Ông cụ ấy tên là Lý Phụng Khởi, mẹ tôi vẫn luôn gọi là ông nội. Lúc ông còn nhỏ đã từng gặp chuyện ma đập cửa, so với chuyện lần này còn đáng sợ hơn nhiều.
Hiện ông đã qua đời cách đây nhiều năm rồi, nếu như còn sống đến giờ, cũng đã hơn 90 tuổi. Lúc gặp chuyện ma đập cửa ông chỉ mới 10 mấy tuổi, khoảng năm 1930 mấy.
Thời đó nơi này so với bây giờ vẫn còn rất hoang vu, phạm vi chung quanh Tiểu Tịnh Hải mười mấy dặm có 4 ,5 ngôi làng với mấy trăm hộ gia đình. Trời vừa tối không gian liền trở nên tĩnh lặng như tờ, thậm chí không nghe thấy tiếng chó sủa.
Lý Phụng Khởi có 3 người anh trai, một người học việc ở bên ngoài, một người làm công ở bến đò Thuỷ Ngạn, người còn lại ở nhà cắt cỏ nuôi heo.
Theo như lời kể của ông, điều kiện gia đình họ cũng khá, trong nhà có mấy mẫu đất bạc màu, trồng được ngô, cao lương và khoai lang, có thể lắp đầy bụng quanh năm suốt tháng.
Năm đó cũng vào mùa hè, trời đổ mưa liên miên, mưa như trút nước từ sáng đến tối không lúc nào ngừng, kéo dài đến hơn nửa tháng. Trong nửa tháng này, nước sông dâng lên đầy tràn các con mương, thậm chí có những ngôi nhà thấp bé đã bị chìm trong biển nước. Có người không còn nơi để ở, chỉ có thể ngồi co ro trên một chiếc giường. Nước mưa nhấn chìm nhà cửa, có nơi không chống đỡ được, cả người và gia súc đều chết chìm bên trong.
Sau cơn mưa trời trong xanh trở lại, khi nước lớn rút, khắp nơi đều thành vũng lầy, còn có những cành lá chết khô rơi đầy trên mặt đất, nhà cửa đổ sập. Xác động vật chết chìm bên đường, thi thể trắng bệch nổi lềnh bềnh trên sông.
Những người lớn không thích điều này, bởi vì nó sẽ kéo theo nạn đói và dịch bệnh liên miên, nhưng bọn trẻ không quan tâm nhiều, chúng chạy ra ngoài vui vẻ đùa nghịch với nước. Chơi đến lúc đói trở về nhà, người lớn sẽ đem mấy củ khoai đi luộc, vậy là xong một bữa.
Lý Phụng Khởi nói cũng may cha mẹ ông biết cách sống qua những ngày này mới không để cả nhà rơi vào cảnh chết đói trong mùa hè năm đó. Thế nhưng nếu nói dư dả thì cũng không phải, đó là do chắt chiu dành dụm, còn phải để con trai xuống hồ bắt cá, lên bờ bắt nhái, đặt bẫy trong rừng, cả nhà mới có được một bữa cơm đủ đầy.
Có điều ngoài làng trong làng vẫn có người phải chịu cảnh đói khát. Cả nhà bà 3 trong làng ngày thường đều không biết chú ý, đến khi gặp nạn những đứa trẻ trong nhà đói đến mức chỉ biết kêu gào, may nhờ những người trong làng chung tay giúp đỡ mới không chịu cảnh chết đói. Những người khác lại không gặp may như vậy, thường xuyên có người chạy nạn sang đây, chìa hai bàn tay gầy trơ xương ra, trong nhà nếu có thì cũng chỉ cho được một ít, không có thì chỉ đành đuổi ra ngoài.
Cụ ông nói, khoảng thời gian này, ra đường liền có thể nhìn thấy người chết vì đói, người trẻ có người già có, còn có trẻ sơ sinh bị vứt vào bãi cỏ. Chó trong làng hai mắt đều đỏ ngầu, thường xuyên bới xác người để ăn, tranh giành nhau từng miếng thịt, giành không lại cũng sẽ ngoạm một cánh tay hoặc một bàn tay của thi thể rồi bắt đầu bỏ chạy. Ông còn từng nhìn thấy một con chó hoang đang ăn xác một đứa trẻ, trên mặt nó toàn là máu, bụng của đứa trẻ đó đã bị khoét rỗng, một chút tia sáng trong đôi mắt cũng không còn. Cái đầu khô quắt lắc lư theo động tác gặm nhắm của con chó.
Trong khoảng thời gian đó cụ ông luôn nằm mơ thấy ác mộng, trong mơ đều tràn ngập hình ảnh không nguyên vẹn của đứa trẻ bị gặm đó.
Người chết đói nhiều như vậy, trong làng không thể không quan tâm nữa bèn huy động các hộ gia đình, ai có sức góp sức có tiền góp tiền. Nhà góp tiền sẽ mua chiếu rơm quấn xác người lại. Nhà góp sức thì vác xẻng đào hố.
Lúc mới đầu vẫn là tìm một địa điểm chuyên biệt, dùng xe nhỏ chở người đưa đi chôn cất. Thế nhưng về sau người chết thật sự quá nhiều, chiếu rơm cũng không còn đủ để dùng, chỉ còn cách trực tiếp đào hố chôn cất, không sử dụng chiếu rơm nữa.
Cho dù là vậy, dân chạy nạn vẫn không ngừng xuất hiện.
Có người tốt, cũng có người xấu, ở làng có một nhà kia, họ Trương, cũng không có tên, mọi người thường gọi là Trương A Cẩu. Tên Trương A Cẩu này cũng thật chẳng ra làm sao, người gầy như que củi, nhưng lại có một cái đầu rất to. Hơn nữa còn rất xấu, không nói đến miệng méo mắt xếch, lại còn một mắt to một mắt nhỏ.
Tên Trương A Cẩu này được mẹ đưa đến đây, từ nhỏ đã lớn lên ở làng này, bởi vì không có ai quản giáo, trộm cắp lăng nhăng không từ việc gì. Đến năm 16, 17 tuổi thì mẹ qua đời, khiến hắn ngày càng không kiêng nể gì, trèo tường vào nhà goá phụ, xem trộm phòng của các cô gái, không chuyện gì là không dám làm. Sau này có lần còn nhìn trộm con gái của phú hộ Lý tắm rửa, bị đánh gãy chân, lúc này mới dần thay đổi tính nết.
Nhưng thay đổi thì thay đổi, mấy việc như trộm vặt vẫn không giảm bao nhiêu. Nói ra thì không trộm cắp cũng không được, trong nhà thì không có đất, lại quen thói ham ăn biếng làm, làm gì có ai muốn thuê loại người như vậy. Bình thường tên Trương A Cẩu này đã bữa đói bữa no, gặp phải trận mưa lớn liên miên đó, hắn suýt chút nữa đã chết đói trong nhà.
May mắn thay sau cơn mưa trời lại tạnh, hắn vừa bẻ ngô vừa trộm dưa, không dễ dàng gì mới giữ lại được mạng.
Thế nhưng ăn no được một ngày, ngày hôm sau thì thế nào? Nhìn thấy những người dân chết đói dọc hai bên đường, Trương A Cẩu nảy ra một ý tưởng.
Ý tưởng của Trương A Cẩu rất đơn giản, chính là ăn thịt người.