Chương 13: Ma da.

Tâm linh huyền tưởng ký

Tuyết Minh 05-08-2023 14:50:09

Ông ba Tấn đêm đó vui nên uống rượu nhiều hơn mọi khi một chút, đêm đến gió ngoài sông thổi mát ơi là mát, nhưng ông ấy vẫn thấy nóng lắm, nóng đến chảy mồ hôi. Một phần lại muốn đi đái nữa, ông ba chui ra khỏi mùng đi ra ngay đầu mũi ghe rồi trật quần xuống mà đi đái, mắt ông cũng không thể mở nổi nên đâu đủ tỉnh táo và ánh sáng mà nhìn thấy gì khác. Một đống tóc nhiều lắm, dày lắm, to lắm, to hơn cả người nữa, nó áp sát vào mặt ghe rồi từ từ nhô lên khỏi mặt nước. Hai cánh tay ốm nhách, trắng bệch chầm chậm nhô dần ra từ đống tóc đó, nó cứ vậy dài dần ra. Dài đến ngay cổ chân ông ba Tấn, không chần chừ nó dứt khoác chộp lấy rồi giật mạnh. Nó cũng nhanh chóng chìm xuống nước, ông ba giật mình hét lên, thêm một phần bị kéo bất ngờ, đầu cũng đập vào thành ghe kêu cái bốp khá to. Ai nấy trên ghe đang ngủ cũng giật mình bật dậy, họ bị đánh thức vì cái âm thanh đó trong không gian tĩnh mịch. Hai đứa con ông ba Tấn lao nhanh ra định nhảy xuống nhưng bị Thanh Sơn cản lại: — Đừng nhảy, ổng bị ma da kéo rồi. Hãy đốt đuốc sáng lên, càng nhiều càng tốt. Lấy sợi dây cột cái gì nặng rồi quăng xuống sông. Thanh Sơn nhanh chóng lột bớt đồ ngoài rồi nhảy theo, trong đêm tối, dưới nước cũng chỉ được soi bằng những ngọn đuốc nên hắn cũng khó nhận dạng được gì. Cố gắng lắm, mắt cũng đỏ rát rạt, hắn đã thấy được ông ba Tấn đang cố gắng vùng vẫy để ngoi lên mặt nước. Hắn bơi qua đó, nắm lấy tay ông ba Tấn mà kéo phụ, hắn tuy có pháp lực nhưng xuống nước thì dù là hổ cũng không khác gì cá con. Sức người tăng lên nên cũng lôi được ông ba Tấn lên mặt gần mặt nước chút, sẵn có sợi dây mới được thả, hắn nắm lấy rồi giựt mạnh. Trên ghe thấy có động nên kéo sợi dây lên, ma da đang nắm chân ông ba Tấn cũng bị kéo lân gần mặt nước, nó thấy ánh sáng của lửa nên nhanh chóng thả chân ông ấy ra rồi lặn dần trong dòng nước tối tăm. Kéo được họ lên ghe, ông ba Tấn ho lên vài tiếng sặc sụa rồi cười như được mùa: — Há há... thấy chưa thằng thầy thuốc... ma da nào bắt được tao... lần này là lần 3 rồi đó... há há... Người nhà của ổng cũng mừng lắm vì đúng là ma da không làm gì được ổng thiệt. Thanh Sơn thì mệt muốn ná thở, hắn cố gắng hít lấy không khí đầy phổi cho nhịp thở quay lại bình thường. Hắn vừa thở vừa nói: — Quá tam 3 bận nghe chú. Chú nên nhớ mỗi lần bị kéo như vậy tuổi thọ sẽ giảm đi, nên lần sau chú nhớ cẩn thận chút. Cứ đến đoạn sông nào cũng cúng kiếng cho nó, nhất định được yên ổn. Nói xong hắn đứng lên rồi đi lên phía trên ghe để thay đồ, còn mọi người dưới này đứng nhìn nhau hết cười, mặt tái mét. Con ma da đêm đó bắt hụt người, lẩn đi chỗ khác, đống tóc đen di chuyển nhẹ nhàng trong nước. Cứ đánh hơi được người nó lại ngoi lên, để lộ đôi mắt đen sâu thăm thẳm mà ngắm đối tượng. Nó phải cố gắng mỗi ngày để kiếm được người thay thế nó, nếu không mỗi ngày đều bị đánh rất thê thảm, đánh đến rát da cháy thịt. Ở đây cũng như người trần, cũng có ' ma cũ bắt nạt ma mới', sông nước thì nhiều ma da lắm. Cứ mỗi lần mưa lụt lên, lại có người bị cuốn, bị chết nước, thì lại có thêm ma da. Xác thì người vớt được, người thành đồ ăn cho cá. Linh hồn thì người nhà có người triệu hồn về được, có người linh hồn bị giữ lại ở đáy sông, phải chịu lạnh lẽo, cô đơn, đau đớn và cả đói nữa. [... ] Sáng sớm hôm sau, khi trời vừa tờ mờ sáng, bà Lịch đã dậy nấu bữa sáng cho mọi người ăn. Trong lúc bà nấu ăn thì chiếc ghe cũng di chuyển đến khúc sông lớn hơn để là quăng lưới bắt cá. Những con cá được bắt lên được cho vào cái xô lớn để mang lên chợ bán, còn những con cá con tôm nhỏ thì bà Lịch để lại nấu ăn hoặc có khi phơi khô để ăn lần. Ghe ông ba Tấn nhỏ nên không đủ điều kiện đánh bắt nhiều như người ta. Ông ba Tấn vừa bưng tô cơm vừa lên tiếng: — Ăn đi thằng thầy thuốc, sau này có sức mà giúp người. Thanh Sơn nhìn ông ba Tấn rồi quạo mặt xíu: — Con tên Thanh Sơn. — Ờ, thằng thầy thuốc, đêm qua tao cảm ơn mày nghen. Lát tao đưa mày tới bến cá. — Dạ, con cảm ơn chú. Mọi người mỗi người một tô cơm bằng nhau, không cần tranh giành, không cần mất lòng ai. Buổi sáng chợ trên sông nước coi vậy mà vui lắm nghen, tàu ghe qua lại cũng tấp nập. Nói nói tiếng gọi nhau í ới nhộn nhịp hết cả khúc sông. Người này có cái này, người kia có cái kia, mua bán trao đổi hàng hoá rất nhộp nhịp. Thanh Sơn cũng được 1 phen mở mang tầm mắt. Chiếc ghe của ông ba Tấn chui qua cái cầu nhỏ rồi đi thẳng thêm 1 đoạn là tới ngay bên cá. Ổng kiếm chỗ tấp vào để cho Thanh Sơn lên bờ, bọn họ từ biệt nhau, ông ba còn dặn dò hắn: — Chúc mày sau này thành thầy thuốc giỏi chữa bệnh cho người ta, chứ đừng thành lang băm có ngày họ quánh mày trào máu à. — Dạ, con chúc chú mọi thứ tốt lành. Người dân quê họ chân thật vậy đó, có gì trong lòng nói thẳng chứ không cần bông hoa màu mè gì. Bến cá ở đây khá là to, được làm bằng tường xây và có cả ngói lợp nữa. Từng sọt cá lớn được khiêng vào chợ tập hợp lại chỗ thương buôn, còn những người bán lẻ thì ngồi san sát với nhau thành hàng dài. Mỗi người mỗi việc, ra vào tấp nập lắm. Hắn cũng đi tới đi lui nhìn quanh các loại cá một lượt, cũng phát hiện ra được vài chuyện. Ở đó cá bà thương buôn béo, mặc bộ bà ba chật ních lộ cả mỡ nhiều nơi. Tay thì chỉ chỏ, miệng thì chửi rủa không thôi, hắn lên tiếng: — Bà chủ, cá này được bán đi đâu? Bà chủ cá nhìn hắn ra vẻ khinh khi: — Oắt con, cút chỗ khác cho tao buôn bán làm ăn. Thanh Sơn cầm lấy con cá lên mà nói: — Cá này nó ăn xác người rồi, bà bán đi không sợ bị tổn thọ à? Mới sáng ra hắn đã chọc ngay cơn điên của bà chủ béo, bà ấy xắn áo chửi nó: — Con mẹ mày, mới sáng ra mày muốn ăn đòn rồi hả? Đánh nó cho tao... Hắn nhanh chân bỏ chạy, bởi đâu cứ phải lời nói thật lòng nào cũng được đón nhận đâu. Hắn chạy vòng vòng quanh chợ cá, khiến những người đuổi theo cũng mệt đứ đừ. Chọc bên đó chán, hắn vừa đi vừa cười khoái chí, hắn lại đi một vòng dò la để khoanh vùng số lượng tàu đánh bắt, và khoanh vùng số lượng dân tiêu thụ. Nắm được mọi thứ hắn lại ra lại thị trấn tìm đến một quán trọ để mà nghỉ ngơi, cũng coi như thăm dò thêm chuyện. Đây là thị trấn lớn, phải nói là rất lớn, có lẽ đây là nơi thông thương buôn bán nên lượng khách đến đây tấp nập. Quán trọ cũng có rất nhiều, Thanh Sơn tìm tới tìm lui cũng được cái phòng có giá mà hắn mong muốn. Sau khi nhận phòng hắn mới xuống hỏi chủ quầy: — Chú cho con hỏi, ở đây có ai hay vùng nào có người bị bệnh bất thường không chú? Chủ quầy nhìn hắn cũng thật thà trả lời: — Tôi không biết, chỗ tôi kinh doanh nhỏ nên ít khách lưu lại lâu lắm. Chú em muốn biết thì tôi chỉ cho một chỗ. — Ở đâu hả chú? Ông chủ quầy nhìn trước ngó sau rồi mới kéo hắn sát lại. Hắn thắc mắc: — Chú nhìn gì mà nhìn ghê vậy? — Phải nhìn chứ, để mà bà vợ tôi biết thì cái lủng lẳng chỉ còn tác dụng đi đái thôi đó. Thanh Sơn còn trẻ nên chưa hiểu mấy chuyện này lắm, ông chủ quầy hướng dẫn nhiệt tình: — Đến tửu lâu Ngọc Bích, ở đó sẽ có nhiều khách từ nhiều nơi đến, muốn hỏi gì cũng dễ. Đã thế ở đó còn mấy cô em nuột nà, da trắng, chỗ cần nở thì nở, mà cái chỗ cần eo thì eo... hí hí... Nói đến mấy câu em thì gương mặt chủ quầy ra vẻ hưng phấn ghê lắm. Thanh Sơn lên tiếng: — Cảm ơn chú, con đi đây. — Đi đâu? — Tửu lâu Ngọc Bích. — Ban đêm, phải là ban đêm kia. — À, vậy thôi con đi vòng vòng, cảm ơn chú. Thanh Sơn chào ông chủ quầy rồi lại đi linh tinh trong thị trấn, coi chữa bệnh xem quẻ được cho ai không. Dù sao con người cũng không phải thánh nên cần phải dùng đến cái gọi là tiền. Đến tối, Thanh Sơn ăn uống xong mới tìm đến tửu lâu Ngọc Bích. Đó là một căn nhà lớn có 2 tầng, trước tửu lâu được treo nhiều lồng nhiều màu trông bắt mắt lắm. Đứng trước cửa có những cô gái ăn mặc mát mẻ, váy lụa áo yếm trông rất gợi tình. Họ chèo kéo mời gọi những vị khách nam đi ngang qua, đa số những vị khách đó xiêu lòng rồi cùng bọn họ vào quán. Hắn nhìn cũng vui vẻ lắm, nên đi thẳng đến đó, ngay lập tức có mấy cô gái bu vào hắn. Miệng cười buông những lời mật ngọt: — Anh trai này, đã tìm đến đây thì mau vào quán đi, chúng em phục vụ nhiệt tình. Muốn gì chúng em cũng chiều hết. Nghe đến đó Thanh Sơn cũng mừng lắm, vậy là hắn đồng ý theo bọn họ. Khi vào trong quán, hắn còn bất ngờ hơn với cách bày trí trong này. Đang nhìn chưa xong, hắn ngay lập tức bị kéo đến một bàn, xung quanh có màn rèm bằng voan mỏng nhiều màu buông xung quanh. Mấy cô gái ở đó mang rượu và đồ ăn ra cho hắn, vừa rót rượu vừa lấy đồ ăn cho hắn. Hắn ngại ngùng đón nhận, có cô còn không biết ngại ôm cứng lấy hắn rồi ngã vào lòng hắn. Nhưng hắn đẩy ra, cô gái đó nũng nịu: — Sao vậy, chê em à, em có thể làm được mọi thứ đấy. Cái gì em cũng biết, đảm bảo anh hài lòng. Thanh Sơn hào hứng hỏi: — Vậy cô cho con hỏi? — Cô? Anh nhìn mặt em thế này mà gọi là cô à? — À... chị... — Chị? Anh nhìn người ta xem có chỗ nào làm chị anh được không? Hết cách, muốn hỏi cho ra chuyện hắn xuống nước ngọt nhạt: — Em... em cho anh hỏi, gần đây có khu vực nào có người bị bệnh bất thường không? Mấy cô gái nhìn nhau ngơ ngác, rồi phá lên cười, một cô gái gần bên mới nắm lấy quần hắn mà kéo: — Bọn em chỉ biết làm chuyện bất thường ở vùng này thôi. Thanh Sơn sợ xanh mặt, đứng lên nắm quần chạy, cái quần lỏng dây tụt gần xuống đến đầu gối. Nhìn dáng vẻ lúng túng, ngố ngố đó mà ai cũng bật cười, có người còn gọi với lại: — Trả tiền anh ơi, 3 đồng để lại rồi đi đâu đó đi. Hắn quay lại đặt tiền lên bàn, rồi lại nắm quần chạy mất. Vừa đi hắn vừa trách ông chủ quầy, không hiểu sao lại chỉ hắn đến cái nơi kỳ quái thế này. Thanh Sơn nghĩ ở đây chắc không tìm được manh mối gì nên muốn bỏ đi, ai ngờ gần ra đến cửa thì hắn nghe được câu chuyện. Câu chuyện của 2 ông chú tầm 50 tuổi đang ngồi uống rượu trong góc nói với nhau. Hắn tò mò lại ngồi xuống thăm dò: — Chào hai chú, con vô tình có nghe được chuyện của hai chú? Hai chú có thể cho con biết là nó xảy ra ở đâu không? Một người trong đó nhìn hắn đề phòng: — Cậu là ai? Hỏi mấy chuyện đó làm gì? — Con là thầy thuốc, con hỏi để biết đâu con giúp được. Hai người đó lại nhìn Thanh Sơn một lượt ngờ vực: — Cậu chắc không giúp gì được đâu, ở đó bao nhiêu thầy giỏi còn không chữa được kia mà. — Dạ, chú cứ kể, phước chủ may thầy mà chú. Dạ chú tên gì ạ? — Tôi tên tư Lãnh, ổng là hai Còi. — Dạ, con nghe đây chú tư Lãnh. — Chuyện là thế này...