Tác giả: Vô Tội
Kể từ khi liên tiếp diệt ba vương triều lớn Hàn, Triệu, Ngụy, Vương Triều Đại Tần đã đón nhận một lượng tu hành giả lớn chưa từng có từ trước tới giờ. Mỗi người trong tầng tầng, lớp lớp người tu hành đều lấy danh phận người Tần mà hãnh diện. Đinh Ninh, một thiếu niên xuất thân Tần Quốc không thể nghi ngờ, sống tại thành Trường Lăng lại mỗi ngày suy tính làm sao phá tan Vương Triều Đại Tần, giết chết Tần Hoàng Đế đã tu hành đến Đệ Bát Cảnh, cảnh giới xưa nay chưa từng có người luyện thành... ============= Lời người dịch: Đinh Ninh chỉ là đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi mà đã có khả năng tư duy, quan sát rất cao, ngay cả việc thể hiện tố chất thông mình ra bên ngoài cũng là dụng ý của nó. Ngay cả chỉ số tư duy của nó cao cũng là một thiên đại bí mật của nhân vật chính. Bên cạnh đó, nó còn tu luyện môn "Cửu Tử Tằm Thần Công" bá đạo, có thể chất Dương Cang Nan Phản hiếm thấy. Lần đầu tiên nghe đến Cửu Tử Tằm Thần Công ta liền nhớ ngay đến bộ phim Thiên Tằm Biến và chợt nghĩ không biết có phải Vô Tội muốn cho chú bé này nhả kén lột xác trên cơ sở này không đây. Đinh Ninh mang thể chất Dương Cang Nan Phản, nếu không có biện pháp đặc biệt thì sẽ chết ở tuổi thành niên, mà tìm đường sống trong cái chết cũng là một mô típ không quá xa lạ. Lại nói, câu cửu tử nhất sinh hẳn là đúng với trường hợp của Đinh Ninh. Cửu tử thì hẳn là "Cửu Tử Tằm Thần Công", môn thần thông này giúp nó có thể hút chân nguyên của kẻ thù, cung cấp chân nguyên cho bản thân nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa khi khiến dòng chân nguyên trong cơ thể trở nên tạp hóa. Vậy, làm thế nào để giải quyết mối họa này, làm thế nào để tìm ra con đường nhất sinh đây. Dĩ nhiên là biến thân thể làm cái lò, dung hòa tất cả các chân nguyên để tạo thành thể thống nhất, đồng thời lợi dụng các đặc tính của mỗi loại chân nguyên để loại bỏ đi khuyết điểm của cơ thể. Tác giả tiếp tục xây dựng nên một đấu trường phức tạp: chiến tranh, cạnh tranh giữa các quốc gia; đấu đá quyền lực, chính trị giữa các nhóm quyền lực trong triều đình; cạnh tranh giữa các hệ phái tu đạo,v.v... Đồng thời, xây dựng nên những lớp hình tượng mạnh mẽ và đầy bí ẩn, đó là: Hoàng đế, hai vị thừa tướng và đặc biệt nhất là "người đó". Cách xây dựng này khá giống truyện Tiên Ma Biến. Người đọc sẽ cảm thấy tò mò, nghi ngờ, ấn tượng với lối miêu tả điểm xuyết nhưng khôn ngoan này. Người đọc sẽ cảm thấy lôi cuốn và muốn tìm hiểu rõ thân thế, tính tình, võ công,... của những người này. Một cái hay trong lối viết của Vô Tội đó là cách phân chia và miêu tả các nhóm thế lực, làm người đọc thích thú với sự giằng co, đấu tranh của các nhóm này, đợi chờ xem mỗi bên sẽ tung ra nước cờ nào, cao thủ nào để đối phó với đối thủ hay ứng đối với sự biến đổi bất ngờ của cục diện chung. Tuy nhiên, sẽ là khó khăn cho những người không quen đọc chuyện mang chút tư tưởng chính trị - quyền lực. Tác giả có thói quen bỏ ngỏ các tình tiết để rồi dần đưa vào các chi tiết, tình tiết mới nhằm mục đích giải thích và xây dựng tiếp nhịp phát triển cho truyện. Điều này khiến câu chuyện an toàn hơn, viết ít sơ hở hơn nhưng cũng khiến người đọc thấy truyện quá mịt mờ, khó hiểu, và đôi khi, cách phát triển tình tiết, nhân vật như trên sẽ chính là gánh nặng cho tác giả khi phải tỉa tót cho tán cây phát triển quá rộng này. Các cảnh giới trong truyện : Nhất Cảnh Thông Huyền, Nhị Cảnh Luyện Khí, Tam Cảnh Chân Nguyên, Tứ Cảnh Dung Nguyên, Ngũ Cảnh Thần Niệm, Lục Cảnh Bản Mệnh, Thất Cảnh Bàn Sơn, Bát Cảnh Khải Thiên, Cửu Cảnh Trường Sinh.