Q1 - Chương 139: Chân Thần

Hoàng Đình

Thân Vẫn Chỉ Tiêm 23-07-2021 09:10:01

Trong dòng sông có không ít yêu linh nhô đầu ra nhìn, còn bắt đầu xì xào bàn tán. Trong thần miếu im lặng, cũng không thấy Trần Cảnh đi ra. Trần Cảnh mãi vẫn chưa xua tan được hình ảnh Quảng Hàn kiếm kia ra khỏi đầu óc của mình. Kiếm kia cũng không phải vật bình thường. Hắn không dám khẳng định đó có phải là bảo kiếm tiên thiên hay không, nhưng hắn lại khẳng định Mê Thiên kiếm trong tay mình dù có tăng lên mấy cấp bậc nữa, cũng chưa chắc bằng được Quảng Hàn kiếm. Trong lúc tâm tình bình tĩnh của Trần Cảnh bị sư phụ của Nhan Lạc Nương phá vỡ, thì từ thành Bá Lăng đột nhiên có người đến miếu Hà Bá cúng tế. Người tới là thành thủ* phía Nam thành Bá Lăng, tên Nghiêm Trọng, tự Trường Sinh. Cùng đi với ông ta còn có những nhân vật đại diện cho các thế gia danh môn ở phía Nam thành, trong đó có Cố phủ Cố Minh Ngọc. Thành Bá Lăng có không ít người học được một chút đạo pháp như Cố Minh Ngọc, nhưng bọn họ bất lực với tà khí trong thành, phần đông đều lựa chọn cách rời khỏi thành. (Thành thủ: một chức danh, phụ trách việc bảo vệ từng khu vực trong thành, nằm dưới sự quản lý của thành chủ) Âm tà khí trong thành Bá Lăng xuất hiện đột ngột, chỉ trong một đêm đã bao phủ toàn bộ thành. Tuy rằng thần linh quanh đây đều sớm cảm nhận được luồng âm tà khí từ dưới mặt đất bốc lên này, nhưng bọn họ đều bất lực. Người của thành Bá Lăng cũng hành động giống như người của trấn Quân Lĩnh lần trước. Bọn họ cử hành một lần cúng tế lớn trước miếu Hà Bá, đồng thời nâng một pho tượng thần vào trong miếu, muốn thỉnh thần. Nhưng Trần Cảnh biết rõ thành Bá Lăng không phải đất lành, mà là đất dữ. Hắn biết mình đi cũng không thể giúp bọn họ đuổi tà khí khỏi thành, điều duy nhất bọn họ có thể làm là bỏ thành mà đi. Nhưng ở thời đại yêu ma hỗn tạp này, con người không được thần linh che chở thì rất khó sống yên trong trời đất. Thành thủ là một đại nho, có thể cảm ứng khí tức trên tượng thần, biết là chưa thỉnh được Hà Bá, bèn không đi, lại còn phát động dân chúng phía Nam thành Bá Lăng đến bái lạy cúng tế. Trần Cảnh cảm nhận được tinh thần cầu sinh bất khuất của bọn họ, cho nên cuối cùng cũng nhập vào tượng thần, theo vị thành thủ Nghiêm Trọng này vào trong thành. Một đường trở về, có gần ngàn người cùng đi. Có một ít yêu linh theo Trần Cảnh vào thành Bá Lăng, nhưng phần lớn vẫn tụ tập trong dòng nước Tú Xuân loan. Những yêu linh đi theo Trần Cảnh đều biến hóa thành người, đi ra từ giữa sông, nương theo hai bên kiệu khiêng tượng thần Hà Bá, tăng thêm rất nhiều uy thế. Thành thủ Nghiêm Trọng nhìn thấy tất cả, trong lòng cao hứng. Từ khi Trần Cảnh trở thành Hà Bá Tú Xuân loan đến nay, những chuyện trong dĩ vãng càng ngày càng xa xôi, giống như vệt ố trên bức tường, theo thời gian mưa gió dần qua mà phai màu. Bản thân Trần Cảnh lại không có phát hiện, theo một ít ký ức cũ dần dần biến mất đi, tâm tính của hắn cũng đang từ từ biến hóa. Đây là chuyển biến mà mỗi người tu hành đều có, với người trong Thần đạo thì có thể nói là từ nhân tính chuyển thành thần tính. Thế nhưng sau khi chuyển biến sẽ thành dạng gì, thì phải xem chuyện mà mỗi người trải qua trong quá trình chuyển biến. Đi lần này mất đến ba ngày đường, bởi vì cứ cách mỗi một đoạn, đám người thành Bá Lăng lại cúng tế một hồi. Trần Cảnh cảm nhận được sự lo lắng bất an từ trên người bọn họ. Thẳng đến lúc tới bên ngoài thành Bá Lăng, Trần Cảnh mới biết không phải chỉ mình hắn được thỉnh, mà người thành này còn thỉnh đến bốn vị thần, Trần Cảnh chỉ là một trong số đó. Khi Trần Cảnh được thỉnh vào phía Nam thành Bá Lăng, ba mặt khác của thành cũng đã thỉnh tới ba vị thần linh ở cách đó chừng trăm dặm. Bọn họ là Thành Hoàng của ba tòa thành nằm phía Đông - Tây - Bắc, theo thứ tự là thành Thọ Xuân ở phía Đông, thành Chung Ly phía Tây, và tòa thành lớn hơn cả thành Bá Lăng có tên là Nạp Lan nằm phía Bắc. Trần Cảnh vừa vào trong thành, lập tức có một luồng khí âm u lạnh lẽo ập vào mặt. Âm tà khí nơi đây đã nồng đậm hơn so với mấy tháng trước nhiều. Dân chúng khu Nam thành Bá Lăng đều tràn ra đường quan sát, nhưng rất im lặng, giống như là sợ kinh động đến cái gì đó, chứ không hề có cảnh náo nhiệt khi mời tượng thần đến như ở trấn Quân Lĩnh. Trần Cảnh nhìn được sự căng thẳng qua nét mặt của họ, trong đó còn xen lẫn cả lo âu và sợ hãi. Thành Bá Lăng có năm ngôi miếu Thành Hoàng, trong đó Đông Nam Tây Bắc mỗi khu có một miếu, cái còn lại nằm ở trung tâm. Tượng thần được mang đến trước miếu Thành Hoàng ở khu Nam, Trần Cảnh mới biết hóa ra miếu Thành Hoàng này còn chưa bị phá hủy. Trần Cảnh đoán là bọn họ không dám, cho nên mới trước tiên thỉnh mình đến, sau đó tiếp tục phá dỡ miếu Thành Hoàng, dựng thần miếu mới. Chiếc kiệu lớn màu đen tám người khiêng kia được đặt trước miếu Thành Hoàng khu Nam. Thành thủ quỳ lạy tượng thần, sau đó phất phất tay, mọi người sớm đã chuẩn bị sẵn lập tức bắt tay dỡ miếu. Việc dỡ miếu này là bắt buộc, bởi vì khi thỉnh một vị thần linh khác đến, tuyệt đối không phải chỉ đổi tượng thần cũ bên trong là được, mà phải đổi nguyên cả ngôi miếu, ngay cả gạch đá lát nền cũng phải đào ra. Hơn nữa xây thần miếu mới cũng không được dùng gạch ngói từ thần miếu cũ. Đột nhiên có một cơn gió lạnh khác thường thổi ra từ trong miếu Thành Hoàng khu Nam. Một người đang trèo thang dỡ ngói trên mái nhà hét to một tiếng hoảng sợ rồi té xuống. Bốn phía cũng vang lên tiếng la hét đầy sợ hãi. Chợt lại có một cơn gió mát không biết từ đâu thổi tới nâng lấy người nọ, để người nọ rơi xuống đất bình yên vô sự. Cơn gió mát là Trần Cảnh làm phép, những người xung quanh hiển nhiên đoán được, từng người quỳ lạy trên mặt đất. Trần Cảnh cũng không để ý tới mấy chuyện này. Hắn biết cơn gió âm tà kia thổi ra từ bên trong miếu Thành Hoàng thì lập tức đứng dậy, tiến vào trong thần miếu. Trong thành rất nhiều người đều nhìn thấy một bóng mờ xuyên qua rèm vải, từ trong kiệu đen đi ra, lóe lên một cái đã vào trong thần miếu. Không ai bảo mà mọi người cùng yên lặng, lùi về phía sau, nghiêng tai lắng nghe động tĩnh trong miếu Thành Hoàng. Những yêu linh theo Trần Cảnh đến đây thì chia ra bốn phía bảo vệ tượng thần. Chỉ nghe được từ trong miếu vang lên tiếng kiếm ngân vang nhè nhẹ, hào quang tràn ra bên ngoài, sau đó là một tiếng kêu thét thảm thiết. Một con quái vật nửa hư nửa thực phá nóc miếu bay ra, được sương mù xám trắng bao phủ. Từ trên nóc miếu, nó nhìn xuống bên dưới, hai mắt đỏ đậm, tràn đầy vẻ oán độc. Cho dù là đại nho có được tính tình cương trực như thành thủ Nghiêm Trọng, nhìn thấy ánh mắt kia cũng lạnh cả người, thầm nghĩ: "Nguy rồi, nếu nó chạy thoát, con dân khu Nam tất không được bình an." Ngay khi con quái vật muốn chìm vào trong hư không, thì một luồng ánh kiếm lạnh thấu xương bắn ra theo lỗ thủng trên nóc miếu, chém đứt đôi con quái vật. Quái vật hét thảm một tiếng, hóa thành một làn khói bụi tán đi. Một bóng mờ xuất hiện giữa không trung, chính là Trần Cảnh. Mọi người trong thành ngẩng đầu nhìn, cảm nhận được cái lạnh thấu xương từ một kiếm kia của Trần Cảnh, trong lòng bỗng nhiên hưng phấn hẳn lên. Trần Cảnh cũng không biến mất, mà giẫm chân tại hư không, huơ kiếm trong tay, hình thành từng đạo linh phù. - Trừ tà tịnh hóa. Trần Cảnh khẽ quát một tiếng. Hai đạo linh phù khuếch tán, trải rộng bao phủ khu Nam thành. Âm thanh của hắn theo linh phù xua tan sự sợ hãi trong lòng mọi người. Bóng mờ chợt lóe, Trần Cảnh lại chìm vào trong kiệu, biến mất. Nhìn thấy một màn này, mọi người bỗng nhiên không còn sợ hãi nữa, nhìn về miếu Thành Hoàng khu Nam cũng không còn cảm giác âm u nặng nề. - Đây mới thật là thần. Có ông lão đứng ở góc đường kích động nói với thanh niên bên cạnh. Trần Cảnh thì đang cảm thụ cái cảm giác khó hiểu trong lòng kia. Vừa rồi khi hắn làm phép vẽ bùa trừ tà và bùa tịnh hóa thì đã có cảm giác là lạ, nhưng cảm giác này cực kỳ nhạt. Lúc này hắn vẫn đang suy nghĩ cái lạ kia ở chỗ nào, tĩnh tâm cảm thụ. Gần như cùng lúc đó, miếu Thành Hoàng ở ba khu Đông - Tây - Bắc thành Bá Lăng đều xảy ra chuyện tương tự, có điều mỗi thần linh được mời tới lại dùng một thủ đoạn khác nhau. Trần Cảnh cũng không phóng thần niệm đi quan sát, chứ nếu hắn làm vậy, nhất định sẽ đoán được, chuyện cùng một ngày thỉnh thần vào thành, cùng một ngày phá dỡ thần miếu cũ nhất định là kết quả từ quá trình bàn bạc đã lâu của bốn thành thủ trong thành. * * * Cố phủ. Cố nãi nãi ngồi trong phủ, Minh Vi đứng cạnh bà. Lúc này Cố nãi nãi đang nghe Cố Minh Ngọc kể lại chuyện xảy ra. Cố nãi nãi tuy ít khi quan tâm đến chuyện trong phủ, nhưng lúc nào bà cũng có thể hỏi bất cứ chuyện gì, có quyền sinh sát. - Cháu nói là Hà Bá Kinh Hà được mời tới đã từng tới phủ chúng ta sao? Cố nãi nãi nheo mắt, hơi nghiêng người về trước, thận trọng hỏi. - Vâng, thưa nãi nãi. Đó chính là người tặng bùa kiếm cho Vi Vi. Cố Minh Ngọc cúi đầu nói. Tuy y được học một ít đạo pháp, nhưng không dám vô lễ trước mặt Cố nãi nãi. Y còn nhớ rõ, mới trước đây có một yêu đạo xông vào phủ, mấy vị thúc bá có tu pháp thuật đều không thể chống đỡ nổi. Thế nhưng khi yêu đạo kia xông vào nội đường mà vị nãi nãi đầu bạc trắng này đang ở, thì chỉ thấy được hào quang chói lọi tràn ra từ trong đó, mà yêu đạo kia thì chạy trối chết đi mất. Cố nãi nãi trầm tư, lẩm bẩm nói: - Quả nhiên không phải người phàm tục mà... Cố nãi nãi đang nhớ tới lão kiếm khách mặc một thân áo vải giản đơn kia. Theo bà, có thể dạy ra người như Trần Cảnh thì ông ta không thể nào là người phàm tục. Mà Cố Minh Ngọc và Cố Minh Vi lại cho rằng nãi nãi đang nói Trần Cảnh. Cố Minh Ngọc nghĩ thầm, hóa ra lúc trước nãi nãi cũng không biết thân phận thật sự của Trần Cảnh. Cố Minh Vi thì có chút kích động, cảm giác như bùa kiếm nàng đang giấu trong ngực áo nóng lên. "Hóa ra hắn là Hà Bá Kinh Hà, sao vừa rồi ta lại không tới miếu Thành Hoàng nhìn xem chứ." Cố Minh Vi thầm nghĩ, rồi chợt nói với Cố nãi nãi: - Nãi nãi, nếu người đó là Hà Bá, lại có quan hệ sâu xa với Cố gia chúng ta, vậy chúng ta không phải là nên thỉnh Hà Bá về trong nhà sao? Cố nãi nãi ngẫm nghĩ, nói: - Trước hết không vội, chờ sau này hẵng nói đi. Minh Vi, trước đây cháu được Hà Bá gia bế ẵm, lại được ngài tặng bùa kiếm, chứng tỏ cháu và ngài có duyên phận sâu. Cháu hãy đi thay mặt nãi nãi tiếp Hà Bá gia. Cố Minh Vi rất cao hứng, vội vàng đáp: - Vâng, nãi nãi. Nói xong, nàng bước ra khỏi đại điện, càng đi càng nhanh, cuối cùng trực tiếp chạy ra khỏi Cố phủ, chạy thẳng về hướng miếu Thành Hoàng khu Nam. Mà Cố Minh Ngọc lại không hiểu gì cả, bèn hỏi Cố nãi nãi về quá khứ của Trần Cảnh. Cố nãi nãi nói: - Hà Bá gia tên là Trần Cảnh, từng ở cùng một lão kiếm khách cách Cố phủ chúng ta không xa.