Q1 - Chương 010: Ngoài kia là thiên hạ của người Hán. (1)

Hán Hương

Kiết Dữ 2 20-02-2023 19:01:14

Dùng một cái dùi khâu bao tải thì sao làm quần áo được đây? Có điều nếu đang ở thời Hán thì cũng chẳng lạ gì, đến các bà cụ thời Đường còn phải dùng sắt mài làm kim nữa mà, cái dùi nhọn này hẳn là công cụ may vá không tệ thời này, cái câu "có công mài sắt, có ngày nên kim" là thật đấy, cây kim hồi xưa làm ra như thế đấy. Trên tường treo cuộn gai, Vân Lang rên khổ sở, kéo một sợi xuống, chặt tiếp thành mười mấy sợi, đặt lên tảng đá, rồi dùng chùy gỗ ra sức đập, đập tới khi sợi gai mềm ra, lại lấy cái gậy, dưới gậy buộc một cục đá, bắt đầu mài dây thừng. Chỉ vẻn vẹn công việc này mà tốn của y một tiếng, nắm cuộn chỉ gai ngắn mảnh trên cái que, cảm khái vạn phần. Cái bộ quần áo mà Thái Tể kiếm được là áo gai, mặc lên người như giũa sắt, làm làn da mong manh của Vân Lang khốn khổ. Cho dù là cái áo đó đã bị người chết mặc rất lâu, sớm rách tùm lum hết, sợi gai vẫn quá thô, cọ vào da thịt làm sao dễ chịu cho nổi, mặc còn khó chịu hơn không mặc. Tấm da gấu kia thì cực đẹp, khẽ thổi một cái, lớp lông dầy biến thành xoáy, là loại da thượng đẳng, quyết định dùng nó để làm quần áo. Vân Lang có một cái đao nhỏ, theo như lời của Thái Tể, chỉ cần là người Tần thì trên người đều phải có một thanh đao, khi không có việc gì thì dùng để ăn thịt, khi có việc thì dùng để giết người. Chỉ vẻn vẹn câu này đã thể hiện rõ tâm thái của người Tần thời xưa, bọn họ không có khái niệm phòng thủ, bọn họ luôn là phe tấn công, đao là dùng để mở mang bờ cõi, nếu không thì nó có lưỡi sắc làm gì? Nói vậy chứ cái thành đao của Vân Lang chẳng sắc tí nào, đao làm bằng đồng thau thì làm sao mà sắc nổi, dù có sắc thì đem cắt da gấu dày một lúc cũng thành cùn. Vân Lang phải đem mài trên đá liên tục mới giữ được sự sắc bén của nó. Vân Lang hồi nhỏ cũng thường tự làm áo cho mình, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới làm một cái áo mà khó khăn tới mức đó, mà y có yêu cầu gì nhiều cho cam, chỉ vẻn vẹn là thứ giữ ấm thôi mà. Từ bé y đã làm rất nhiều việc kiếm tiền, những việc thủ công từng làm vô số, cho dù là làm thứ ít sở trường nhất thì hiệu suất cũng cao hơn bây giờ rất nhiều. Grào! Khi Vân Lang đang chiến đấu vất vả với tấm da thú thì con hổ như cơn gió từ sau tảng đá lớn thình lình lao ra, há cái mồm đỏ lùm phun ra một luồng hơi nóng, con hươu tội nghiệp ré lên một tiếng, lao vào lòng Vân Lang, run bần bật. Vân Lang bây giờ không còn sợ trò chơi ác của con hổ nữa rồi, lờ nó đi quay sang vỗ vỗ đầu con hươu an ủi, nghi ngờ cái con này thích tự ngược, thả cho đi không đi, ở lại đây để một ngày bị con hổ mất dạy kia dọa cho vài lần mới thích cơ. Đợi một lúc con hổ ngốc kia vẫn ngồi trên tảng đá lớn thở, không thấy Thái Tể đi lên làm Vân Lang lo lắng, không có ông ta, y không dám khẳng định mình có thể sống được ở chốn hoang vu này. Phải biết rằng bây giờ y trắng trẻo mềm mềm, ăn sẽ rất ngon, không như lúc giống cục than cháy. Buộc cái quần da gấu bán thành phẩm vào hông, Vân Lang vất vả trèo lên tảng đá lớn nhắn thín, ôm đầu con hổ nhìn xuống con đường nhỏ ngoằn ngoèo, đường trống không, do con hổ vừa đi qua, ngay cả bọn sóc nghịch ngợm cũng biệt dạng, theo bản năng hỏi: " Ông ấy không sao chứ?" Con hồ kiêu lắm, nó lờ đi như điếc, vẫn nhìn con hươu cái muốn nhảy lên tảng đá tìm Vân Lang che chở. Tảng đá lớn này với Vân Lang mà nói là giải phân cách, ngoài kia là vùng hồng hoang nguyên thủy, phía sau là nơi tạm an thân. Y sẽ không vì sự tò mò mà dại dột chạy ra bên ngoài khám phá, ít nhất khi chưa chắc chắn ngoài kia an toàn thì y không đi, vì Thái Tề cũng không được, ai hoặc cái gì giết được ông ta thì cũng giết y dễ như trở bàn tay. Điều duy nhất có thể làm là cùng con hổ ngồi an toàn trên tảng đá đợi Thái Tể về. Tảng đá đầy đủ ánh nắng, con hổ dang tứ chi ra lười nhác tắm nắng, thấy nó thư giãn, Vân Lang cũng dần yên lòng trở lại, nơi này thích hợp để làm việc hơn, lôi cái quần ra sửa sang. Khi mặt trời xuống núi, Vân Lang đã làm xong quần, không phải cái loại áo thâm như của Thái Tề, leo lên tảng đá cũng rách lộ cả mông đen xì ra ngoài. Cơm gạo đã nấu xong, thịt muối cho hổ đã chuẩn bị xong, rau dại xào qua với mỡ lợn rừng, đũa đã dùng nước sôi luộc. Thái Tể vẫn chưa về. Cảm giác chờ đợi vô cùng đáng ghét, Vân Lang không thích đợi người khác, quá giờ hẹn một chút là y trở nên bức xúc bực bội. Trời tối hẳn rồi, bên ngoài mưa rơi tí tách, Vân Lang nhìn cơm rau đã nguội lạnh, khoanh chân ngắm mưa rơi. Gió lạnh thổi qua, Thái Tể cuối cùng cũng về. Bộ dạng của ông ta rất chật vật, cái áo thâm rách dính toàn bùn đất, vỏ kiếm càng bị trét bùn nhìn không ra là cái gì nữa, Vân Lang đi tới muốn đỡ bị ông ta đẩy ra, loạng choạng đi tới ngã xuống đống thẻ trúc, thở như bếp bễ. Đó là triệu chứng thoát lực. Trước kia Thái Tể chăm sóc y, giờ tới lượt y chăm sóc Thái Tể, cuộc đời chính là vòng luân chuyển. Cởi quần áo ướt sũng của Thái Tể ra, ngực ông ta có vết tím bầm, xem ra bị người ta đấm, Vân Lang không hỏi là ai làm, chỉ biết con thuyền này ngồi không vững rồi. Hồi sức rồi Thái Tể lặng lẽ nhận cơm Vân Lang đưa cho, rưới lên ít nước thịt, ông ta không ăn rau, ăn nhồm nhoàm hết bát cơm thì ngã xuống đống thẻ trúc, chớp mắt đã ngáy như sấm. Vân Lang ăn cơm, rửa bát đũa, ngồi xuống bên bếp lửa, dùng cái kim lớn may áo. Quần áo làm theo kiểu này không thể tốt được, chẳng qua là khâu lớp vải gai bên trong lông gấu, sau đó buộc vài cái nút để thay cho cúc, nếu mà có lụa, Vân Lang làm được cái nút đẹp hơn, đó là bản lĩnh học được khi cùng bà Vân làm gia công áo sườn xám cho người ta. Trước khi ngủ, Vân Lang không chỉ làm xong cái áo, còn vá lại cả quần áo cho Thái Tể, vặn mình một cái, nhìn quanh căn phòng đá bị khói hun đen xì, chỉ biết thở dài. Thực ra cái nhà này chẳng thiếu thốn cái gì cả, chẳng qua bị kiểu sống tùy tiện của Thái Tể làm cho như chuồng lợn. Ý nghĩa của cuộc sống là ở hai chữ chăm chỉ, hoàn cảnh sinh sống của một người thể hiện phong mạo tinh thần của một người ở mức độ rất cao. Vân Lang cho rằng, Thái Tể có thể lôi thôi tùy tiện, còn cuộc sống mới của mình vừa bắt đầu, vạn vạn lần không thể tạo thành thói quen tùy tiện như thế, lâu dần sẽ trở thành lười biếng tùy tiện, cuối cùng biến thành ông ta. Nhưng bản lĩnh phải như cơm đã ăn vào trong bụng, tự mình biết no thế nào là được, không cần nhổ ra cho toàn thế giới biết. Cho nên ở hoàn cảnh xa lạ phải cẩn thận, câu này luôn luôn đúng. Bây giờ Vân Lang đang làm như thế.