Chương 111: Tiễn biệt

Trường An Thái Bình

Diêm Diêm 14-10-2023 15:04:21

Phong Nhất Minh đã chọn ngày về, đón tết Nguyên tiêu xong sẽ về Dương Châu. Thật ra y đến chuyến này, Tô Sầm cũng không dám chắc là đến vì Lý Thích hay đơn giản là muốn đón năm mới ở Trường An. Dù sao thay vì lẻ loi ở Dương Châu thì Trường An còn có vài người y quen thuộc. Tìm cớ đến đón Tết, chẳng qua cũng chỉ để kiếm một chỗ dựa tinh thần. Tô Sầm là một trong những chỗ dựa tinh thần của Phong đại nhân, cũng bị bắt phải dự tiệc tiễn y. Tiễn thì tiễn thôi, ăn uống vui vẻ chẳng hề gì. Nhưng Tô Sầm thật sự không hiểu tại sao làm tiệc tiễn biệt lại phải đến chùa? "Thế là ngươi không hiểu rồi." Phong Nhất Minh đứng trước cổng chùa, chỉ lên ba chữ trên cổng: "Chùa này là chùa Thảo Đường..." Tô Sầm cũng nhìn theo: "Bọn ta đâu có mù." "..." Phong Nhất Minh há miệng, cuối cùng quyết định mình đại nhân đại lượng, không so đo với Tô Sầm. Y nói tiếp: "Đến chùa này cầu duyên linh lắm, vậy nên mới được bao nhiêu thiện nam tín nữ coi trọng, hương hỏa rất vượng. Nhưng nếu nói nổi tiếng nhất thì phải kể đến một chiếc giếng trong chùa. Nghe nói nếu gặp người có duyên thì sương mù sẽ tự dưng bốc lên từ đáy giếng, cũng chứng tỏ người hữu duyên này được trời cao lựa chọn, sau này sẽ suôn sẻ trong đường nhân duyên." Tô Sầm mỉm cười: "Phong đại nhân thiếu tự tin vào bản thân đến mức phải tìm đến những chuyện quỷ thần này rồi sao?" Phong Nhất Minh cười khẩy: "Không sánh được với Tô đại nhân đang được lòng trên." Trịnh Dương biết rõ ân oán giữa hai người chỉ khoanh tay đứng nhìn, Ninh Tam Thông lại không biết chuyện gì, đứng ra hòa giải: "Sương mù trong Thảo Đường quả có thể coi là thắng cảnh ở Trường An, nếu đã đến rồi thì vào xem cũng không sao." Không nhìn mặt sư cũng phải nể mặt Phật, Tô đại nhân hạ mình vào chùa, tiếc là cái giếng kia lại không biết điều. Chưa nhìn được cái mép giếng đã có sư trong chùa ra bảo mấy hôm nay đang sửa giếng cổ, tạm không mở cửa. Mấy người hào hứng lên chùa cụt hứng ra về, dâng hương trong điện rồi để lại ít tiền công đức xong thì về phủ. Đến khi xuống núi về thành Trường An, nhà nhà đã bắt đầu giăng đèn kết hoa, chuẩn bị cho tết Nguyên tiêu đêm nay. Thành Trường An giới nghiêm nghiêm ngặt, chỉ riêng đêm này là cổng thành rộng mở, trục đường Chu Tước thông khắp bốn phía, hai bên đường treo kín những đèn lồng lụa đỏ, đến tối còn có người biểu diễn tạp kỹ, khi ấy đèn hoa rực rỡ, vô cùng náo nhiệt. Hai chợ Đông, Tây thì càng tất bật, quán trà quán rượu treo cờ mở cửa, chưa đến tối đã ầm ĩ tiếng người, ai cũng muốn chiếm trước chỗ tốt ngắm đèn trên cao, âu cũng là một cái thú. Bọn Tô Sầm đến rồi cũng tìm một quán trà mà ngồi, đợi đến tối thì cùng lên phố, đỡ cho đến lúc đó đông quá lại không tìm thấy nhau. Một bàn toàn thanh niên tài tuấn ngồi sát cửa sổ thu hút vô cùng, người ngoài cũng chỉ nhìn cái mã, toàn thiếu niên Kim Lăng đương còn trẻ, người quý phái, người trong trẻo, người nho nhã, người chín chắn, mỗi người một vẻ. Lại chẳng hay bàn này có một Trạng nguyên, một Bảng nhãn, còn có cả Truyền lư, chỉ riêng Ninh Tam Thông không có hứng thú học hành nhưng cũng là người biết nhiều hiểu rộng, năm xưa bôn ba khắp chốn cùng thầy là ngỗ tác, chuyện lạ trên đời đều đã thấy cả. Trong lúc nói chuyện lại nhận ra cái thú vị hay ho, mấy người cùng là anh tài hiếm có, chưa quen bao lâu đã quý trọng lẫn nhau. Nói đến chuyện tại sao một công tử quyền quý như Ninh Tam Thông lại có hứng với thi thể, Ninh Tam Thông cầm chén nhớ lại: "Nhớ năm xưa, khi đó tôi mới sáu tuổi, một nhà ở thành Đông bị kẻ thù giết hại cả nhà, anh tôi rảnh rỗi mới kéo tôi đến xem..." Trịnh Dương nói: "Sao đó huynh có hứng với thi thể?" Ninh Tam Thông lắc đầu: "Sau đó ta nôn đầy đường." Mọi người: "..." Ninh Tam Thông nói: "Sau khi về nhà tôi vẫn còn sợ lắm, run rẩy không ngừng, cũng vì thế mà ông anh bị cha đánh một trận. Lúc đó tôi nhát gan, tối không dám ra khỏi chăn đái dầm suốt mấy tháng. Cha tôi thấy vậy mới bảo không được, phải lấy độc trị độc, thế là nhờ một ngỗ tác ở huyện nha dẫn tôi đi khám nghiệm tử thi cùng, nhìn nhiều rồi cũng không sợ nữa." Tô Sầm chỉ biết tuy Ninh Tam Thông còn trẻ mà đã thuộc dạng lõi nghề, giỏi giang hơn mấy ngỗ tác già hay chóng mặt hoa mắt ở Đại Lý Tự lúc trước nhiều, nếu không hắn cũng không phát hiện ra chuyện Lưu Khang thay xà đổi cột. Không ngờ người này đã đi theo ngỗ tác học hỏi chứng kiến từ lúc nhỏ như vậy, tính ra cũng được coi là tay lão làng rồi. "Sau này thầy tôi đắc tội với người ta ở Trường An, bị điều xuống làm ngỗ tác ở một vùng núi hẻo lánh, tôi rảnh quá nên cũng gói ghém đi cùng. Trong núi ít người ở lại phân bố rất thưa, thường xuyên có chuyện người chết mấy ngày rồi mới đến báo án, khi tôi với thầy đi qua, cả đi cả về đã đủ để thi thể thối cả rồi, hình thù kỳ lạ gì cũng có. Tôi nhớ có lần chúng tôi ở trong nhà người chết, thi thể để ngoài sân, nửa đêm còn có sói hoang vào trộm. Tôi với thầy đêm hôm phải giành thi thể với đàn sói, cuối cùng thì giành lại được một nửa, nhưng chỉ cần nửa thân thể đó thôi thầy tôi đã nhận ra ngay người kia chết vì trúng độc, bắt được hung thủ tại chỗ." Cậu đã được chứng kiến tay nghề của Ninh Tam Thông, chắc hẳn người thầy kia của hắn còn tài giỏi hơn nữa, Tô Sầm thương tiếc người tài, bèn hỏi: "Bây giờ thầy huynh đang ở đâu?" Ninh Tam Thông bất đắc dĩ cười: "Nhiều năm trước thầy tôi bị người ta hại ở Trường An, không muốn về nữa, nay đã chu du bốn bể, tôi cũng không biết đang ở đâu." Phong Nhất Minh cũng nói: "Cao nhân thường coi khinh tranh đấu triều đình, giờ được tự do tự tại có khi mới là thỏa ý." Tô Sầm lại hỏi: "Năm đó thầy huynh xử án gì, tại sao lại có người hại một ngỗ tác như ông?" Ninh Tam Thông lắc đầu: "Lúc đó tôi còn nhỏ, vụ án đó là do Đại Lý Tự xử lý, thầy tôi không cho theo, tôi chỉ nhớ đó là khoảng những năm Vĩnh Long, chắc là Vĩnh Long hai mươi hai... Đúng rồi, chính là năm ấy, Tiên Đế kế vị, hai năm sau khi tôi với thầy đi là đã sang Thiên Thú rồi." "Năm Vĩnh Long hai mươi hai, Đại Lý Tự xử án?!" Tô Sầm giật nảy, những vụ án vào năm Vĩnh Long hai mươi hai do Đại Lý Tự xử còn tìm được chỉ có hai vụ, một là vụ án Điền Bình Chi, hai là Lục Tiểu Lục. Tuy vụ Lục Tiểu Lục cùng vào năm đó nhưng lại không diễn ra ở kinh thành, vậy cũng tức thầy của Ninh Tam Thông là ngỗ tác trong vụ Điền Bình Chi! Một vụ án sĩ tử nho nhỏ lại khiến cho Đại Lý Tự Khanh Trần đại nhân bị biếm chức, giờ xem ra cả ngỗ tác trong vụ án cũng bị đuổi khỏi kinh, rốt cuộc vụ án này có gì khác thường lại kéo theo nhiều người như vậy? Tô Sầm chỉ bảo lúc nào Ninh Tam Thông có tin về thầy thì báo cho cậu, nghĩ bụng liệu có thể tìm được chút manh mối nào từ thầy Ninh Tam Thông hay không. Ninh Tam Thông gật đầu đồng ý, sau đó mọi người quay lại chủ đề lúc trước, tiếp tục nói về những thi thể kỳ lạ Ninh Tam Thông từng thấy. Không lâu sau trời đã nhá nhem tối, có vài nơi đã dần lên đèn, Trịnh Dương tựa sát cửa sổ nhìn ra xa, nhìn một lúc bỗng quay lại nói: "Các huynh nhìn xem ai kìa." Mọi người đều đưa mắt nhìn sang, nói ra thì đúng là họ có biết thật, chính là Tống Phàm bị đánh ở cung Hưng Khánh lúc trước. Lúc này mũi gã đã lành, mỗi tay ôm một người nghênh ngang dạo phố, bây giờ gã đang đứng trước một sạp đèn lồng, khua tay múa chân với một đứa trẻ. Trịnh Dương nói: "Bảo sao Hoàng Miễn lại đánh gã, Tống Phàm này quá đáng thật, chưa xóa bỏ hôn ước với Hoàng Uyển Nhi đã ngông nghênh bỡn cợt gái gú giữa đường giữa sá." Ninh Tam Thông cũng nói: "Ta thấy có khi Hoàng Uyển Nhi kia bỏ đi là vì không muốn thành hôn với gã đấy." Tô Sầm lại không để mắt đến Tống Phàm, cậu nhìn ra ngoài cửa sổ một chốc, bỗng hỏi: "Các huynh có thấy đứa bé kia hơi quen không?" Bấy giờ mọi người mới nhìn sang. Phong Nhất Minh nhíu mày: "Đúng là hơi quen." Ninh Tam Thông cũng gật đầu: "Hình như là gặp ở đâu rồi." Nhìn đến khi Tống Phàm cướp đèn lồng trong tay đứa bé, nghênh ngang bỏ đi Trịnh Dương mới vỗ bàn: "Thiên tử nhỏ!" Mọi người chợt tỏ, đây chẳng phải Thiên tử nhỏ vẫn ngồi trên triều đường hằng ngày sao! Nay cởi bỏ áo vua, thay đồ bình thường, suýt thì họ đã không nhận ra. Nhìn Tống Phàm huênh hoang bỏ đi, mọi người thầm than: Tống Phàm chết chắc rồi. Đúng lúc này đứa bé kia cũng nhìn lên, chạm mắt với bọn Trịnh Dương. Nếu đã nhận ra nhau rồi thì bọn Trịnh Dương không thể khoanh tay đứng nhìn nữa, đều xuống dưới hành lễ với Thiên tử nhỏ. Thiên tử nhỏ vẫy tay, giọng lanh lảnh: "Trẫm cải trang xuất cung, các khanh không cần hành lễ." Trong đám có Trịnh Dương là thân với Thiên tử nhỏ nhất, y ngồi xuống, hỏi: "Sao bệ hạ lại ra đây?" "Hôm nay mẫu hậu chủ trì làm lễ tế thần tằm, trong cung toàn ca múa lại mấy bài từ năm trước, chán lắm, nên trẫm lẻn ra chơi." Thiên tử nhỏ chìa tay với Trịnh Dương: "Dương ca ca dẫn trẫm đi chơi được không? Diên Phúc không biết gì hết, ta không đi với hắn nữa đâu." Thái giám tên Diên Phúc toát mồ hôi: "Nô tài vào cung tử nhỏ, quả thật không hiểu rõ tập tục bên ngoài." Trịnh Dương nghĩ lại, bỏ cậu bé ở đây y cũng không yên tâm, thế là đành bế cậu lên: "Thần có thể đưa bệ hạ đi chơi, nhưng đến giờ là phải về, nếu không Thái hậu nương nương trách tội, chúng thần cũng phải vạ." Thiên tử nhỏ đồng ý luôn, đợi khi cao ngang hàng với mọi người cậu mới cười với Tô Sầm: "Tô Sầm cũng ở đây à." Sau đó lại nhìn hai người còn lại: "Sao không thấy Thôi Hạo đâu?" Thiên tử nhỏ chỉ nghĩ đỗ đầu có ba người, nếu đã có hai rồi thì người thứ ba cũng nên ở đây. Trịnh Dương cười xòa: "Thôi Hạo không ở đây. Đây là cháu nhà Ninh Thái phó, bệ hạ cứ gọi Ninh Tam là được, còn đây..." Phong Nhất Minh bẩm: "Thần là Giang Hoài Diêm Thiết Chuyển Vận Sứ Phong Nhất Minh, tham kiến bệ hạ." Thiên tử nhỏ gật đầu, hỏi tiếp: "Thế Thôi Hạo ở đâu?" Họ cũng không thể nói mình không thân với Thôi Hạo, Tô Sầm bèn đổi chủ đề: "Bệ hạ, vừa nãy có chuyện gì thế?" "À, nói đến trẫm lại giận." Thiên tử nhỏ tạm bỏ qua Thôi Hạo: "Ban đầu là trẫm ưng cái đèn lồng kia trước, nhưng người kia cứ bảo mỹ nhân nhà hắn cũng thích, đòi trẫm nhường cho, trẫm không chịu thì giành của trẫm, đúng là tức chết đi được!" Trịnh Dương trêu: "Thần biết người đó là ai đấy, có cần thần bảo cho bệ hạ báo thù không?" Thiên tử nhỏ nhíu mày suy nghĩ, cuối cùng chỉ khoát tay: "Thôi vậy, hắn cũng chỉ giành một cái đèn lồng thôi, đâu có tội danh gì để trị tội, có biết cũng vô dụng." Tô Sầm khẽ cười, lúc trước cậu chỉ thấy Thiên tử nhỏ ngồi trên điện, nền nếp ngay ngắn, bị đủ thứ quy củ ràng buộc, không thể tự quyết định chuyện gì. Giờ xem ra đây cũng là một vị vua tốt công tư phân minh, thấu hiểu đạo lý.