự nguy hiểm thật lớn. Hôm nay có một Lưu U Cầu có ý đồ phát binh diệt cả nhà nàng, làm sao biết ngày mai có mọc ra một Triệu U Cầu, Tôn U Cầu n ữa không?
Thái Bình Công chúa lập tức bí mật định ngày hẹn mấy vị Tể tướng Đậu Hoài Trinh, Tiêu Chí Trung, Sầm Hy..., cùng với Tả Võ Lâm Đại Tướng quân Thường Nguyên Giai mới lôi kéo được, Hữu Võ Lâm Tướng quân Sự Lý Từ, Tả Kim Ngô Tướng quân Lý Khâm, cùng với Thái tử Thiếu bảo Tiết Tắc, Trưởng sử Ung Châu Vương Tấn, Hồ tăng Tuệ Phạm cùng bàn mưu phế lập.
Tuy Thôi Thực cũng thuộc phe Thái Bình nhưng người này đã theo đuôi quá nhiều người, bản tính lưỡng lự không thể tin tưởng, Thái Bình vẫn vừa nghi vừa dùng, cho nên bị loại ra ngoài.
Mọi người bàn bạc một hồi, mới đầu quyết định đầu độc từ từ giết Thiên tử, nên có thể náo động hoán ngôi Hoàng đế chỉ trong một phạm vi nhỏ, nhưng người bên cạnh Lý Long Cơ đều là người trước kia mang vào từ Vương phủ, không tìm ra được cách nào đưa người vào, mà tình thế lại vô cùng khẩn cấp, cho nên bọn họ vẫn quyết định động võ.
Đại Đường lại sắp sửa thêm một lần chính biến!
************
Lúc này, Lý Long Cơ vẫn hoàn toàn không biết gì về hành động của Thái Bình Công chúa, tuy gã đã nhìn ra cô đang nhớ nhung quyền vị, nhưng lại nghĩ cô chỉ muốn nâng đỡ một Thiên tử có tình tình khá nhu nhược để đảm bảo địa vị cho mình, chưa từng nghĩ cô lại có dã tâm xưng Đế, lại ngang nhiên quyết định động võ.
Từ sau chuyện của Lưu U Cầu, Lý Long Cơ ước thúc bộ hạ càng thêm nghiêm khắc, đối với Thái Bình vẫn luôn lễ phép nhượng bộ, không muốn chọc giận cô, kích động đến phe Thái Bình đối đầu với mình, khiến cho mình vừa mới đăng cơ quốc gia đã nát bét. Nhưng sự nhượng bộ của gã cũng không đổi được hòa giải, Thái Bình tâm ý đã định, trên đời này còn ai có thể ngăn cản?
Một ngày kia, Trung thư Thị lang Vương Cư rời tiệc quay về phủ đệ của mình, đang ngâm mình trong thùng nước ấm đột nhiên cánh cửa động kèn kẹt, Diêu lão quản gia của Vương phủ ở ngoài bẩm báo:
- A Lang, đột nhiên ngoài tiền viện có người gửi thư vào, trong thư có viết nhất định phải do đích thân A Lang mở, lão nô không dám tự ý.
- Hả? Mang vào đi.
Trong lòng Vương Cư vô cùng kinh ngạc, khi lão quản gia mang thư vào chỉ thấy lá thư đã nhăn nhăn nhúm nhúm, có lẽ trước đó đã bọc một cục đá. Trên thư có viết sáu chữ to Vương Thị lang đích thân mở. Vương Cư kinh ngạc mở thư, lập tức sợ hãi nhảy vội từ trong thùng tắm ra, chân trơn ướt suýt ngã.
Quản gia hoảng sợ bước lên đỡ lấy y, kinh ngạc hỏi:
- A Lang, ngài sao vậy?
Vương Cư xanh mặt, không nói lời nào, trần truồng bỏ chạy. Quản gia sau lưng vội lêu lên:
- A Lang, ngài còn chưa mặc quần áo.
- Ồ ồ!
Vương Cư giật mình định thần lại, y vội vàng quay lại, nói:
- Mau thay quần áo cho ta!
Y cũng không kịp gọi thị nữ vào hầu hạ nữa, để cho quản gia giúp mình vội vàng mặc quần áo, cũng chẳng quan tâm có chỉnh tề hay không, lại vội vàng ra lệnh:
- Mau mau chuẩn bị ngựa!
Một lát sau, Vương Cư cưỡi một con tuấn mã, mang theo bốn gã tùy tùng từ trong Vương phủ như một cơn gió lao về phía Hoàng cung. Trong một hẻm nhỏ đối diện, một lão giả áo xám như đang rảnh rỗi ngắm cảnh, thấy Vương Cư vội vàng rời Vương phủ, lão khẽ mỉm cười, lặng yên biến mất.
Phong thư đặt trước bàn của Lý Long Cơ. Lý Long Cơ ngây ngốc nhìn những con chữ nhảy múa trên tờ giấy nhăn nhúm, đột nhiên một giọt nước mắt rơi xuống.
Vương Cư bên cạnh cả kinh:
- Chuyện cũng không phải không thể làm, vì sao Bệ hạ bi thương như vậy?
Lý Long Cơ đầy phẫn uất đáp:
- Ta không hiểu, vì sao cô lại đối với ta như vậy? Đến tột cùng là vì sao? Phụ thân chỉ có một em gái ruột, nếu ta gây bất lợi cho cô sợ rằng phụ thân sẽ thương tâm, nên ta vẫn luôn ẩn nhẫn. Cô lại kề dao mổ lên cổ ta. Ta nên làm thế nào cho phải? Ta nên làm thế nào cho phải?
Lý Long Cơ oán hận đấm lên bàn, nghiên mực bị chấn khẽ nảy lên rơi xuống đất vỡ nát. Trương Thuyết, Thôi Nhật Dụng, Ngụy Tri Cổ, Vương Mao Trọng và các đại thần thân tín mà y gọi đều đã đến. Lý Long Cơ đưa mật thư ra, ai nấy đều biến sắc.
Trên thư có viết, vào khoảng ngày mồng bảy tháng tư, Thái Bình Công chúa sẽ hưng binh làm loạn, tới khi đó, Lý Nguyên Giai, Lý Từ Tương suất lĩnh Võ Lâm Vệ đột nhập Võ Đức Điện giết Thiên tử; Đậu Đức Trinh, Tiêu Chí Trung, Sầm Hi và Tể tướng tới Lâm Nam nha, lợi dụng chức quyền của Tể tướng khống chế vệ binh nam nha hưởng ứng, nội dung vô cùng tỉ mỉ.
Trương Thuyết thất kinh hỏi:
- Bệ hạ, phong thư này từ đâu mà đến? Là người phương nào tố cáo? Có thể sẽ xảy ra sao?
Vương Cư tiếp lời:
- Trương Tướng công, phong thư này là có người ném vào quý phủ của ta, thực không biết là ai ném. Tuy nhiên, kế hoạch trong này lại nói rất chuẩn xác, thực sự không thể không tin. Hơn nữa, ngày mai là ngày mồng bốn, mới vừa rồi Bệ hạ đã cho người điều tra, hiện giờ Lý Nguyên Giai không trực ở Minh Nhật Bản, y lấy cớ mấy hôm nữa có việc nên đã xin nghỉ, thay đổi thời gian phòng thủ với kẻ khác, gần hai ngày nay, các vị Tể tướng cũng đã nhiều lần tuần tra nam nha.
Trương Tuyết động dung:
- Nếu vậy, sự việc cấp bách, xin Bệ hạ sớm đưa ra quyết định!
Lý Long Cơ vẫn do dự khó quyết. Thôi Nhật Dụng khuyên:
- Thái Bình Công chúa sắp mưu phản, trước kia Bệ hạ là Thái tử, có đại nghĩa bên người, không ai dám mở to mắt mà làm hại Bệ hạ, hiện giờ Bệ hạ đã quang vinh thượng đại bảo, không ngờ Thái Bình Công chúa lại sinh tâm làm phản. Chỉ cần Bệ hạ hạ một chiếu thư, thiên hạ có ai dám không theo? Vì sao phải do dự như vậy?
Lý Long Cơ buồn bã:
- Các ngươi không biết, tình cảm Thượng Hoàng dành cho Thái Bình cực kỳ thâm hậu, nếu tru sát loạn đảng của Thái Bình, ta chỉ sợ sẽ kinh động đến Phụ hoàng, khiến cho Thượng Hoàng khổ sở thương tâm.
Thôi Nhật Dụng dậm chân:
- Bệ hạ hồ đồ! Chẳng lẽ Bệ hạ bị Thái Bình Công chúa giết Thượng Hoàng sẽ không đau lòng sao? Cái hiếu của Thiên tử thể hiện ở bốn bể yên ổn, thần khẩn cầu Bệ hạ lập tức hạ chiếu, trước tiên khống chế cấm quân cửa bắc, sau đó thu phục nghịch đảng!
Chần chừ một lúc lâu, Lý Long Cơ mới nói:
- Vậy...chờ một chút, nhanh chóng mời bốn vị huynh đệ của ta tới thảo luận việc này.
Trước khi đăng cơ Lý Long Cơ đã mời hai vị huynh trưởng về Kinh sư, hiện giờ bốn huynh đệ Lý Thành Khí đều ở Kinh thành. Lão Tứ, lão Ngũ chưởng quản vệ binh Đông cung, Lý Thành Khí và Lý Thành Nghĩa đảm nhiệm Tả Hữu vệ Đại Tướng quân, đều nắm binh quyền ở nam nha.
Không bao lâu sau, bốn huynh đệ đều tới, sau khi xem qua thư, Lý Long Cơ hoang mang hỏi:
- Chư vị huynh đệ, không phải Tam Lang ta không dám quyết, nhát gan sợ động vào người, chỉ là người phản loạn không phải người thường, ta chỉ lo nếu động vào cô sẽ khiến cho Phụ hoàng thương tâm đau lòng nên vẫn chậm chạp khó quyết định. Các ngươi nghĩ xem ta nên làm thế nào cho phải?
Lý Thành Khí cười lạnh:
- Tam Lang, đệ không muốn khiến cho Phụ hoàng thương tâm thì đợi tới khi Thái Bình phát động đi, dù sao Phụ hoàng cũng khó tránh khỏi sẽ phải đau lòng. Thái Bình làm được, tại sao chúng ta không làm được? Chẳng lẽ đệ muốn chuyện xưa tái diễn giữa đương triều? Để cho huynh đệ chúng ta lại tan cửa nát nhà, hoàng tộc Lý Đường lại rơi vào kiếp nạn một lần nữa?
Lý Thành Nghĩa, Lý Long Phạm và ba người kia cũng xoa tay:
- Tam Lang, nên cắt thì phải cắt, lần phản loạn này, ngươi là anh hùng, vì sao lại mang lòng dạ đàn bà thế này? Ra tay đi, tiên hạ thủ vi cường, hậu tạ thủ tao ương!
Thấy bốn huynh đệ đều đồng lòng, trái tim vẫn dao động không ngừng của Lý Long Cơ dần trấn định lại, hai đầu lông mày nhíu chặt:
- Được! Người bất nhân, ta bất nghĩa. Chúng ta sẽ ra tay!