Sáng đi làm một mình, Tùy Ngưỡng nhận ra mình không thể tập trung được, bất cứ lúc nào, mỗi vài phút anh lại muốn mở camera ra nhìn, theo dõi thỏ con trong nhà đang làm gì.
Anh đã cố ý dặn giúp việc hôm nay không đến dọn, Tạ Mân bèn ở nhà mở tiếng xem phim rất to.
Chú thỏ trên sô pha cực kỳ lười, nằm mỗi tiếng mới hơi dịch người một lần. Tùy Ngưỡng nhớ lại trước đây Tạ Mân nằm trên giường anh chơi game, vì lười đổi tư thế, tay hắn tê đến nỗi không cầm nổi điện thoại để điện thoại rơi vào mặt, sau đó ngồi dậy hờn dỗi vì đau quá.
Đến chiều, Tùy Ngưỡng có một cuộc họp dự án mới, song anh bỗng dưng phát hiện thỏ con trên sô pha biến mất.
Anh lập tức quay lại văn phòng, vừa đổi sang camera khác để kiểm tra vừa mở loa, hỏi: "Tạ Mân, cậu ở đâu thế?".
"Tôi rơi xuống thảm rồi," không biết giọng Tạ Mân phát ra từ đâu: "Sô pha phòng khách nhà cậu hơi trơn".
"... Cần tôi về nhà không?" Tùy Ngưỡng phóng to màn hình, cuối cùng cũng tìm thấy Tạ Mân... Giữa tấm thảm lông cừu màu trắng có một vết lõm nhỏ, một chút hồng hồng lấp ló giữa thảm lông trắng, là tai thỏ của Tạ Mân.
"Không sao đâu," Tạ Mân từ chối: "Nằm thảm cũng thoải mái lắm, tôi tìm được chỗ phù hợp để xem phim rồi, không bị che mắt đâu".
"Cậu cứ làm việc của cậu là được, đừng tự nhiên bắt chuyện với tôi, sợ lắm." Hắn nấp trong thảm lông cừu, kiên quyết ra lệnh.
Tùy Ngưỡng không nói gì, nhìn màn hình, thầm nghĩ mình có nên bảo thư ký hủy bữa tối rồi về nhà luôn không. Nhưng ngay sau đó, đại sư Dịch gọi đến.
Anh tắt loa kết nối với camera trong nhà đi, nghe điện thoại.
Đại sư Dịch nói với anh, vị khách hẹn hôm nay bận việc đột xuất nên đổi ngày, hỏi Tùy Ngưỡng có muốn đẩy lên tư vấn sớm không.
Tạ Mân không ở văn phòng, Tùy Ngưỡng nên từ chối mới phải, nhưng anh nhận ra mình gần như không hề do dự, ma xui quỷ khiến đồng ý ngay.
Kết nối video, một người đàn ông trung niên để râu dê, khoác áo đạo sĩ ngồi đối diện. Tùy Ngưỡng từng gặp đại sư Dịch này trong mấy buổi khánh thành dây chuyền sản xuất rồi, có điều cũng chỉ quen sơ, chưa nói với nhau được mấy câu.
Đại sư Dịch chắp tay áo, cười với Tùy Ngưỡng: "Anh Tùy, hôm nay anh muốn tư vấn chuyện gì thế?".
Cảnh tượng này thật sự là hơi ảo ma.
Tùy Ngưỡng theo chủ nghĩa vô thần, bảo anh kể lại tường tận chuyện mình và Tạ Mân gặp gỡ cho một đạo sĩ xa lạ ăn mặc khác thường thì đúng là hơi khó. Vả lại anh cũng không biết trình độ của đại sư Dịch thế nào, khó mà tin tưởng hết được.
Suy nghĩ một lát, Tùy Ngưỡng nói: "Chuyện là thế này, tôi có một người bạn bị tai nạn xe, thương tích không nặng lắm, các chỉ số sau khi phẫu thuật cũng bình thường, nhưng mãi không tỉnh lại, không biết đại sư tính giúp tôi nguyên nhân được không?".
"Thế thì có nhiều khả năng lắm," đại sư vuốt râu, chần chừ nói: "Anh Tùy, bác sĩ bảo sao?".
"Bác sĩ hội chẩn không ra kết quả chính xác," Tùy Ngưỡng nói: "Chỉ bảo quan sát thêm thôi".
"Có rất nhiều nguyên nhân để một người không thể tỉnh lại," đại sư Dịch dừng một lát, nói: "Có thể cho tôi bát tự của bạn anh không, tôi tính thử cho".
Yêu cầu này không đến mức quá đáng, Tùy Ngưỡng đọc bát tự của Tạ Mân cho ông ta, bên kia video, đạo sĩ nhắm hờ hai mắt, lầm bầm gì đó.
Tùy Ngưỡng không có thói quen cầu Thần bái Phật, lúc đợi đại sư tính quẻ, anh không khỏi hơi lúng túng. Anh đoán rằng nếu Tạ Mân ở đây, có lẽ hắn đã khua tay múa chân bảo anh tắt video, cười nhạo anh bị lừa tiền rồi.
Đại sư chưa bắt đầu tính bao lâu đã đột ngột mở mắt, nhíu mày, nhìn Tùy Ngưỡng: "Bạn của anh không phải chưa tỉnh, mà là đã dùng bùa tráo hồn, hơn nữa còn là sản phẩm của bần đạo".
Tùy Ngưỡng sững sờ, đại sư Dịch lại có vẻ trầm tư, nói: "Tôi làm bùa này rất tốn sức, mấy năm gần đây không làm mấy, không biết bạn anh có bùa này từ đâu?".
Tùy Ngưỡng nhìn đại sư Dịch, bỗng nhớ lại một chuyện anh gần như đã quên hẳn.
Nhiều năm trước, lần đầu tiên Tùy Ngưỡng gặp vị sư phụ trong lời Ngô Khải Khang này. Khi đó công ty anh đổi địa chỉ xưởng, Ngô Khải Khang mời đại sư Dịch về làm phép.
Xong việc, đại sư Dịch và đồ đệ vào phòng nghỉ uống nước. Mấy lãnh đạo trong công ty anh không nhiệt tình lắm, vừa thấy ông vào, mọi người đều ra ngoài.
Tùy Ngưỡng lịch sự nói với ông vài câu, sau đó đạo sĩ chợt bảo Nam Viên quyên cho ông một khoản rất lớn, muốn tặng một món đồ cho Tùy Ngưỡng. Sau đó ông ta bảo đồ đệ lấy một phong thư ra, nói là làm bùa gì đó cho anh.
Sau khi lấy tờ giấy vàng ra khỏi phong thư, đại sư nói gì đó với Tùy Ngưỡng, rồi trải tờ giấy lên bàn. Tùy Ngưỡng thật sự không có hứng với mấy thứ này, cũng không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ lúc đó đại sư bảo Tùy Ngưỡng viết tên một người quan trọng lên bùa.
Tùy Ngưỡng muốn từ chối, nhưng trước sự thúc giục nhiệt tình, anh đành nhận bút, tay ngập ngừng một lát rồi viết hai chữ "Tạ Mân" lên giấy.
Đại sư cất tờ giấy vàng đi, Tùy Ngưỡng cũng quên luôn chuyện này, không ngờ rằng lại có ngày mình nhớ lại nó.
"Dùng đến lá bùa này là bởi hồn phách của cậu ấy khó chịu đựng được cơn đau thể xác," đại sư nói với Tùy Ngưỡng: "Hẳn bây giờ cậu ấy đang ở trong một đồ vật có hình dáng gần giống con người, anh Tùy không cần lo quá, đợi cơ thể khỏe lại chút nữa cậu ấy sẽ tự quay về. Bây giờ bần đạo cũng không làm gì được".
"Mặc dù không phải không thể ép bạn anh quay về cơ thể," đại sư nói: "Nhưng có lẽ cậu ấy sẽ phải gánh chịu nỗi đau khó mà chịu nổi".
Tùy Ngưỡng không ngờ lại tìm ra nguyên nhân Tạ Mân biến thành thỏ dễ dàng như vậy.
Lòng anh rối ren, nhớ đến Tạ Mân giờ này đang trốn trong thảm lông cừu nhà anh xem phim, anh nghĩ một lát, nói: "Đại sư, tôi có chuyện này muốn nhờ đại sư".
Dù vẫn hơi khó khăn, Tùy Ngưỡng vẫn kể đơn giản chuyện của Tạ Mân cho đại sư, ngó lơ bộ dáng không thể nhịn cười của đại sư, anh nói: "Tôi muốn nhờ đại sư gọi lại một lần vào ngày mai, nội dung trao đổi của chúng ta vẫn gần giống hôm nay, nhưng đại sư đừng nhắc đến chuyện bùa chú".
"Đại sự chỉ cần nói là vì cậu ấy khó chịu được nỗi đau bệnh tật nên mới tráo hồn sang một vật chết, cũng đừng nói có cách ép hồn cậu ấy về, nói cậu ấy khỏe lại rồi sẽ tự quay về là được," Tùy Ngưỡng bình tĩnh nói: "Có thể thương lượng giá cả".
Ngắt điện thoại, Tùy Ngưỡng ngồi thừ người trong văn phòng mấy phút.
Anh đang cố gắng tiếp nhận sự thật khác thường này, chưa thấy triển vọng gì, anh lại mở camera trong nhà ra, chiếc tai thỏ màu hồng vẫn nằm giữa thảm lông cừu trắng.
"Nếu tai nạn không nghiêm trọng thì có lẽ cậu ấy sẽ quay về cơ thể của mình sớm thôi," đại sư nói với anh như vậy: "Chuyện ham ngủ mà anh nói có lẽ là do cậu ấy đang làm quen với cơ thể".
Đây không phải lần đầu tiên Tùy Ngưỡng tự quyết định một chuyện mà anh nghĩ là tốt cho Tạ Mân, bởi vậy lúc này, phần nhiều cảm giác trong lòng anh chỉ là không chắc chắn và chết lặng. Mà không phải Tạ Mân chưa từng tự ý quyết định, Tùy Ngưỡng nghĩ.
Mà đúng là Tạ Mân rất sợ đau, không nhất thiết phải cho hắn biết có cách ép hắn rời khỏi con thỏ.
Tùy Ngưỡng nhớ rõ dáng vẻ đau đến nhăn cả mặt của Tạ Mân khi bị thương.
Sáng sớm ngày hai mươi tháng mười hai năm lớp mười một, trời Dư Hải mưa tầm tã.
Tạ Mân muốn bảo tài xế đi đường vòng qua khu Bảo Tây đón Tùy Ngưỡng, lúc nói chuyện bố hắn cũng nghe thấy. Bố hắn nổi trận lôi đình, Tạ Mân bèn cãi nhau với ông ta, bố hắn đập vỡ chén, mảnh vỡ văng ra quệt vào mu bàn tay Tạ Mân, chảy rất nhiều máu.
Tạ Mân không cầm ô chạy thẳng ra khỏi nhà, bắt xe đi đón Tùy Ngưỡng, trên đường còn đỗ lại nhà thuốc mua băng gạc, tự băng bó trên xe.
Tùy Ngưỡng ngồi lên xe, thấy mặt và tóc Tạ Mân ướt sũng, tay thì quấn tròn như bánh bao, bèn hỏi hắn có chuyện gì. Tạ Mân khăng khăng nói mình bị ngã, không chịu nói thật.
Tùy Ngưỡng nhìn hắn một lát, hắn đành khai thật.
Tạ Mân lầu bầu nói "Bố tôi là người như vậy đấy, nâng cao đạp thấp, chuyên gia bợ đít","Hồi trước ngày nào ông ấy cũng nghe ngóng xem cậu học gì, ép tôi với Tạ Trình học theo cơ".
Nếu như mọi ngày, Tùy Ngưỡng sẽ đùa với hắn vài câu, chọc Tạ Mân phải nhảy dựng lên cãi nhau với anh. Nhưng hôm đó Tùy Ngưỡng không có tâm trạng đùa với hắn, chỉ muốn biết nguyên nhân Tạ Mân bị thương.
Không biết vì mất máu nhiều quá hay do lạnh mà gò má Tạ Mân trắng bệch.
Mắt hắn hơi xếch lên, lúc lạnh mặt thì trông rất khó chơi, lúc ngó lơ người khác thì rất kiêu ngạo, nhưng hôm đó trông hắn vừa không hung dữ cũng không kiêu ngạo, chỉ có hơi đáng thương.
Thấy Tùy Ngưỡng im lặng, Tạ Mân mới đẩy anh, phụng phịu nói: "Nói rồi đó, không được trợn mắt với tôi nữa".
Tùy Ngưỡng xin tài xế ít giấy lau mặt và tóc giúp Tạ Mân, sau đó anh tháo lớp băng xộc xệch của hắn ra, khử trùng bằng tăm bông cồn nhà thuốc tặng kèm. Tài xế vẫn luôn theo dõi họ qua kính chiếu hậu, mưa trút lên trần xe tạo ra tiếng ồn rất lớn.
Vết thương của Tạ Mân dài mảnh, nhưng không sâu, tăm bông vừa chạm vào hắn đã bắt đầu kêu oai oái, nói với Tùy Ngưỡng: "Đau chết mất, nhẹ thôi".
"Đến trường thì qua phòng y tế trước,"Tùy Ngưỡng nhớ mình đã nói: "Nếu phải khâu thì đi viện".
"Không cần khâu đâu nhỉ?" Tạ Mân bắt đầu mặc cả với anh, hỏi: "Khâu có đau lắm không?".
Tùy Ngưỡng cũng không biết, anh bèn an ủi hắn "Chắc là tiêm thuốc tê được mà", Tạ Mân nghe vậy mới miễn cưỡng nói "Được rồi".
Trước đây Tạ Mân hay ầm ĩ, nhưng trước mặt Tùy Ngưỡng lại rất ngoan, chỉ cần Tùy Ngưỡng nghiêm túc thì hắn sẽ nghe lời.
Mấy năm nay, Tùy Ngưỡng thường xuyên nhớ lại quá khứ, bác sĩ Trác không tán thành anh làm như vậy, cô nói làm vậy sẽ chỉ tổn hại đến trạng thái tâm lý của anh.
Nhưng Tùy Ngưỡng rất khó kiểm soát bản thân mình. Anh nhớ cơ thể luôn lạnh toát của Tạ Mân, nhớ tính cách nóng nảy của hắn, nhớ những lời oán trách của cậu công tử được chiều chuộng, và cả những tính tốt của Tạ Mân, và sự ấm ức Tạ Mân phải chịu vì anh.
Bây giờ Tùy Ngưỡng đã không còn tư cách trợn mắt với Tạ Mân bắt hắn nghe lời mình nữa rồi, dù anh có nghiêm túc khuyên nhủ cũng chưa chắc Tạ Mân sẽ chấp nhận ý kiến của anh.
Trong màn hình, Tạ Mân nằm giữa thảm lông cùng bỗng dịch người, cơ thể màu hồng hở ra nhiều hơn. Hắn xem phim rất chăm chú, như thể đang xem bù tất cả những bộ phim mình chưa xem trong mười năm làm việc không ngừng nghỉ của mình.
Ít nhất ở trong con thỏ nhà anh vẫn thoải mái hơn nằm chịu đau đớn trong bệnh viện.
Tùy Ngưỡng tự "hợp lý hóa" quyết định của mình như vậy, cũng sẵn lòng chịu trách nhiệm, dù sao Tạ Mân cũng không phải ở bên anh lâu lắm.