Điện Hàm Nguyên đã được tu sửa lại sau khi bị sét đánh, đã trở nên xa hoa, uy phong và trang trọng hơn cả trước kia. Nữ hoàng ngồi ở ngai vàng gọi tân khoa tiến sĩ vào yết kiến. Đám người Lương Vương, Tương Vương đứng ở sau tấm bình phong, nhìn cảnh tượng đang diễn ra trong điện từ xa.
Khi mười hai người đã tiến vào điện, sau tấm bình phong phát ra tiếng thì thầm. Trời ạ, tiến sĩ lang lần này tuấn tú quá, nhất là ba người dẫn đầu, tướng mạo của họ đều vô cùng xuất chúng, từ phong thái cho đến khí chất đều khác biệt. Bọn họ mặc y phục màu đỏ đứng song song trên đại điện, hoà cùng vẻ đẹp của điện, trông họ sáng rực không gì sánh bằng.
Tất cả mọi người đều hướng về các thiếu niên lang trẻ tuổi anh tuấn, tài hoa hơn người, nhưng, trên thực tế, cả hai thứ này khó mà song hành cùng nhau được. Ngàn năm mới có thể tìm ra được một vị tiến sĩ. Phàm là người có thể đề tên mình trên bảng, đều từng thi rất nhiều lần rồi. Dân gian còn có câu chuyện "tiến sĩ trẻ năm mươi tuổi" cơ mà, năm mươi tuổi mà thi đậu tiến sĩ thì vẫn được coi là trẻ rồi đấy.
Trong những năm qua, trong số các tiến sĩ, người còn trẻ tuổi đều được xem là khách quý trong các bữa tiệc xã giao. Ấy thế mà hôm nay lại có tận ba thiếu niên xuất hiện cùng một lúc, điều hiếm thấy hơn cả là, cả ba người đều có tướng mạo xuất chúng. Tiểu cung nữ trong điện Hàm Nguyên không nhịn được mà cũng phải lén lút liếc nhìn, hoàng thân quốc thích sau tấm bình phong cũng kích động vô cùng, Thái Bình Công chúa cười, nói đùa: "Trước kia nghe nói có vài thân tộc bắt rể dưới bảng, khi đó ta còn thấy thật hồ đồ làm sao. Nhưng hôm nay, được thấy ba vị tiến sĩ đây, ta mới chợt hiểu ra. Thiếu niên lang tài giỏi tuấn tú như thế này, nếu là ta thì ta cũng muốn tranh giành."
Lương Vương cười nói: "Thái Bình, hôm nay ngươi là cháu dâu Võ gia, nếu học điệu bộ của mấy thân sĩ kia thì Định Vương sẽ ghen đấy."
Phò mã Định Vương của Thái Bình Công chúa đứng ở bên cạnh chỉ lạnh nhạt mỉm cười: "Tài tuấn như mỹ nhân, ta nhìn cũng động lòng. Bệ hạ có được cũng là chuyện tốt."
Ngụy Vương liếc nhìn Định Vương, dùng giọng điệu giống với những lúc nói đùa để đáp: "Cũng chẳng phải là ngày đầu Thái Bình yêu người tài, trên phương diện này, quả thật là Thái Bình luôn hết lòng như thế."
Lời này mang hai hàm nghĩa, vốn dĩ việc yêu người tài nên được ca ngợi, nhưng nếu để nói về Thái Bình Công chúa thì nó còn mang một ý nghĩa khác.
Thái Bình Công chúa rất yêu quý nam tử có gia thế, có tài học, nam sủng trong phủ của bà ta chỉ toàn là người xuất thân thế gia, giỏi thơ văn. Tất nhiên, có một yếu tố rất thực tế đó chính là, cách Thái Bình Công chúa tìm nam sủng không hề giống với cách mà Nữ hoàng tìm nam sủng, vì Thái Bình Công chúa cần tìm đồng bọn có thể giúp đỡ, hợp tác với bà ta trong việc tham mưu chính sự, chứ không chỉ đơn thuần là để giải trí như Nữ hoàng.
Nhưng, không một ai có thể giải đáp được nghi vấn, rằng, liệu việc này có liên quan đến việc bà ta hoài niệm người cũ hay không. Bởi vì vị phò mã đầu tiên của Thái Bình Công chúa là Hà Đông Công, con trai của Thành Dương Công chúa, nổi tiếng thế gia tài tuấn khắp thành Trường An.
Ý muốn châm ngòi, ý đồ bất lương trong lời nói này của Ngụy Vương rất rõ ràng. Định Vương chăm chú nhìn tân khoa tiến sĩ thi vấn đáp trong điện của Nữ hoàng như thể là chẳng nghe thấy lời nói của Ngụy Vương. Nụ cười của Thái Bình Công chúa nhạt dần, sắc mặt bà ta trở nên giá lạnh.
Lương Vương đứng ra hòa giải kịp lúc, ông ta cười nói: "Đều là nhân tài của cô mẫu, trụ cột tương lai của triều ta, ta ước gì càng có nhiều thanh niên tuấn tài càng tốt. Ba người này trông thật xuất sắc, nam nhân như ta cũng bị hoa mắt bởi họ kia mà, ta còn chẳng biết nên nhìn vị nào mới phải ấy chứ."
Lương Vương là cháu trai lớn của Nữ hoàng, tuổi tác lớn nhất, giao thiệp rộng rãi nhất, hơn nữa,"mạnh vì gạo, bạo vì tiền" mà, ông ta luôn giữ mối quan hệ "không nóng không lạnh" với hai bên nhà Lý – Võ. Lương Vương đã lên tiếng rồi thì nhiều vương công quý tộc khác cũng phải nể mặt.
Thái Bình Công chúa thuận theo đó mà nói sang chuyện khác, Ngụy Vương cũng chỉ lặng lẽ cười cười, không "thừa thắng xông lên" nữa.
Bấy giờ mấy Quận vương, Quận chúa đứng phía sau mới dám hít thở tiếp. Thái Bình Công chúa được Nữ hoàng sủng ái nhất, nếu bà ta đã muốn giao chiến với Ngụy Vương thì bọn họ cũng chẳng có quyền được nói chen vào một câu nào cả. Lý Khỏa Nhi đứng ở sau lưng phu thê Thái tử, nàng ta sợ hãi níu tay áo Vi phi.
Vi phi thầm liếc mắt ra hiệu cho Lý Khỏa Nhi, bảo nàng ta hãy yên lặng đi, không được ra mặt. Tất nhiên là Lý Trọng Nhuận cũng nhìn thấy, hắn ta hiểu tại sao cha mẹ mình lại kiêng nể họ, nhưng giờ đây, điều ấy vẫn làm lòng hắn ta bi ai khôn cùng.
Hắn ta là trưởng tử của Thái tử, người thừa kế chính thống tiếp theo của ngai vị, ấy thế mà, khi ở trong tình cảnh này, hắn ta cũng chẳng hề có năng lực đòi lại sự công bằng cho người nhà mình.
Hắn ta nhìn phụ thân và thúc thúc Tương Vương ở phía trước, quả thật cô mẫu Thái Bình Công chúa đã giúp đỡ hoàng tộc Lý thị rất nhiều. Việc Tương Vương có thể giữ lại được tính mạng sau một thời gian dài bị giam cầm, việc phụ thân có thể trở về từ Lăng Lư và lên làm Thái tử, tất cả những điều ấy đều không thể thiếu vắng đi sự trợ giúp của cô mẫu. Nhưng mà, khi có người lấy việc riêng của cô mẫu ra để nói giỡn, cố ý làm khó người, Thái tử và Tương Vương lại chẳng dám ra mặt để nói đỡ cho muội muội mình một câu nào.
Sau tấm bình phong, Nữ hoàng nhìn cảnh thi vấn đáp, bà ấy hỏi tình hình chính trị đương thời, hỏi kinh thư nghĩa lý, cả ba người đều đối đáp trôi chảy, người theo hầu có thể thấy được là Nữ hoàng rất hài lòng.
Quả thật là tâm trạng của nữ hoàng ngay lúc này không hề tệ. Tuy rằng bà ấy đã cố ý cho Huyền Kiêu Vệ tiến vào quan trường, trở thành "cây đinh" bí mật trong triều. Nhưng, suy cho cùng, khoa cử được tổ chức cũng là vì để tuyển chọn người tài, và ban đầu bà ấy cũng không muốn làm quá mức như thế, chỉ dự định sẽ phân chia người trong hàng ngũ trúng tuyển thôi.
Nhưng mà, bài thi của ba thiếu niên này đã vượt xa dự liệu của bà ấy, Nữ hoàng vô cùng mừng rỡ, bèn vung ngự bút hào phóng khâm định ba thứ hạng đầu tiên cho bọn họ. Hôm nay gọi vào cung yết kiến, bọn họ cũng không làm bà ấy mất mặt.
Chỉ tiếc rằng, có hai người không chịu phục tùng cho lắm.
Sau khi kết thúc buổi thi vấn đáp ở điện Hàm Nguyên, các tiến sĩ nối đuôi nhau rời đi. Tiếp theo đây, vẫn còn có rất nhiều hoạt động khác nữa, như là cưỡi ngựa diễu hành, lễ bái Khổng Tử, đề tên lên Nhạn tháp, ... Nữ Hoàng đã rời khỏi Trường An mười lăm năm, dân chúng Trường An cũng đã quên tướng mạo Nữ Hoàng từ lâu, nhưng những tân khoa tiến sĩ năm nay lại đại diện cho hình ảnh của Nữ Hoàng và hàng ngũ thần tử bà ấy chấp chính. Nữ Hoàng cố ý làm thật long trọng, có thể đoán ra được rằng, sau này sẽ còn có rất nhiều hoạt động.
Minh Hoa Chương bước xuống bậc thang, thái giám phía trước đã ân cần chuẩn bị cho nghi lễ diễu hành, nhưng Minh Hoa Chương lại không hề di chuyển, mà hắn lại quay đầu nhìn về phía điện Hàm Nguyên.
Tạ Tế Xuyên đi đến bên cạnh và hỏi hắn rằng: "Nhìn cái gì vậy?"
Người tài ba, thợ khéo trên đời này quả đúng là lợi hại thật, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế mà đã xây xong điện Hàm Nguyên rồi. Minh Hoa Chương chẳng hề lạ lẫm gì với tòa cung điện này, vì bọn họ đã từng thấy điện Hàm Nguyên khi còn ở Thiên Hương các rồi, nhưng mà, cảm giác khi nhìn bản vẽ và nguyên bản ngoài đời vẫn vô cùng khác biệt nhau.
Ánh mắt Minh Hoa Chương chuyển sang nơi khác, hắn nói: "Không có gì. Đúng rồi, ngươi có nhận được một tờ giấy của Hàn Hiệt không?"
Tạ Tế Xuyên khép ống tay áo lại, nhìn bậc thang của tòa cung điện đồ sộ uy nghi trước mặt mình, hắn ta thản nhiên đáp: "Có nhận được."
"Ngươi có xem không?"
Tạ Tế Xuyên cười khẽ, đáp: "Vứt rồi."
Cũng giống với dự đoán của Minh Hoa Chương, hắn không bất ngờ một chút nào cả, chỉ nói rằng: "Thật ra ta vẫn thấy rất ngạc nhiên, không rõ tại sao ngươi lại xếp thứ ba. Tạm thời không nhắc tới Tô Hành Chỉ, chỉ là, dù thế nào sách luận của ngươi cũng không hề thua kém ta."
"Ngươi châm chọc ta đấy à?"
"Không phải." Giọng nói của Minh Hoa Chương trầm lắng, cho dù người trước mặt hắn đang trưng vẻ mặt quái gở ra và hỏi hắn như thế, nhưng cũng chẳng thể khiến vẻ mặt hắn thay đổi: "Ta đang nghĩ, không biết rốt cuộc là cái thứ hạng này được sắp xếp dựa trên tiêu chí nào, ngươi nói thật cho ta biết đi, bài luận cuối cùng ngươi đã viết thế nào?"
Nội dung của kỳ thi tiến sĩ bao gồm phần thiếp kinh, tạp văn, và quan trọng nhất là sách luận. Thiếp kinh chỉ kiểm tra đại kinh, chép nội dung trong "Lễ ký","Tả truyện" [*]; tạp văn thì kiểm tra khả năng thi ca và từ phú; còn phần sách luận thì phải viết năm bài.
[*] Thiếp kinh là một phương pháp kiểm tra nói hoặc viết trong kỳ thi khoa cử ngày xưa; Tạp văn là loại tản văn hiện đại, không câu nệ hình thức, chú trọng nghị luận, cũng có thể tường thuật sự việc; Lễ ký (hay còn gọi là Kinh Lễ) là 1 quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước; Tả truyện (còn gọi là Xuân Thu Tả thị truyện, hay là Tả thị Xuân Thu) là tác phẩm sớm nhất của Trung Quốc viết về lịch sử phản ánh giai đoạn từ năm 722 TCN đến năm 468 TCN.
Từ nội dung thì có thể nhìn ra được tiêu chuẩn thật sự để tuyển chọn tiến sĩ trong kỳ thi. Sách luận chủ yếu hỏi về chính sự đương thời, buôn bán, pháp luật, quân sự, vận tải đường thuỷ, quản lý muối. Khi trả lời các vấn đề chính yếu được nêu trên, thí sinh phải lập luận rõ ràng, có luận điểm, luận cứ xác đáng. Số lượng từ giới hạn trong năm bài sách luận là khác nhau, trong đó, bài luận cuối cùng là bài quan trọng nhất.
Trông Tạ Tế Xuyên vô cùng ung dung, hắn ta phủi phủi ống tay áo, hùng hồn nói: "Không viết."
Minh Hoa Chương cũng đã có suy đoán trong lòng rồi, nhưng cuối cùng lại nghe thấy Tạ Tế Xuyên trả lời như thế, hắn vô cùng kinh hãi: "Không viết ư?"
"Đúng vậy." Tạ Tế Xuyên nói: "Đề bài cuối cùng Hàn Hiệt đã chắp tay tặng cho chúng ta, tuy bản thân ta tự biết rằng ta không xem, nhưng sao người chấm bài thi biết được điều ấy chứ? Nếu bọn họ hiểu lầm rằng ta đã biết trước đề rồi nên mới viết ra được bài này, vậy thì, dù phần sách luận ta viết rất tốt đi chăng nữa thì đó cũng là do người khác bố thí cho ta. Thà rằng ta không cần nó thì hơn."
Minh Hoa Chương lặng lẽ nhìn hắn ta, lòng hắn phức tạp đến khó tả.
Hắn vẫn luôn biết rằng Tạ Tế Xuyên "cậy tài khinh người", nhưng hắn không ngờ là hắn ta lại kiêu ngạo đến mức này, chỉ vì sợ bị người ta hiểu lầm là gian dối nên không trả lời ư?
Chỉ có hắn ta mới làm được việc này mà thôi.
Đã nói tới đây rồi, thế nên, Tạ Tế Xuyên cũng nhân đây mà hỏi Minh Hoa Chương rằng: "Còn ngươi, ngươi có viết bài cuối không?"
"Tất nhiên là có viết." Minh Hoa Chương nói: "Tờ giấy nhận được đêm hôm đó ta đã đốt đi rồi, ta không thẹn với lương tâm, có gì không dám viết?"
Tạ Tế Xuyên nhíu mày, hắn ta cười mà như chẳng cười, hỏi: "Ngươi không lo vị kia sẽ hiểu lầm rằng ngươi đã biết trước đề rồi nên mới viết ra được bài sách luận ấy sao?"
"Ta trên không thẹn với trời, dưới không thẹn với người, không thẹn với lương tâm. Người ngoài thấy thế nào là chuyện của bọn họ, nhưng nếu như ta đã tham gia khoa cử thì ta phải cố gắng hết sức." Nói rồi, Minh Hoa Chương dừng lại một chút rồi mới nói tiếp: "Ta nghĩ, lòng dạ ngài ấy cũng sáng tỏ như gương, hiểu rõ mọi lẽ."
"Hả?" Tạ Tế Xuyên phát hiện ra điều bất thường, bèn truy hỏi: "Ngươi muốn nói gì?"
"Ngươi chưa từng đặt nghi vấn, chưa từng tự hỏi rốt cuộc là trong tờ giấy kia viết gì đúng không?" Ánh mắt Minh Hoa Chương nhìn xa xăm, rồi ánh mắt hắn dừng lại nơi Đan Phượng Môn, nói: "Thời Trinh Quán, thủ sĩ khoa cử vẫn chỉ là hư danh, chủ yếu trúng tuyển nhờ vào danh vọng, phần lớn người thi đỗ là con cháu vọng tộc, quan viên. Nhưng từ sau khi ngài ấy nắm quyền, ngài ấy đã ra sức phát triển thi cử bằng văn chương, nghĩ ra cách xóa tên để chấm bài, cho người chép bài thi ra để tránh quan chủ khảo nhận ra chữ viết, ... Qua những điều ấy, ngươi vẫn cảm thấy ngài ấy sẽ tiết lộ đề khoa cử ư?"
Tạ Tế Xuyên nhíu mày: "Ngươi nói là..."
"Chắc hẳn tờ giấy kia không phải là đề thi, mà là một ít tư liệu lịch sử." Minh Hoa Chương thở dài: "Nếu ngươi nghĩ rằng, có đề rồi là có thể vô tư, yên tâm chờ thi đỗ, thì chắc chắn là ngươi sẽ không đỗ. Sau khi cầm tờ giấy, nếu như ngươi nghiền ngẫm nội dung trong tờ giấy ấy, lại âm thầm tìm kiếm tài liệu lịch sử có liên quan, tất nhiên là ngươi sẽ hiểu rõ ngài ấy muốn thấy phần sách luận được viết theo hướng nào. Nhưng, nếu sau khi cầm tờ giấy ấy, ngươi lại không hề xem nó, thì ngươi có chọn viết theo hướng nào cũng đều là sai lầm, dẫu cho tài văn chương của ngươi có cao đến nhường nào, dẫu luận cứ có chặt chẽ ra sao."
Sách cổ cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Nhưng, vì đấy là văn chương mà, nên cho dù có cùng nghị luận về một kiệt tác đi chăng nữa, thì việc viết văn vẫn luôn là "ngàn người ngàn mặt", khó lòng mà tìm ra được "điểm giao nhau" trong mạch suy nghĩ. Minh Hoa Chương không biết trình độ sách luận của hắn trong mắt Nữ Hoàng là như thế nào, nhưng rõ ràng đây không phải là thứ mà Nữ Hoàng muốn nhìn thấy.
Hắn không xem tờ giấy kia, hắn hiểu rõ điều ấy trong lòng, mà Nữ Hoàng cũng vậy. Hóa ra, bài kiểm tra chính thức của bọn họ không phải là khoa cử, mà là tờ giấy kia.
Tuy rằng thủ đoạn "chỉ hươu bảo ngựa" tệ, nhưng lại đem đến hiệu quả cao vô cùng, có thể lọc ra được thần tử có lòng riêng, không thật sự phục tùng mình. Không cần biết Minh Hoa Chương và Tạ Tế Xuyên "bằng mặt không bằng lòng" vì nguyên nhân gì, nhưng không thể phủ nhận rằng, bọn họ không hề quyết một lòng với Nữ Hoàng.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài thôi thì sẽ thấy đây chỉ là một kỳ khoa cử bình thường, nhưng thật ra, đây là kỳ thi bí mật kiểm tra lòng trung thành. Thứ tự khoa cử là thứ hạng của lòng trung thành.
Tô Hành Chỉ là người xuất sắc nhất, y xem tờ giấy, nhưng sau đó lại không hề hả hê hay kiêu ngạo, vẫn chăm chỉ chuẩn bị cho kỳ thi, nhận được sự công nhận của Nữ Hoàng bằng thực lực của mình. Minh Hoa Chương không xem, không cần biết trình độ học vấn ra sao, chỉ xét về thái độ thì vẫn còn kém một bậc. Tạ Tế Xuyên thì chẳng hề viết, vậy thì không cần phải nói thêm gì nữa.
Vì vậy, từ góc độ của Nữ Hoàng, thứ tự kỳ thi này vô cùng công bằng, thật sự là bọn họ không thể kêu oan.
Tạ Tế Xuyên chậm rãi "Ồ" lên một tiếng, hắn ta híp mắt lại mà nói: "Hiểu rồi, cái tên Hàn Hiệt này lại tính toán chúng ta!"
Minh Hoa Chương không nói gì nữa. Thua là thua, chơi cờ kém một nước, chẳng thể trách người khác được. Tuy rằng hắn không thích Tô Hành Chỉ, nhưng vẫn phải thừa nhận là Tô Hành Chỉ có thực lực, Minh Hoa Chương không còn lời nào để nói.
Hai thái giám áo xanh tới mời: "Hai vị tiến sĩ, chúng nô tài đã chuẩn bị xong cho buổi diễu hành, các ngài xem..."
Minh Hoa Chương và Tạ Tế Xuyên không nói chuyện nữa, một trước một sau đi đến Đan Phượng Môn.
Đan Phượng Môn là cổng chính của cung Đại Minh, cao tới ba mươi trượng, nguy nga tráng lệ, khí thế hùng hồn. Phía sau điện Hàm Nguyên, điện Tuyên Chính, điện Tử Thần, kẻ kêu người đáp, năm ô cửa phía trước xếp thành hàng, sự oai phong của một đế quốc hưng thịnh hiển hiện ngay trước mắt.
Giờ đây, các thanh niên mặc y phục đỏ cưỡi con ngựa to từ sâu trong cổng cung đi ra, ba người cầm đầu có gương mặt khôi ngô, phong độ, dân chúng hai bên đường im lặng một lát rồi sau đó, tiếng reo hò bùng nổ đến kinh thiên động địa.
Lễ vi tân bảng động Trường An, cửu mạch nhân nhân tẩu mã khán [*]. Các nam tử hâm mộ ba người thành danh, khí phách. Còn các tiểu nương tử trong thành Trường An thì nhanh chóng tìm hiểu xem ba người đứng đầu là ai, là người ở đâu, đã lập gia đình hay chưa trong điên cuồng.
[*] Thơ của Lưu Vũ Tích. Ý nói bảng vàng làm chấn động thành Trường An, người người ở khắp đường phố Trường An ra xem diễu hành.
Chẳng mấy chốc, xuất thân của mấy vị tân khoa tiến sĩ đã bị mọi người "đào ra" được. Mọi người đều biết rằng ba người đứng đầu năm nay không chỉ có tướng mạo, mà gia thế cũng rất nổi bật, nhất là khi, có một vị là công tử của phủ Trấn Quốc Công, một vị là trưởng tử Tạ gia. Và, hơn thế nữa, khi biết cả ba người còn chưa thành thân, sự nhiệt tình của mọi người càng mạnh mẽ hơn nữa.
Trên lầu hai của một quán rượu nằm trên phố Chu Tước, Nhậm Dao dựa vào lan can nhìn ra xa, nhìn theo cảnh tiến sĩ diễu hành náo nhiệt cách đó không xa mà thở dài: "Nhìn cảnh tượng này đi, chưa đầy một ngày là sẽ nổi danh khắp thiên hạ, ít nhất thì cũng sẽ lan ra khắp Trường An trong vòng một ngày. Cùng là tiến sĩ với nhau kia mà, thế thì vì sao lại không có ai ngó ngàng tới võ cử thế?"
Giang Lăng "xuỳ" một tiếng, nói: "Chẳng phải là vẫn còn chúng ta "ngó ngàng" tới hay sao? Chúc mừng ngươi, chúc mừng ngươi đã đỗ võ cử. Chắc hẳn ngươi là nữ Võ Trạng Nguyên đầu tiên từ trước tới giờ đấy."
"Tính cả văn khoa vào thì Nhậm tỷ tỷ cũng là độc nhất." Minh Hoa Thường hăng hái hỏi: "Nhậm tỷ tỷ, Bộ binh đã nói thế nào, tỷ đã đậu võ cử rồi, về sau họ sẽ cho tỷ làm quan ạ?"
Nhậm Dao hừ nhẹ một tiếng rồi đáp: "Đừng có nằm mơ nữa. Thái bình thịnh thế, võ tướng vốn vô dụng, ta còn là một nữ nhân nữa, chỉ e rằng đó chỉ là hoa văn trang trí trên bảng vàng mà thôi. Mấy lão già cổ hủ ở Bộ binh quan tâm tới tôn ti lắm, còn chưa kịp nghe tới chuyện làm quan nữa mà bọn họ đã truyền tin tức cho tổ mẫu ta rồi."
"Hả..." Minh Hoa Thường khó xử: "Vậy Nhậm lão phu nhân nói sao ạ?"
Nhậm Dao lạnh lùng cười, chỉ nhìn sắc mặt của nàng ấy thôi thì cũng có thể đoán được là thái độ của Nhậm lão phu nhân không hề tốt. Minh Hoa Thường và Giang Lăng đều im lặng không nói gì nữa. Nhưng ngay khi ấy, đội diễu hành chợt tới gần, Minh Hoa Thường muốn chuyển sự chú ý của Nhậm Dao sang chuyện khác, cố ý ra vẻ vui mừng mà nói: "Hai người xem kìa, tiến sĩ tới rồi! Ôi, hôm nay phải nhìn Trạng Nguyên cho thật kỹ mới được!"
Hôm nay yết bảng, từ sớm đã có người đi khắp từ đầu phố cho tới cuối hẻm để bán túi thơm, túi tiền, Minh Hoa Thường thấy hợp với bầu không khí nên cũng đã mua hai chiếc túi. Nàng thật lòng mừng thay cho Tô Hành Chỉ, Tô Hành Chỉ xuất thân bần hàn mà lại có thể đánh bại được bao huân quý và thế gia trong kỳ thi này, thế thì y đã phải nỗ lực nhiều đến nhường nào cơ chứ? Đã đạt được thành tích như thế rồi, thì dù có chúc mừng như thế nào đi chăng nữa, vẫn không thể nào là đủ.
Minh Hoa Thường đang định hùa theo đám đông mà ném túi thơm cho Trạng Nguyên, nhưng, có lẽ là do ban nãy nàng đã hét to quá, nên lúc hàng ngũ diễu hành đi ngang qua chỗ bọn họ, Minh Hoa Chương bỗng ngẩng đầu lên, nhìn thẳng về phía nàng.
Minh Hoa Thường sửng sốt, túi thơm mà nàng đang cầm cũng trở thành thứ nóng bỏng tay. Mà, Tạ Tế Xuyên thấy hành động đó của Minh Hoa Chương thì cũng nhìn lên theo.
Ánh mặt trời ngày mùa thu sáng rỡ vô cùng, hình như là gió cũng thổi nhẹ hơn trước. Minh Hoa Thường ngây người ra ngay tại chỗ, bản thân nàng như đã gặp phải cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ lúc chào đời cho tới nay, ấy thế mà Giang Lăng vẫn còn ngây ngốc đi tới và hỏi nàng rằng: "Sao ngươi không ném đi? Không ném nổi à? Ngươi nói đi, ngươi muốn ném cho ai? Ta ném giúp ngươi."