Thượng tuần tháng tư, Thiên tử nhỏ nghe câu chuyện cảm động trời xanh của Tống Phàm và Hoàng Uyển Nhi xong thì xúc động rơi nước mắt, lập tức ân chuẩn hôn sự của phủ Định An Hầu và nhà họ Hoàng. Đây là lần đầu tiên Thiên tử ban hôn vào triều Đại Chu.
Chẳng qua chuyện trọng đại chưa từng có này lại khiến cả hai nhà nháo nhào cả lên.
Hoàng thị lang than khổ luôn miệng, thầm nghĩ vừa mới cứu được con gái khỏi hang sói sao có thể đưa lại về đó được. Lão còn chưa kịp từ chối quanh co thì Tống hầu gia đã tranh lên trước, cáo trạng với Sở Thái hậu là con gái nhà họ Hoàng không biết liêm sỉ, chưa cưới đã bầu, không thể vào nhà họ Tống!
Nghe đâu cha ruột Sở Thái hậu này rất thân thiết với Tống Hầu gia, bà nghe chuyện thì đồng ý ngay, chạy sang chất vấn sao Thiên tử nhỏ lại làm vậy, nói sao thì nhà họ Tống cũng là con cháu nhà tướng, sao có thể ban hôn với kẻ đê tiện như thế?
Thiên tử nhỏ ngây thơ nhìn mẫu hậu: "Nhưng con của Hoàng Uyển Nhi là của Tống Phàm mà, không gả cho Tống Phàm thì gả cho ai?"
Bấy giờ Thái hậu mới biết mình bị lợi dụng, lão già Tống Nghị này chỉ nói Hoàng Uyển Nhi có thai mà không nói là con kẻ nào, hôm nay bà làm chuyện hồ đồ thế này lại thành ra bà không hiểu lý lẽ, thành trò cười cho người khác.
Thế là Sở Thái hậu mặc kệ chuyện này, Tống Nghị đến tìm thì tránh mặt, trai khôn lấy vợ gái lớn gả chồng, ai thích lo thì lo.
Hoàng Đình biết chuyện cũng tức tối, lão còn chưa truy cứu trách nhiệm của Tống Phàm mà nhà họ Tống đã ăn cướp còn la làng, lên trên tố trước. Thế thì đã làm thì làm tới cùng, nhà họ Hoàng lão không có gì đáng hổ thẹn, đồng ý ngay cửa hôn sự này, con ai người đấy nuôi!
Ngày trước Thiên tử nhỏ bị Tống Phàm cướp đèn vẫn chưa được trút giận, nay có cơ hội, cậu bé rất tích cực với vụ hôn nhân này, ngày nào cũng giục Lễ bộ chọn ngày. Lễ bộ không chịu nổi phiền bèn vỗ bàn, bảo mùng năm tháng sau là ngày tốt, hợp đại hôn.
Chẳng mấy chốc khắp đầu đường cuối hẻm, khắp chốn vui chơi đều nhắc đến cửa hôn sự này, còn sinh ra thêm mấy phiên bản. Nghiêm túc thì là gặp nhau Vãn Tình, định tình Thảo Đường, cuối cùng thành người một nhà gì đó. Không nghiêm túc thì có qua lại đã lâu, hẹn hò đêm trăng, củi khô bốc lửa không thể kìm nén... Bản tiên hiệp chí quái còn bảo Hoàng Uyển Nhi là Hồ Tiên đầu thai để báo ơn kiếp trước của Tống Phàm, cảm động trời xanh, mới báo mộng cho Thiên tử ban hôn.
Tóm lại, cách nói kỳ lạ nào cũng có.
Chuyện đến nước này, Tống Nghị không muốn cũng phải chấp nhận.
Tiếc là Tống Phàm thì không.
Đêm hôm đó, phủ Định An Hầu bị đập tơi tả, Tống Phàm chỉ vào Tống Nghị, gào thét: "Ông điên rồi, cho ả cưới ta?"
Tống Nghị bình tĩnh uống trà: "Tự cậu không giữ được nửa thân dưới, diệt cỏ không diệt tận gốc còn muốn trách ai?"
Tống Phàm gằn giọng: "Ông đừng quên ta là ai!"
"Ta còn chưa trách cậu đẻ ra thứ nghiệt chủng phá hoại thanh danh nhà họ Tống ta đâu!" Tống Nghị đặt mạnh chén trà, gằn từng chữ: "Ta chỉ hứa sẽ giữ mạng cho cậu, còn đâu ta không quan tâm."
Tống Phàm cười khẩy: "Để người kia biết ông tìm cho ta một mối hôn sự tốt như vậy, ông đoán xem người đó sẽ nghĩ thế nào?"
"Chuyện do cậu tự gây ra." Tống Nghị "hừ" một tiếng: "Thêm nữa, ta cũng không nợ nần gì các người."
"Ông không nợ gì chúng ta?" Tống Phàm bước lên, đôi mắt hoa đào cười cong tít, mê hoặc lòng người: "Chẳng lẽ phụ thân đã quên Lục Tiểu Lục lúc đầu rồi sao? Đã quên hai trăm tám mươi bảy mạng người kia rồi sao?"
"Mi!" Tống Nghị đứng phắt dậy, chân ghế cọ xuống đất phát ra âm thanh chói tai, bàn tay chỉ vào mặt Tống Phàm run rẩy, cuối cùng lão phất áo bỏ đi: "Tóm lại ta không nhúng tay vào việc này nữa, cậu làm sao thì sao!"
Tống Phàm nghe theo thật, một ngày trước hôn lễ, gã đoạn tuyệt quan hệ với Tống Nghị rồi bỏ đi.
Dù sao người Thiên tử nhỏ ban hôn cũng là tiểu hầu gia phủ Định An Hầu, ai muốn làm thì đi mà cưới.
Kinh thành khắp chốn xôn xao.
Ban đầu Thiên tử nhỏ còn không tin, cố ý phái Đại Lý Thiếu Khanh Tô Sầm đích thân đến phủ Định An Hầu kiểm tra, xác nhận Tống Phàm bỏ đi thật mới ra vẻ đau buồn an ủi Tống Nghị vài câu, đồng thời hạ lệnh truy nã, thề sẽ tìm Tống Phàm về tác thành mối hôn sự này.
Bỗng chốc, trào lưu tìm kiếm Tống Phàm dấy lên khắp cả nước, có người tham gia cho vui, có người muốn lấy thưởng, còn có một bộ phận là kẻ thù Tống Phàm từng đắc tội lúc trước. Đằng nào bây giờ Tống Phàm cũng không liên quan đến phủ Định An Hầu nữa rồi, có oán báo oán, có thù báo thù, không cần quan tâm đến đan thư thiết quyển gì nữa.
Thấm thoắt đã tới tháng sáu, Hoàng Uyển Nhi sinh hạ một công tử, môi mỏng mắt hoa đào, nhìn là biết con của Tống Phàm. Tuy giờ vẫn chưa tìm được Tống Phàm, nhưng Thiên tử nhỏ nói không cần quan tâm lễ tiết, đứa bé này sẽ là thế tử phủ Định An Hầu, sau này thừa kế tước vị, lúc nào tìm thấy Tống Phàm thì bổ sung hôn lễ sau.
Người nhà họ Hoàng kinh ngạc, làm vậy không chỉ giữ được thanh danh cho Hoàng Uyển Nhi mà còn cho đứa bé có một thân phận, luôn miệng cảm tạ hoàng ân, lại cho đứa bé nhận Tô Sầm làm cha nuôi. Được như vậy là nhờ Tô Sầm âm thầm giúp sức, người nhà họ Hoàng không ngốc, bây giờ Tô Sầm được lòng vua, bám vào cậu họ cũng không hại mặt nào. Vả lại nếu sau này đứa bé được thừa kế tước vị thật, nói không chừng còn giúp được Tô Sầm.
Tô Sầm không từ chối được, tự dưng có thêm một đứa con nuôi...
Cuối tháng sáu vẫn chưa hết nóng, mấy cơn mưa lớn liên tiếp trút xuống mới đỡ được phần nào. Tô Sầm ngồi trong Hồ Tâm Đình, bưng đĩa ăn bánh đậu đỏ, nghe mưa ngoài đình rơi trên lá sen, hương sen thơm ngát dào dạt tình thú.
Dạo này Đại Lý Tự không có vụ án gì lớn, trái lại được rảnh rang hiếm có, Tô Sầm không có gì làm bèn sang cung Hưng Khánh nghỉ mát. Hồ Tâm Đình này quả là thắng cảnh, bốn bề nước quanh lại có hoa, liễu che bóng, buông màn xuống thì muốn an nhàn bao nhiêu có an nhàn bấy nhiêu.
Vừa ăn no đang định nghỉ một lát, cậu lại thấy Kỳ Lâm cầm tấu chương đi vội về phía thư phòng Lý Thích, mang theo hoàng phong cấp bách, cực kỳ gây chú ý.
Giờ mới nửa ngày mà đã là chuyến thứ ba.
Tô Sầm thầm nghĩ biên cảnh bị xâm lăng hay nghịch đảng dấy binh? Nghĩ lại dạo này hình như trong triều không có việc gì lớn, chuyện gì mà gấp gáp đến vậy? Cậu lập tức tỉnh cơn buồn ngủ, qua đó hỏi chuyện.
Lúc cậu đến nơi vẫn chưa mưa, không mang ô theo người. Lúc này xung quanh không bóng người, Tô Sầm đành ngắt tạm lá sen che lên đầu, đội mưa chạy qua.
Tuy mưa không lớn nhưng khoảng cách khá xa, khi chạy đến thư phòng đã bị mưa xối ướt quần áo, Tô Sầm không để bụng, mùa hè dầm tí mưa đâu có gì phải ngại, cậu rũ bớt nước mưa rồi vào phòng.
Lý Thích đang đọc tấu chương, hai hàng mày nhíu lại, Kỳ Lâm thì đợi bên cạnh, chờ Lý Thích đọc xong mới hỏi: "Vương gia, làm sao đây?"
Lý Thích ngẩng đầu, vừa khéo trông thấy Tô Sầm ướt như chuột lội. Xiêm áo mùa hè vốn mỏng, lớp y phục bằng voan mỏng bị mưa xối dính vào người, nhìn thấy hết thân thể bên trong, không dưng lại có thêm ý vị khói trùm sông lạnh cát trăng pha. Lý Thích vừa định lên tiếng bỗng dừng lại, mặt trầm xuống, nói với Kỳ Lâm: "Nhắm mắt, ra ngoài."
Tuy Kỳ Lâm chưa hiểu ra chuyện gì những lời Vương gia chính là mệnh lệnh, hắn lập tức nhắm mắt ra ngoài.
"Có phải có việc gì nghiêm trọng không?" Tô Sầm chỉ mải nghĩ đến tấu chương, hoàn toàn không nhận ra Lý Thích có gì khác thường.
Chỉ thấy Lý Thích bỏ tấu chương xuống bước lại, trông mặt hơi khó coi, Tô Sầm nín thở, bỗng nghe Lý Thích nói: "Lớn chuyện rồi."
Lý Thích cởi áo ngoài ra trùm cho cậu, trầm giọng, nói: "Đã ai thấy rồi?"
Tô Sầm ngẩn ra hồi lâu mới hiểu Lý Thích muốn nói gì, cậu dở khóc dở cười, vội bảo: "Không ai thấy, nếu có người thấy em lại đến nỗi không có ô mà che à?"
Lý Thích nghe xong mới dịu đi, lau nước mưa trên mặt giúp cậu, sau đó ngoắc lớp vải dính sát trên người lên, nhíu mày: "Sau này không được mặc voan mỏng nữa."
Voan là chất liệu mỏng nhẹ nhất, mặc vào mùa hè mát mẻ, chỉ mỗi tội hơi trong suốt. Tô Sầm thầm thấy buồn cười, nhưng cũng đành đồng ý: "Được, thế sau này em chỉ mặc gấm thôi, bịt kín cho nổi mẩn mới vừa ý ngài."
Lý Thích bị cậu chọc cười, gõ lên trán Tô Sầm: "Đi thay đồ rồi lại đến gặp ta."
Tô Sầm nghe lời về tẩm cung thay đồ, thu xếp ổn thỏa không còn vấn đề gì nữa mới quay lại. Trông Lý Thích có vẻ đã xử lý xong chuyện rồi, khi Tô Sầm tới nơi thì Kỳ Lâm vừa nhận lệnh lui xuống.
Tô Sầm nhíu mày, không biết có phải Lý Thích ra lệnh hay không mà Kỳ Lâm luôn chọn những lúc cậu vắng mặt đến dâng tấu.
Tô Sầm bước lên hỏi: "Rốt cuộc là chuyện gì?"
Lý Thích gõ góc bàn, trên đó đã có sẵn bát canh gừng.
Tô Sầm nghe lời uống hết, uống đến toát mồ hôi, mới thấy Lý Thích dang tay về phía cậu: "Lại đây."
Tô Sầm quen thuộc ngồi lên đùi người nọ, chỉ thấy Lý Thích day ấn đường, thở dài: "Từ Châu mưa lớn, e là không chống cự được nữa."
Tô Sầm kinh ngạc: "Từ Châu vẫn chưa hết mưa sao?!"
Nửa tháng trước tham gia triều hội cậu đã nghe chuyện Từ Châu mưa lớn liên miên, nay đã nửa tháng rồi mà vẫn chưa tạnh hẳn! Ba mặt thành Từ Châu là nước, vừa là nơi sông Tứ sông Biện giao nhau, Hoàng Hà qua sông Biện chảy vào sông Tứ, rồi lại chiếm sông Hoài đổ ra biển, chảy qua cạnh Từ Châu. Một khi lũ lên đê vỡ, hàng vạn bách tính trong thành Từ Châu sẽ trôi dạt khắp nơi, đấy là còn chưa kể sẽ nhấn chìm ruộng đất, súc vật nhà cửa, nghĩ thôi cũng không rét mà run.
"Thế ba quyển tấu chương này..."
"Ba ngày trước nước tràn vào bốn mươi lăm đô huyện từ chỗ vỡ thôn Tào Thiền Châu, nước sông xuôi nam chia thành hai hướng, một vào sông Bắc Thanh đổ ra biển, nhánh còn lại..." Lý Thích mím môi: "hợp với sông Nam Thanh, vào Hoài."
Tim Tô Sầm hẫng một nhịp: "Vốn dĩ đê điều Từ Châu đã khó mà duy trì, thêm một đợt này nữa, vậy..."
Lý Thích gật đầu: "Ba quyển tấu hôm nay đều là từ Thứ sử Từ Châu, nước sông dâng cao khiến lòng người trong thành hoảng sợ, xin điều Cấm quân đến chống lũ, trấn thủ."
Tô Sầm lo lắng, Cấm quân không nghe Thứ sử điều động mà chỉ nghe lệnh triều đình, xem vẻ là không còn cách khác thật rồi. Vả lại mục đích điều động Cấm quân ai biết nghĩ đều hiểu rõ cả, chống lũ là giả, trấn áp mới là thật, nếu lúc này có loạn dân bạo động thì càng thêm khó xử lý.
"Có thật đến nước ấy sao?"
"Đã phê chuẩn rồi."
Tô Sầm gật đầu, đứng trước thiên tai mạng người quan trọng, cũng chỉ có cách ấy thôi.
Lý Thích nói: "E là triều đình phải phái người xuống trấn an lòng dân, lúc này rồi, không thể để chuyện lòng dân bất ổn tự gây rối loạn xảy ra được."
Tô Sầm ngẩng đầu: "Phái ai đi?"
Lý Thích hỏi ngược lại: "Em thấy ai thì hợp?"
Tô Sầm nhíu mày suy nghĩ: "Việc thế này mà để chức quan nhỏ đi thì không trấn áp được, đây lại là việc long đong vất vả, để người lớn tuổi đi cũng không được, cũng đâu thể chưa kịp làm gì đã bỏ mạng trước, lại còn phải là người thấu hiểu lòng dân, nhìn mầm biết cây." Nói xong thì cười: "Em thấy em phù hợp này."
"Em không được." Lý Thích ngắt lời, thẳng tay bóp nát suy nghĩ của cậu: "Em ở yên tại thành Trường An, không được đi đâu hết."
Tô Sầm ngồi thẳng dậy: "Văn võ khắp triều, trên tứ phẩm chỉ có em là phù hợp nhất, ngài không thể lấy công làm việc tư được!"
Lý Thích mỉm cười miết gáy cậu: "Ta đã chọn xong rồi."...
Hôm sau, Ninh Vương khởi giá đến Từ Châu vỗ về lòng dân.
Tô Sầm tức muốn nghiến răng, hôm qua người này đâu có bàn chuyện chọn khâm sai với cậu, rõ ràng là đã quyết định rồi nên đánh tiếng trước, bảo cậu ngoan ngoãn ở kinh thành đừng làm gì thiếu suy nghĩ.
Bị chơi một vố, Tô Sầm tức mấy ngày ăn không nổi, nhưng vẫn một lòng quan tâm đến tin tức phía Từ Châu.
Đồng thời, người quan tâm đến Từ Châu không chỉ có mình Tô Sầm, Ninh Vương rời triều là việc lớn, các thế lực lần lượt có hành động, mỗi bên ấp ủ ý đồ riêng.
Buổi chầu sớm hôm nay lại nhắc đến việc Từ Châu, mọi người lo sợ tranh cãi không ngừng, Thiên tử nhỏ nghe mà cúi gằm mặt, không biết nên làm thế nào.
Liễu Trình sầm mặt: "Vương gia làm bậy quá, chẳng lẽ trong triều không còn ai nữa sao?" Hắn cố ý nhìn sang Tô Sầm, nói: "Nếu có gì bất trắc xảy ra, ai gánh trách nhiệm đây?"
Thị lang Hộ bộ Hoàng Đình lau mồ hôi lạnh, chắp tay nói: "Hẳn không có điều gì bất trắc. Năm ngoái Hộ bộ vừa chi cho Từ Châu năm mươi vạn lượng tu sửa sông ngòi, đê đập mới xây chắc có thể chống chịu trăm năm không sập."
Tô Sầm thầm thở phào, chỉ cần thành Từ Châu không sao, chắc Lý Thích cũng không có gì nguy hiểm...
Đêm hôm đó, tin khẩn từ Từ Châu truyền về, nước lũ tràn vào, đê đập đã sập.