Trong tiếng đàn hòa cùng tiếng hát như mang theo ma lực đó, dưới màn đêm đen kịt, sóng nước cuồn cuộn óng ánh những mảng sáng trắng. Ánh sáng này giống như là hào quang phản chiếu của ánh trăng trên sóng sông, nếu ở ban ngày sẽ không thấy được, và nó sẽ rất bình thường nếu đêm nay có trăng. Thế nhưng hiện tại là trời đêm không trăng không sao, mặt nước lại sáng lấp lánh như vậy, giống như đã trở thành trung tâm của cả trời đất này, tựa như một con sông chảy mãi không ngơi nghỉ trong bóng tối. Nước sông cuồn cuộn, không ngừng có bọt sóng màu bạc bắn tung lên rồi hóa thành hơi nước, biến mất trong không trung. Theo đó, từng người từng người trên bầu trời không ngừng rơi rớt xuống .
Cảnh tượng này khiến những kẻ không vội vã ra tay ở phía xa kinh hãi vô cùng. Những người có kiến thức nông cạn tất nhiên không thể nhìn ra được thủ đoạn của Trần Cảnh, chỉ cảm thấy hắn có chú thuật gì đó vô cùng quỷ bí, khiến những người kia không chút dấu hiệu mà chết đi. Còn những người có ánh mắt cao minh lại nhìn ra được, những kẻ kia là chết dưới kiếm của Trần Cảnh. Kiếm hóa vô hình, hòa lẫn trong hơi nước. Đây là một loại kiếm thuật mà Trần Cảnh lĩnh ngộ ra khi kiếm của hắn hòa lẫn với ngọn lửa bên trong thành Bá Lăng.
Có lẽ chính hắn cũng không nhận ra, ngay từ khi hắn dùng Thanh Tâm Trấn Ma kiếm mà Diệp Thanh Tuyết để lại, dẫn dắt sấm sét đánh xuống ba tên đạo nhân trên không trung, thì kiếm thuật của hắn đã bắt đầu có biến hóa về chất. Có thể nói hắn đã không câu nệ đến kiếm thuật, hoặc nói là từ ngày đạt đến kiếm hóa vô hình thì kiếm của hắn cũng biến thành pháp kiếm — một loại kiếm có thể dung hợp với các loại phép thuật trên thế gian.
Sóng sông theo Trần Cảnh cuộn ngược về hướng sông Kinh Hà. Nhưng những nơi mà sóng sông này đi qua đã lưu lại một loại khí tức khác thường. Khí tức này không phải là khí tức của sông núi, không phải khí tức của đất đai, bởi vì những khí tức này vẫn luôn tồn tại, chưa từng biến mất. Mà đây là một loại thần khí, khí tức chỉ có trong thần vực của thần linh. Người phàm không cảm nhận được, nhưng nếu trở về nhà sau khoảng thời gian đi xa, có lẽ sẽ cảm thấy mùi vị của vùng đất này, cảm thấy được cảm giác thân thiết khiến tâm tình họ rất an bình.
(Thần khí: "khí" ở đây là nguồn năng lượng; khác với "khí" trong "vũ khí, bảo khí..." là công cụ, đồ dùng)
Cảm giác của người tu hành càng thêm nhạy bén, cho nên có thể cảm nhận được đoạn đường từ thành Bá Lăng đến sông Kinh Hà đã có thần khí của Trần Cảnh, còn có thể nhìn thấy thần quang nối liền thành một thể kia. Thần quang chỉ xuất hiện trong thần vực của thần linh, tín ngưỡng nguyện lực càng nhiều thì thần quang càng sáng. Nhiều người giật mình, bởi vì chỉ mới qua thời gian ngắn ngủi như thế, mà Trần Cảnh hình thành được thần vực từ Bá Lăng đến Kinh Hà rồi.
(Thần quang: quầng ánh sáng, quầng hào quang thần thánh)
Mà khiến những người ở đây càng thêm khiếp sợ, chính là bọn họ đã cảm giác phép thuật của Trần Cảnh đầy cao thâm khó lường. Khí tức trên người hắn mờ mịt, không thể nhìn ra được cảnh giới của hắn là gì nữa.
Trong tích tắc, những người vừa xuất hiện trên bầu trời kia đã hóa thành xương trắng rơi xuống dòng sông, bị nhấn chìm mất dạng. Tiếng ồn ào xôn xao như bị tiếng sóng vỗ nhấn chìm mất, nhất thời không còn người nào dám ra tay, không có ai xuất hiện nữa. Chỉ có Trần Cảnh đột nhiên hiện thân lại trên con sóng sông, chân đạp sóng như đang cưỡi một con rồng nước bay vút lên. Mà khi Trần Cảnh vừa xuất hiện, ấn tỷ Tần Quảng trong tay hắn như ngọn đèn trong đêm tối, thu hút đám côn trùng trong bóng đêm tiếp tục nhào qua.
Vàng bạc có thể làm mờ mắt người phàm, khiến bọn họ không làm chủ được bản thân. Trong mắt người tu hành, người phàm chỉ vì vài thứ đó mà đánh mất mình, vứt bỏ cả tính mạng là một chuyện vô cùng buồn cười. Thế nhưng khi có thứ mê hoặc được ánh mắt của người tu hành xuất hiện, bọn hắn cũng mờ mắt, cũng làm ra chuyện vứt bỏ tính mạng như vậy.
Lại có ba người xuất hiện, đủ loại thủ đoạn và phép thuật được tung ra. Thế nhưng lần này bọn họ còn chưa tạo thành phép thuật, chưa đánh xuống, thì bầu trời đã xuất hiện rất nhiều tia sáng trắng. Tia sáng trắng này hệt như những tia nước tách ra từ một con suối, xuyên qua hư không, đâm vào phép thuật kia. Nó đột ngột xuất hiện trước mặt những người kia, rồi lại đột ngột biến mất, còn những người kia thì tích tắc đã thành đầu thân chia lìa, rơi rớt xuống bên dưới.
Sóng nước như lũ, nhưng lại khiến người khác có cảm giác rất yên tĩnh. Đến cả những tia sáng bạc lóe lên trong đêm tối kia cũng đem đến cho người ta cảm giác chậm rãi.
Trần Cảnh chợt ẩn chợt hiện như vậy, nhưng đã vượt đi hơn mười dặm, tốc độ cực nhanh. Mà bên phía Kinh Hà, ánh vàng rợp trời. Trong thứ ánh sáng ấy là một tòa tháp vàng, tòa tháp đột nhiên biến mất, lúc hiện ra đã xuất hiện ngay trên không trung miếu Hà Bá bên con đê, không chút do dự ép xuống. Nhìn thấy vậy, ai nấy cũng đều, hiểu nếu tháp vàng này dập xuống, miếu Hà Bá và tượng thần kia nhất định sẽ tan thành tro bụi.
Ánh vàng rọi xuống, soi rõ từng viên ngói trên miếu Hà Bá. Tháp chưa hạ xuống, ngôi miếu chợt lóe lên ánh sáng trắng. Ánh sáng bùng lên như ngọn lửa, theo đó ngôi miếu cũng đổ sụp từng khúc, pho tượng thần trong miếu lộ ra. Tượng thần nhìn rất nhỏ bé nếu so với tòa tháp tỏa ánh vàng đang đè xuống lúc này. Trong ánh sáng vàng đó, ánh mắt pho tượng lại chứa đầy sát khí bén nhọn, tựa như có thể nhìn thấu tất cả dối trá và tà ác.
Ngay khi mọi người nghĩ rằng tượng thần sẽ hóa thành tro bụi cùng với miếu Hà Bá, thì pho tượng chợt có hơi nước bốc lên. Chốc lát sau, hơi nước đó đã hóa thành sóng nước, rồi bao phủ lấy tượng thần lại.
Sóng nước phóng lên cao, hóa thành một con rồng nước gầm gào rồi bay tới tháp vàng trên không trung. Sóng nước chưa tới, hơi nước đã xuất hiện ngay dưới tháp vàng, trong đám hơi nước còn có một con bướm hiện ra trong hư vô. Chỉ thấy con bướm khẽ phe phẩy hai cánh màu lam nhạt, lại biến mất trong hư không. Con bướm vừa biến mất, đã nghe tiếng kiếm ngân vang lên chói tai. Âm thanh này không phải tiếng rút kiếm ra khỏi vỏ, cũng không phải tiếng kiếm rạch phá hư không, mà là tiếng vọng lại của một kiếm chém mạnh lên thân tháp. Ngay khi âm thanh này ngân lên xong, phía trên tháp vàng lại có một đám hơi nước lớn ngưng tụ lại, một con bướm chập chờn đậu xuống Trấn Yêu tháp. Chỉ một cái đụng nhẹ nhàng này, như thể con bướm đậu xuống một đóa hoa, nhưng ánh hào quang trên tháp vàng vậy mà nháy mắt tan rã đi mất.
Tháp vàng vang lên một tiếng rền rĩ, rồi hóa thành một tòa tháp sắt nhỏ màu xám phóng lên cao. Một đạo nhân mặc áo vàng cam hiện ra trên không trung, bàn tay gã khẽ lật, hình vẽ tòa tháp trong lòng bàn tay gã lóe lên ánh vàng. Ngọn tháp sắt màu xám kia đột ngột xuất hiện từ hư vô, hiện lên ngay trong bàn tay gã.
Gã chau mày, nhìn sóng nước cuồn cuộn lao đến bên dưới. Gã nhìn thấy trong con sóng sông đó còn có một pho tượng thần, trên thân tượng là một tầng sáng xanh phủ trùm. Trong tầng sáng xanh đó, con mắt tượng thần như đã có thần thái, có sinh mệnh.
Gã xoay người, đạp không bay đi. Thế nhưng sóng nước cuốn lên bên dưới lại nhanh hơn tốc độ bay độn của gã rất nhiều. Trong mắt nhiều người, sóng nước như một con rồng đang nổi giận, lại như toàn bộ dòng sông Kinh Hà đột nhiên dựng đứng lên. Mấy phút trước ánh sáng vàng còn tỏa vạn trượng, không người chống lại được, không ngờ đối diện với lửa giận của toàn bộ Tú Xuân loan sông Kinh Hà, chỉ một kích gã đã xoay người bỏ chạy. Lúc này sóng nước nổi lên mạnh mẽ không gì sánh được, tốc độ sóng nước lại cực nhanh.
Nhiều người chỉ thấy ánh vàng trên thân tháp tối sầm đi, bị sóng nước cuốn trôi tất cả, rồi thấy Trấn Yêu tháp trong tay đệ tử Côn Lôn kia nhấp nháy hào quang, nhưng đụng độ với sóng nước lại lập tức tiêu tán đi mất. Lúc ngọn tháp mất đi ánh vàng, có một con rắn khoang đen trắng và một con tôm đỏ thẫm rơi ra, còn có một vỏ sò màu xanh cũng rơi xuống rồi chìm vào con sóng nước. Còn đạo nhân kia thì bay lên không chạy đi. Thế nhưng gã chỉ mới xoay người định bay lên không trung thì đã bị con sóng nuốt chửng.
Một màn này còn được lưu truyền trong thế gian sau rất nhiều năm, lại sinh ra rất nhiều phiên bản. Có người nói đệ tử Côn Lôn này mạo phạm thần linh nên bị thần sông Kinh Hà nghiêm phạt. Lại có người nói đệ tử Côn Lôn này mưu toan phá hủy tượng Hà Bá, bị tượng thần Hà Bá đã sinh ra thần tính đánh chết. Lại có phiên bản nói đệ tử Côn Lôn là chết dưới kiếm Hà Bá, vì trong đêm tối ngay hôm đó có tiếng kiếm ngân vang kéo dài không dứt, tiếng kiếm ngân trước chưa dứt đã nổi lên tiếng ngân tiếp nữa.
Sóng nước nhấn chìm cả đạo nhân bên trong. Nhìn từ xa như có một con rồng nước từ trong dòng Kinh Hà đột nhiên lao ra khỏi mặt nước, một ngụm nuốt đạo nhân kia vào. Có người còn nhìn thấy đạo nhân kia ráng sức giãy giụa trong dòng nước, nhưng không thể thoát ra được. Chỉ thấy gã không ngừng vẽ ra những bùa chú, nhưng mới được một nửa đã bị đánh tan, rồi gã móc pháp bảo trong ngực áo ra, nhưng ánh sáng trên pháp bảo chỉ nhoáng lên rồi ảm đạm xuống, linh tính mất hết.
Ngoại trừ đạo nhân kia, trong con sóng đó còn có một pho tượng thần. Tượng thần ở phía trên đạo nhân, theo con sóng không ngừng lùi về miếu Hà Bá Tú Xuân loan. Tượng thần đáp xuống bệ thần bên trong miếu Hà Bá, mà đạo nhân kia lại đang ở bên dưới thân tượng thần.
Tượng thần trở về bệ thần, rõ ràng đạo sĩ kia đã bị trấn áp dưới tượng thần. Sóng nước biến đi mất, bốn phía tượng thần lại xuất hiện các thị thần, lạnh lùng đưa mắt nhìn về bốn phương tám hướng. Trong đó có một con tôm đỏ thẫm diện mạo hung ác, ẩn ẩn đầy sát khí; một vỏ sò khí chất trong trẻo nhưng thần bí; một con rắn khoang đen trắng đang cuộn người trên mặt đất, hai mắt lộ vẻ thâm độc. Nơi bóng tối còn có một con khỉ núi mặc đạo bào đang đi đến, cử chỉ đường hoàng. Còn có một bóng đen chợt lóe bên cạnh tượng thần, Hư Linh xuất hiện tại nơi đó, khiến bóng đêm càng thêm tối đen. Trong bầu trời, lại có một con sơn ca đậu xuống đống hoang tàn của ngôi miếu.
Sóng sông biến mất, khí thế ngút trời vẫn còn đây. Không trung phía trên tượng thần, gió mây biến sắc, mây mù cuồn cuộn.
Theo một đường giết chóc nơi thành Bá Lăng oán niệm dậy trời, lại tiếp tục giết đến Kinh Hà, cả dòng nước sông lúc này đều nhiễm sát khí.
Tượng Hà Bá vẫn đứng yên giữa đống đổ nát của ngôi miếu. Dưới chân tượng thần, đạo sĩ kia vẫn chưa chết, đang đau đớn giãy giụa.
Trong bóng tối, những kẻ tu hành đứng quan sát đều kinh hãi không thôi.
Lúc này, hình ảnh Hà Bá Trần Cảnh ở Tú Xuân loan sông Kinh Hà đã khắc thật sâu đậm trong lòng mỗi người. Tượng thần lẳng lặng đứng đó, lại làm người ta cảm giác như núi cao vạn trượng, sát khí ngút trời.
Trên không trung Côn Lôn, nơi đầu nguồn con sông Kinh Hà, một đạo nhân tay cầm tháp vàng đứng đó, mắt nhìn tượng thần. Đúng lúc này, rất nhiều người lại cùng cảm thấy như tượng thần sống lại, đang ngẩng cao đầu nhìn đỉnh núi Côn Lôn.
Linh khí ở khoảng không phía trên tượng thần cuồn cuộn, như muốn hóa thành một trận mưa to gió lớn cuốn lên tới đỉnh núi Côn Lôn kia.